Có niềm tin tôi mới làm

14/01/2014 12:53 GMT+7 | Văn hoá

Thethaovanhoa.vn) - Vở nhạc kịch Notre Dame De Paris (Nhà thờ Đức Bà Paris) đã có 2 đêm biểu diễn tại Nhạc viện TP.HCM (12,13/1). Đây là vở “made in Vietnam” đầu tiên được biên soạn bởi nhạc sĩ Huy Tiến.

Vũ Huy Tiến là cái tên rất quen thuộc của thế giới Jazz Việt và anh cũng đã từng phối khí, dàn dựng nhiều tác phẩm âm nhạc ở nhiều đơn vị biểu diễn nghệ thuật. Vở nhạc kịch Notre Dame De Paris là một sản phẩm anh ấp ủ từ rất lâu  và 2 đêm diễn vừa qua là lần đầu ra mắt công chúng.

TT&VH có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ Huy Tiến.

* Anh thai nghén vở này bao lâu rồi?

- Tôi bắt đầu viết vở nhạc kịch này từ năm 1980 dựa trên nền tác phẩm kinh điển của đại văn hào nổi tiếng người Pháp Victor Hugo. Tôi viết xong cũng đã lâu, lúc đầu chỉ là thanh xướng kịch và cũng đã từng dựng cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Hà Nội nhưng chưa biểu diễn lần nào. Gần đây tôi viết thêm một số bài mới cho tác phẩm để nó trở thành một vở nhạc kịch.


Nhạc sĩ Huy Tiến (trái) trao đổi cùng NSƯT Duy Tân, người đóng vai thằng Gù Quasimodo

* Trong vở này, điểm nhấn mà anh xây dựng là gì?

- Vở nhấn mạnh vào mối tình đau khổ dẫn đến ghen tuông của đức cha Frollo đã biến ông thành kẻ ích kỷ và độc ác; viên Đại úy Phoebus dù hào hoa nhưng tâm hồn vô cùng hời hợt, dù được Esméralda - cô gái Digan xinh đẹp, hoang dã đầy nồng nàn đã trao cho y cả trái tim yêu, nhưng với bản chất khoe mẽ nông nổi, y đã vô tâm phản bội và ơ hờ nhìn nàng bị hành quyết… Tất cả được nối nhau bằng âm nhạc…

* Tôi thấy vở nhạc kịch này có nhiều nét giống thanh xướng kịch hơn, nhất là ở phần người dẫn, vốn rất ít thấy trong các vở nhạc kịch…

- Đó vẫn là nhạc kịch thôi. Người dẫn truyện đóng vai trò rất lớn ở vở này vì họ sẽ là điểm giao của mọi đầu mối. Mà cái này thì thanh xướng kịch hay nhạc kịch đều có quyền tạo dựng vì chắc chắn anh không thể có đủ thời gian để mô tả lại toàn bộ tác phẩm của Hugo.

* Vở Thằng Gù nhà thờ Đức bà thành công vang dội, và ca khúc trong tác phẩm ấy sau đó đã có đời sống lâu dài trên thị trường. Anh có hy vọng  sẽ có những tác phẩm sống được bên ngoài từ vở này?

- Tất nhiên là mong muốn chứ. Nói thật là trước đây một vài bài trong tác phẩm này của tôi đã được ca đoàn nhà thờ Tân Định (TP.HCM) dựng lại, rồi một vài bài cũng được anh Chu Minh Ký hát… Tất nhiên, tôi vẫn muốn nó được phổ biến hơn. Tôi đã sáng tác 34 bài cho vở này và hy vọng một số trong đó sẽ được nhiều người biết đến.

* Nên gọi vở nhạc kịch này là gì: opera, opera tân cổ điển, Broadway…? Bởi trong tác phẩm có rất nhiều kiểu nhạc trộn lẫn. Bên cạnh đó, anh vốn là một jazzist nổi tiếng, và trước đây anh cũng từng ôm ấp một giấc mộng nhạc kịch jazz, sao anh không biến luôn vở này đậm mùi jazz?

- Tôi gọi đây là nhạc kịch đương đại. Bởi các chất liệu ở đây vừa cũ, vừa mới, tất cả pha nhau khá đều. Nhạc kịch là bởi nó mang đúng tinh thần musical, hát, diễn, hợp xướng, không lời thoại… Chất jazz thì đúng là trước đây tôi mơ mộng nhưng làm thì khó lắm, bởi jazz là ngẫu hứng, mà một vở như thế này không có nhiều đất cho sự ngẫu hứng. Tuy vậy, ở vở này tôi “lắp” jazz cũng khá nhiều.

*  Anh đặt niềm tin gì vào vở này khi mà thị trường vẫn còn kén chọn thể loại này? Và bên cạnh đó, yếu tố chi phí có mang tính quyết định đến qui mô tác phẩm của anh?

- Phải có niềm tin thì tôi mới làm, dù tôi là đi đầu hay đi sau. Tôi muốn mang thứ nhạc kịch giản dị hơn vào đời sống để ai cũng có thể nghe được. Đúng là chi phí mang tính quyết định nhưng những người tham gia vở này  đều làm tôi rất hài lòng.

Nguyên Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm