Có một Bảo tàng về nỗi đau chia cắt...

03/12/2012 14:48 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một bảo tàng ra đời trên nửa thế kỷ ngay trên vùng đất lửa, trở thành nơi lưu giữ những hiện vật về một thời đất nước chịu nỗi đau chia cắt Bắc - Nam. Và trong nỗi đau ấy, có cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta, có khát vọng hòa bình thống nhất đất nước. Nhưng bảo tàng ấy đến nay vẫn tồn tại  trong... Phòng Văn hóa huyện.

Đó là Bảo tàng Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị - một bảo tàng được thành lập từ năm 1958 gắn với  lịch sử đặc khu Vĩnh Linh khi còn tương đương với cấp hành chính một tỉnh. Hơn thế, một tỉnh "đặc biệt" bởi vị trí đầu cầu miền Bắc XHCN.

Sau nửa thế kỷ tồn tại, Bảo tàng Vĩnh Linh gần như bị lãng quên và tất cả hiện vật lịch sử về một thời oanh liệt đau thương của dân tộc giờ đang tồn tại trên tầng hai của trụ sở Phòng Văn hóa huyện...

Trở lại Hồ Xá

Lâu rồi không trở lại Hồ Xá, cái thị trấn nổi tiếng bởi một thời gắn với mảnh đất Vĩnh Linh 2 lần được phong Anh hùng. Nơi đây cũng chứng kiến sự hủy diệt tột cùng của chiến tranh, mà bằng chứng là sau chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cả thị trấn sầm uất là thế  chỉ còn lại ...một cái khung bê tông của nhà máy nước.

Bây giờ Hồ Xá lại hồi sinh, sầm uất với thênh thang đường sá, phố thị. Nhưng đâu rồi cái bảo tàng một thời là nơi đến của du khách và là niềm tự hào của bao thế hệ người Vĩnh Linh?

Xác máy bay xâm phạm miền Bắc bị quân dân Vĩnh Linh bắn cháy
Trưởng phòng Văn hóa huyện Hoàng Kim Khanh tiếp tôi tại trụ sở trên đường  Hùng Vương, ông ngậm ngùi: “Bảo tàng còn đó, trên tầng hai của Phòng. Xưa là Bảo tàng Vĩnh Linh và nay vẫn gọi là... Bảo tàng Vĩnh Linh nhưng không có cơ chế hoạt động bảo tàng đúng nghĩa. Bởi bảo tàng không có kinh phí hoạt động nghiệp vụ thường xuyên cho công tác sưu tầm, phục chế, bảo quản hiện vật như mọi bảo tàng khác . Đơn giản vì bảo tàng nay thuộc về cấp huyện".

Ông Khanh kể, thời trước, Bảo tàng Vĩnh Linh là niềm tự hào của người dân “tuyến lửa” bởi  đây là nơi trưng bày  hiện vật về một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc, đó là thời kỳ Nam - Bắc bị chia cắt và chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ác liệt.

Toàn bộ tầng 2 ngôi nhà tọa lạc trên phố Hùng Vương được dành làm phòng trưng bày hiện vật. Ngăn nắp và ấn tượng, đó là cảm giác đầu tiên khi thăm "Bảo tàng Vĩnh Linh".

Anh Dương Văn Thông, cán bộ bảo tàng chia sẻ: Vì không có không gian nên chỉ trưng bày được một phần rất nhỏ, phần lớn hiện vật  cất vào... kho.

Bảo tàng Vĩnh Linh được thành lập năm 1958, khi mới thành lập đặc khu Vĩnh Linh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng XHCN và đấu tranh thống nhất nước nhà. Năm 1965 giặc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhà Bảo tàng bị đánh sập, hiện vật bị hư hỏng. Năm 1969, Bảo tàng được xây dựng lại với hệ thống nhà cửa dưới hầm trú ẩn. Nội dung chủ yếu của Bảo tàng là trưng bày về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của địa phương, nhằm cổ vũ đồng bào, chiến sỹ ở nơi mũi nhọn của cuộc chiến tranh vệ quốc; đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta, qua đó tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới.

Sau ngày đất nước thống nhất, Vĩnh Linh, việc xây bảo tàng vẫn chưa làm được. Tuy vậy, những cán bộ bảo tàng vẫn hăng say sưu tầm, bảo quản, phát huy giá trị hiện vật qua các cuộc  triển lãm. Đến nay, kho bảo tàng có 344 hiện vật gốc, 468 phim gốc… Tuy vậy do diện tích nhà trưng bày hạn chế nên chỉ tổ chức trưng bày được 134 hiện vật, 220 ảnh.

Tại đây còn lưu giữ tám bức thư của Bác Hồ gửi đồng bào chiến sĩ Vĩnh Linh khen ngợi cổ vũ quân dân Vĩnh Linh anh dũng  bảo vệ quê hương đất lửa, tiền đồn của miền Bắc.

Nỗi đau chia cắt & khát vọng thống nhất

Người bảo vệ "không chuyên" của bảo tàng, ông Nguyễn Hữu Thanh  tự hào vì Vĩnh Linh còn giữ được một bảo tàng đặc biệt như thế. Ông Thanh cho biết những ngày lễ vẫn có khách tham quan, đặc biệt là học sinh các nơi.

Ông dẫn tôi đi xem những hiện vật "độc nhất vô nhị " đang trưng bày tại sân: “Đây là cái loa máng nặng gần một tấn từng đặt ở bờ Bắc sông Bến Hải phát sang bờ Nam kêu gọi đấu tranh thống nhất - ông tự hào giới thiệu - Đây là một "đốt" cột cờ Hiền Lương năm xưa, nơi treo lá cờ đỏ sao vàng rộng 40m2 để đồng bào, đồng chí trong Nam hướng về miền Bắc, đặng yên tâm vững chí đấu tranh cho Bắc - Nam sớm đến ngày sum họp”.


Chiếc loa từng đặt ở bờ Bắc sông Bến Hải phát sang bờ Nam kêu gọi đấu tranh thống nhất đât nước

Qua hơn 50 năm, người Vĩnh Linh đã biết trân trọng những giá trị lịch sử qua việc gìn giữ bảo tàng ấy, dù trước đây Vĩnh Linh là đơn vị hành chính cấp tỉnh hay bây giờ thành cấp huyện. Qua những lần nhập vào huyện Bến Hải rồi tách huyện, nhập tỉnh Bình Trị Thiên rồi lại tách tỉnh. Nhưng nói như ông Trưởng phòng văn hóa huyện, để Bảo tàng hoạt động đúng theo tiêu chí của nó thì "lực bất tòng tâm". Huyện không thể có kinh phí nâng cấp và tăng cường cho hoạt động của bảo tàng. Cán bộ phụ trách chỉ có một người thuộc biên chế phòng văn hóa.

Nhìn những hiện vật dồn đống trong kho, ngắm những bức ảnh quý về thời kỳ hai miền đất nước bị chia cắt đang có nguy cơ xuống cấp, lòng tôi không khỏi tiếc nuối. Phải chi có được một cơ chế hoạt động cho Bảo tàng đặc biệt này, những hiện vật kia sẽ không còn ngủ yên chịu thời gian, ẩm mốc, mối mọt gậm nhấm.

Lúc ấy, một nhịp cầu sắt Hiền Lương thời chia cắt, cái cọc gỗ đóng chia đôi dòng sông Bến Hải năm xưa theo Hiệp định Geneva, những bản nhạc Câu hò trên bến Hiền Lương, Tình trong lá thiếp, Xa khơi... từng làm thổn thức trái tim bao người xa cách, thúc giục đấu tranh cho ngày đất nước đoàn tụ hai miền... sẽ đến với du khác đến thăm Quảng Trị, Vĩnh Linh. Nơi ấy sẽ có chỗ trưng bày mô hình đài quan sát Thái Văn A bảo vệ đảo Cồn Cỏ trong lửa đạn năm nào. Nơi ấy sẽ có mái chèo của anh hùng Lê Văn Ban hàng trăm lần vượt biển dưới tầm pháo hạm chèo thuyền từ đất liền ra tiếp sức cho Cồn Cỏ anh hùng. Nơi ấy sẽ có mô hình bà mẹ vá cờ Tổ quốc ngày xưa bên sông Hiền Lương...

Ngày nay, nhiều cá nhân tâm huyết đều có thể mở bảo tàng tư nhân để lưu dấu lịch sử. Vậy tại sao Vĩnh Linh lại không thể có một bảo tàng chuyên đề về nỗi đau chia cắt đất nước và truyền thống đất lửa cho mình?

Tôi tin nếu được đầu tư, chắc chắn Bảo tàng Vĩnh Linh sẽ là một điểm đến, một địa chỉ hành hương ý nghĩa trong tua du lịch thăm chiến trường xưa từ Quảng Trị - Đông Hà - Cửa Việt - Cửa Tùng -Vĩnh Mốc - Hồ Xá, những địa danh anh hùng, bi tráng trên vĩ tuyến 17.

Ghi chép của Tân Linh
Thể thao & Văn hóa 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm