Cô Ló... đa năng

29/07/2012 09:00 GMT+7 | Văn hoá


Kim Oanh nhún nhảy trên đôi giày cao gót, tung tăng trong chiếc váy xòe, cười nhí nhảnh với người hâm mộ đang xì xào: "Thùy Linh kìa", "Cô Ló ma làng kìa", "Bà cô Cầu vồng tình yêu kìa"!




Kim Oanh (trái) vai Thùy Linh của Mùa hạ cay đắng 2012 - Ảnh: Thanh Tùng

Bạn đồng nghiệp trêu: "Làm gì mà diện thế, có tuần lễ mà thay đến chục bộ váy". Oanh nghiêm chỉnh đính chính: "Không phải chục mà là chiếc thứ 19 ạ. Em đi 15 ngày, mỗi ngày xem hai vở nên mang đúng 30 bộ. Mặc đẹp là tôn trọng mình và tôn trọng khán giả mà". Buổi diễn sắp bắt đầu. Oanh lên hàng ghế gần sát sân khấu, mở cuốn sổ ra và chăm chú từ đầu đến cuối vở diễn, suốt 26 suất diễn của liên hoan sân khấu toàn quốc, không một phút lơ là. Lúc ấy Oanh là một biên tập viên của ban văn nghệ VTV. Chẳng ai còn nhận ra cô diễn viên trẻ nổi danh với những vai phản diện, đanh đá, lẳng lơ trên màn ảnh và những vai cực kỳ cá tính trên sân khấu nữa.

"Gái hư" nhưng mà vừa sâu vừa sắc


Ít có ai "sắc vóc hơi kém so với bạn cùng trang lứa" - như Oanh tự nhận - mà lại nổi tiếng từ năm 18 tuổi bằng những vai diễn luôn rất ấn tượng như Kim Oanh. Mới học năm thứ nhất Trường ÐH Sân khấu điện ảnh, Oanh đã có hẳn một vai mà nhiều diễn viên nữ tài danh mơ ước: Mây - dân chơi, vợ của Núi (Xuân Bắc đóng) - trong bộ phim truyền hình 20 tập Sóng ở đáy sông - chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu thời phim truyền hình VN còn là "món ngon vật lạ" hơn mười năm trước.

Oanh kể về cái duyên của mình cũng dí dỏm hài hước chẳng giống ai: "Chú Lê Ðức Tiến chọn diễn viên, nhưng chú ấy chưa chọn ngay, mỗi ngày người trợ lý phải chọn qua mười người rồi mới đưa đến cho chú chọn lại. Em ngồi quán nước cổng trường năm buổi sáng liền, ngày nào đoàn làm phim cũng cố kiếm cho đủ mười người ra mắt chú Tiến mà ông trợ lý vẫn kiên quyết không... nhìn thấy em. Ðến sáng thứ sáu, gần trưa rồi mà vẫn chỉ lùa được có chín mống, vẫn thấy em ngồi quán trà chén, ông ấy tặc lưỡi: Thêm mày vào cho đủ chục nhé, không ông Tiến ông ấy cáu. Vâng, thì em đi thử vai. Không ngờ nhìn thấy em, chú Tiến chốt luôn: Mây đây rồi!".

Mây làm Kim Oanh chết tên, đi đến đâu cũng bị gọi là Mây, đóng phim truyền hình từ đó trở đi toàn bị giao vai phản diện, đanh đá chua ngoa, lẳng lơ ghê gớm. "Vâng, phản diện thì phản diện, gái hư mà người ta nhớ, người ta thích mới hay, chứ gái ngoan được yêu thì đương nhiên còn nói làm gì. Ðã thế, mỗi gái hư của em nhất định phải là một kiểu, không ai giống ai, càng không giống người đi trước" - Oanh nói, bướng bỉnh và tự tin.

Vì thế, những vai diễn "đào lệch" của Oanh trên màn ảnh dù có "nết" chung là đanh đá nhưng thật muôn hình vạn trạng. Tự nhận là mình có nhiều "miếng" trong nghề, tự nhận mình chịu khó, ham học, Oanh luôn nghĩ ra những chiêu độc cho vai diễn mà không làm khó đạo diễn và bạn diễn. Trong Ma làng, Oanh năn nỉ đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho cô Ló mặc... chỉ một bộ quần áo trong suốt 19 tập phim. "Vai của cháu xấu thế này rồi, chú còn bắt nó thay mỗi tập một bộ thì người ta nhìn quần áo chứ nhìn gì cái mặt cháu nữa" - cô nói "cùn" như vậy rồi cũng thuyết phục được ông Phần. "Thật ra Oanh muốn khán giả chỉ ấn tượng với màu xanh trên áo Ló, chỉ cần thấy thấp thoáng xanh là biết Ló xuất hiện. Vai của mình ít đất diễn, cứ phải đợi thoại để thể hiện thì làm sao cho ra tính cách" - Oanh cười láu lỉnh kể về "chiêu" của mình.

Cũng Oanh, trong Ma làng, đã xin đạo diễn cho mình đi đôi dép không giống ai: hai đế dép khác nhau, một bên cao su một bên đính xèng. Ðể mỗi khi Ló xuất hiện, chưa cần rõ mặt, chưa cần cất tiếng, chỉ nghe tiếng bước chân "uỵch-xoèng" là khán giả biết đó là Ló. "Ðạo diễn bảo Oanh: mày khôn quá! Oanh cũng công nhận mình khôn thật!" - Oanh cười, mắt lá răm tít lại như hai sợi chỉ, nhưng nụ cười thì đắc chí thật trẻ con.

Ma làng thành công vang dội trên sóng truyền hình dù không có cốt truyện éo le tình ái, không có nhà đẹp, diễn viên ngôi sao kiểu Hàn Quốc, có sự đóng góp không nhỏ của bộ ba diễn viên cực kỳ có nghề: Hồng Sơn, Bùi Bài Bình, Kim Oanh. Lúc này thì Oanh tròn mắt tròn miệng đưa ra một con số: "Oanh không phải vai chính trong Ma làng đâu đấy, 19 tập phim, Oanh chỉ có 22 phân đoạn, phân đoạn nhiều nhất năm phút, ít nhất là một phút rưỡi, tổng cộng trong hơn 20 giờ phim Oanh chiếm không đầy 45 phút mà". Ðúng là nghĩ lại mới thấy lạ, ai cũng tưởng cô Ló ấy là nhân vật chính trong phim. "Gái hư" của Oanh thật là vừa sâu vừa sắc.

Chịu khó nhưng mà chịu chơi

Ít ai biết Oanh đã rời Nhà hát Tuổi Trẻ năm năm nay để về làm biên tập viên sân khấu của VTV, nhưng hằng tuần vẫn về xem anh em bạn bè diễn, có vở mới vẫn hăm hở đọc kịch bản, thấy hợp là xin vai, vẫn tập quần quật và vẫn nhận thù lao diễn như người trong biên chế nhà hát, nghĩa là... 150.000 đồng/đêm. Oanh đã vào vai cô dâu trong Ðám cưới không chú rể, vào vai Quỳnh - cô thứ hai trong Nhà có ba chị em gái, cùng của đạo diễn Anh Tú khá ngọt ngào. "Diễn trên sân khấu mang đến một cảm xúc rất khác với diễn trước ống kính. Cái cảm giác mình đang diễn cho đồng nghiệp và khán giả xem trực tiếp nó rất thôi thúc, rất cuốn hút. Hay hay dở mình có thể cảm nhận qua tiếng cười, ánh mắt, tiếng vỗ tay, thậm chí la ó của khán giả. Mỗi lần diễn là một lần hồi hộp và chinh phục. Ðiều đó chỉ có sân khấu mới làm được".

Có lẽ vì thế mà Oanh luôn khao khát "được đồng nghiệp thừa nhận". "Ðược thầy khen không khó đâu nhé, vì mình là học trò, có khen mình thì thầy vẫn là thầy. Ðược khán giả khen cũng không khó, vì mình biết mình có khả năng, có nghề, thậm chí có "bài" nữa. Nhưng được đồng nghiệp khen một cách chân thực và chia sẻ thành công thì mới thực là thành công trong nghề. Cái đó Oanh chưa có, Oanh đang cố, đang phấn đấu hằng ngày" - ít ai nói thẳng đến như Oanh về nghề và tình nghề.

Nhưng cũng vì khao khát một tiếng vỗ tay chân tình của bạn nghề mà Oanh luôn làm được những việc "không tưởng".

Năm 2004, dù diễn rất xuất sắc vai Phồn Y trong Lôi vũ, Oanh vẫn chỉ nhận giải "Triển vọng" trong cuộc thi Tài năng sân khấu. Oanh buồn nhưng không cay cú: "Oanh biết mình diễn tốt, nhưng Oanh sai lầm vì đã chọn Phồn Y, trong khi ai cũng đóng đinh trong đầu là vai đó của chị Lê Khanh".

Cuộc thi tài năng sân khấu 2008 dù không còn là một diễn viên chuyên nghiệp, Oanh đoạt giải A với điểm tuyệt đối của toàn ban giám khảo: "Oanh quyết chiến thắng trong cuộc thi này để khẳng định: Oanh là diễn viên có tài và có chí. Oanh chọn vai diễn ở VN chưa ai diễn và cũng chẳng thí sinh nào dám chọn, đó là Médée. Bi kịch Hi Lạp không phải là cái đích của các diễn viên trẻ, vậy thì Oanh làm".

Năm 2009, dốc hết tiền dành dụm, rất chịu chơi, Oanh đầu tư vào dựng lại vở Tôi đi tìm tôi của tác giả Sỹ Hanh, tất nhiên là do người khác đạo diễn, Oanh vào vai nữ chính. Một tai nạn xảy ra, vở diễn không thể công diễn ở phút chót, Oanh mất trắng số tiền đầu tư, cô nàng đau đớn lắm, vì mất tiền thì ít mà mất lòng tin thì nhiều, nhưng rồi vẫn phẩy tay "thua keo này, bày keo khác".

Và Oanh đi học, học như điên, vừa học xong lớp đạo diễn điện ảnh đã chuyển sang học thạc sĩ lý luận phê bình. Rồi Oanh đi dạy, cũng chuyên tâm và quyết liệt như khi đóng phim, diễn kịch. Sinh viên vàng mắt khi cô giáo Kim Oanh bảo: "Sau hai ngày, ai chưa đọc xong 300 trang kịch bản thì tự động ra khỏi lớp, tôi không có thời gian dạy những người vừa dốt vừa lười".

Mắng thì mắng nhưng giờ lên lớp của Oanh bao giờ cũng đông, vì sinh viên thích cách giảng sinh động và sự nhiệt tình của cô giáo trẻ.

“Bà bầu” mát tay của Mùa hạ cay đắng

Mùa hạ này, 25 năm sau khi vở kịch Mùa hạ cay đắng của nhà văn Nguyễn Quang Lập công diễn lần đầu trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, Kim Oanh lại dốc tiền nhà ra để nhờ đạo diễn Anh Tú đưa vở kịch trở lại sàn diễn. Và tất nhiên là Kim Oanh vào vai Thùy Linh.

Thùy Linh mùa hạ năm 2012 đã khác Thùy Linh mùa hạ 1987 của Ngọc Huyền. Không dịu dàng, dễ lừa, vị tha như ngày xưa, Thùy Linh của Oanh đam mê, cứng rắn và quyết liệt hơn.


Ảnh: Tiến Long

Trên sân khấu có những cảnh yêu đương thật gợi cảm mà Kim Oanh diễn không hề gợi một mảy may thô tục. Khoảng không gian gián cách của sân khấu khiến khuôn mặt cô bớt đi cái sắc như dao cau của đôi mắt lá răm, cái cúi đầu hay quay lưng đầy tế nhị giúp bạn diễn Quang Ánh “lợi mặt” càng khiến giọng cô trầm ấm và đằm thắm hơn.

Trong những tiếng vỗ tay vang dội khán phòng của cả Nhà hát Tuổi Trẻ ở Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Huế, nơi Oanh đang dự Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc, có không ít tiếng vỗ tay của bạn nghề dành cho Kim Oanh, cô diễn viên kiêm “bà bầu” mát tay của Mùa hạ cay đắng.

Đối với Oanh, điều đó quý hơn mọi huy chương và danh hiệu, hơn cả tiền bán vé. Đó là tiếng vỗ tay của tình yêu mà Oanh chờ đợi từ rất lâu.


Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm