Chủ nhân giải Nobel Văn học 2016, Bob Dylan: 'Einstein của nền văn hóa đại chúng'

13/10/2016 18:52 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bob Dylan là một nhà thơ, ca sĩ kiêm nhà soạn ca khúc, một nhân vật được sùng bái. Chiều 13/10 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng giải thưởng Nobel của Thụy Điển đã công bố giải Nobel Văn học 2016 thuộc về
Bob Dylan. Đây là một kết quả khá bất ngờ bởi trước đó, nhiều chuyên gia dự đoán giải năm nay khó thoát khỏi tay tiểu thuyết gia người Nhật Bản Haruki Murakami hoặc nhà văn người Kenya Ngugi Wa Thiong'o

Về Bob Dylan, dịp tròn 75 tuổi của ông, nhiều chuyên gia âm nhạc tự hỏi liệu có một người kế nhiệm nào thực sự “tròn trịa” được như ông?Dylan được xem là một tượng đài trong nền nhạc đại chúng. Ông là một huyền thoại dòng dân gian và rock. Dù đã ở tuổi ngoài thất thập, song Dylan vẫn tiếp tục gây kinh ngạc công chúng.

Nhân vật quan trọng trong phong trào phản kháng

Dylan lần đầu tiên gây sốc công chúng với màn diễn ấn tượng tại Liên hoan nhạc Dân gian Newport năm 1965. Chỉ khi giới sử gia âm nhạc đánh giá ông là một biểu tượng của dòng nhạc dân gian, blues và trào lưu phản chiến, ông mới nối cây guitar của mình với bộ khuếch đại điện tử và trình diễn cùng một ban nhạc rock.

Dylan có tên rất độc đáo, Robert ("Bobby") Allen Zimmerman. Ông sinh ra trong một gia đình người Do Thái ở Duluth, bang Minnesota, và bắt đầu chơi rock 'n' roll với các ban nhạc trong trường trung học từ giữa những năm 1950.


Nhà thơ, ca sĩ kiêm nhà soạn ca khúc Bob Dylan

Sau đó, chàng trai Dylan trẻ trung đã tới Quận New York ở Greenwich Village. Tại đây, nữ ca sĩ nổi tiếng Joan Baez đã phát hiện ra Dylan và đưa chàng thanh niên trẻ này cùng đi lưu diễn.

Trình diễn cùng Baez trước đông đảo khán giả, Dylan đã tạo dựng mình thành một nhân vật trong trào lưu phản chiến với những ca khúc đầy nhiệt huyết và thể hiện sự tức giận như Masters Of WarA Hard Rain's A-Gonna Fall.

Năm 1963, Dylan và Baez đã cùng trình diễn tại cuộc “Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do”, thời điểm quyết định cho phong trào dân quyền Mỹ.

Sau này, Dylan tách ra khỏi Baez, song sức ảnh hưởng của ông tới phong trào phản kháng vẫn mạnh mẽ và tạo sự cộng hưởng tới giờ. Tạp chí Newsweek mô tả Dylan tạo sức ảnh hưởng tới nền âm nhạc đại chúng chẳng kém gì nhà bác học Einstein tác động tới lĩnh vực vật lý.

Trải qua những năm tháng khó khăn

Sau vụ tai nạn mô tô hồi mùa Hè năm 1966, Dylan rút khỏi sàn diễn, hờ hững với nền văn hóa phản kháng mà ông đã tạo sức ảnh hưởng lớn. Sống cùng vợ là Sara Lowndes và các con ở gần Woodstock, New York, Dylan vắng bóng ở liên hoan âm nhạc diễn ra ở đây hồi năm 1969. Đây là liên hoan âm nhạc mang tính quyết định nhất của thập kỷ.

Mặc dù thời điểm ấy đã có sự nổi lên của ban nhạc The Beatles và Rolling Stones, song Dylan vẫn được xem là một trong những nghệ sĩ tiên phong của dòng nhạc rock và âm nhạc đại chúng.

Bob Dylan phát hành các 'phế phẩm' trong bộ ba album kinh điển

Bob Dylan phát hành các 'phế phẩm' trong bộ ba album kinh điển

Giai đoạn 1965-1966 là thời kỳ sáng tạo mạnh mẽ của Bob Dylan. Ông sản xuất bộ 3 album kinh điển, gồm Bringing It All Back Home, Highway 61 Revisited và Blonde on Blonde vào giai đoạn này.


Trong những năm 1970, Dylan đã có những thay đổi hết sức khó khăn, trong đó có cả việc ông ly thân với vợ, và cảm thấy bế tắc trong sáng tạo nghệ thuật. Đến cuối thập kỷ, Dylan trở thành tín đồ của Ki-tô giáo, song việc này đã khiến người hâm mộ cực kỳ khó chịu.

Đến thập niên 1980, Dylan tiếp tục rơi vào thời kỳ đầy chán nản, không gặt hái thành công với những sản phẩm âm nhạc mới, cộng thêm chứng nghiện rượu và các buổi hòa nhạc gây lộn xộn.

Gây dựng lại cơ đồ

Tuy nhiên, đến năm 1988, Dylan bắt đầu gây dựng lại danh tiếng và cơ đồ với thành công thương mại thu được cùng với ban nhạc toàn “sao” Traveling Wilburys, xúc tiến tour diễn Never Ending Tour, thực hiện 100 buổi hòa nhạc/năm trong suốt thập niên 1990 và 2000.

Tính tới tháng 5/2013, Dylan cùng ban nhạc đã chơi hơn 2.500 buổi diễn. Đến nay, lượng đĩa bán ra của Dylan đã đạt khoảng 100 triệu bản trên toàn thế giới.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh, Dylan tạm ngưng chuyến lưu diễn Never Ending Tour của mình. Đây có thể là thời điểm để nghệ sĩ nghĩ về vai trò của mình trong lịch sử âm nhạc?

Theo Wilentz - giáo sư lịch sử Trường Đại học Princeton ở Mỹ - trong những năm 1960, Dylan đã truyền tải các ý tưởng và cảm xúc của mình vào những từ ngữ mà nhiều người khác không thể làm nổi. “Phần ca từ của Dylan thể hiện những gì ông muốn bày tỏ. Tuy nhiên, công chúng đồng cảm với ông, họ nhận thấy đó cũng chính là cảm xúc và tâm tư của họ”.

“Sức mạnh thi ca phi thường”

Bob Dylan đã sở hữu một danh sách dài các giải thưởng, trong đó có 11 giải Grammy, 1 giải Oscar Âm nhạc xuất sắc nhất, giải Pulitzer với những “tác phẩm trữ tình thể hiện sức mạnh thi ca phi thường”.

Đáng nói hơn nữa, năm 2012, ông đã được Tổng thống Barack Obama trao tặng Huy chương Tự do Tổng thống, giải thưởng công dân cao quý nhất của nước Mỹ.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm