Chơi ngông với nhạc Việt Hi-End ?

19/10/2008 14:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Lần đầu tiên có một album nhạc Việt được “xếp hạng” Hi-End để cùng có mặt với những sản phẩm nghe nhìn cao cấp trong Triển lãm thiết bị nghe nhìn HiEnd Show 2009 tổ chức tại Continental, TP.HCM cuối tháng 9 vừa qua : album Shadow in The Dark (Bóng tối ly cà phê).

Thưởng thức bản démo ngay tại triển lãm, một số cao thủ trong làng hi-end, cả Tây lẫn Ta phải gật gù tán thưởng. Tạp chí của Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (Điện tử tiêu dùng) đánh giá : Bóng tối ly cà phê đã đạt cả ba điểm “top” của một đĩa nhạc jazz : Biên tập và hòa âm xuất sắc, Kỹ thuật và Ngẫu hứng tuyệt vời, Thu âm analog và hậu kỳ đạt chuẩn Hi-End. Đây có thể coi là một bước đột phá để jazz (made in) Vietnam ghi danh vào bản đồ nhạc jazz thế giới”. Điều bất ngờ kinh ngạc và thú vị, nhà sản xuất, người biên tập và thực hiện, thu âm và làm hậu kỳ album nói trên, lại là một người lừng danh trong làng…nhiếp ảnh và cũng là một dân chơi Hi-End sừng sỏ : nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải.

* Họa sĩ làm nhạc, nhà báo thành nhạc sĩ, doanh nhân ra album…- đang có phong trào như vậy, và bây giờ nhiếp ảnh gia cũng làm nhà sản xuất âm nhạc. Có phải đây là một “cuộc chơi” mới của anh không ?

- Tôi không làm để chơi, Shadow in The Dark là thử nghiệm đầu tiên của một dự án nghiêm chỉnh.

Hiện nay công nghệ sản xuất một đĩa nhạc ở Việt Nam cũng giống như sản xuất một bộ phim ở Việt Nam có rất nhiều bất cập. Trong điện ảnh, giám đốc hình ảnh là nhân vật rất quan trọng, là người “phiên dịch” ý tưởng của đạo diễn ra hình ảnh, nhưng lâu nay điện ảnh Việt Nam đâu có giám đốc hình ảnh đúng nghĩa. Có những đạo diễn giỏi về hình ảnh, họ phải kiêm giám đốc hình ảnh luôn. Hoặc có những quay phim giỏi làm luôn phần này hộ đạo diễn. Trong sản xuất âm nhạc, có một công đoạn, một nhân vật cũng quan trọng như vậy mà ở ta gần như không có, đấy là công đoạn mix mastering và người làm mastering, tức người gọt rũa âm thanh từ âm thanh thu âm tới âm thanh hoàn hảo đến tai người nghe. Để thưởng thức âm nhạc, âm thanh rất quan trọng vì nó chính là thứ chuyên chở âm nhạc. Nếu được làm mastering hoàn chỉnh thì chất lượng nghe sẽ hoàn toàn khác. Sở dĩ những album chuẩn nước ngoài có chất lượng Hi-End là bởi nó đã được mastering qua hệ thống Hi-End chứ không phải chỉ mix bằng thiết bị phòng thu giống như các album sản xuất ở ta hiện nay. Tôi đã nghe rất nhiều, nhạc nước ngoài, nhạc Việt Nam và thấy rằng âm nhạc Việt Nam không phải tệ như nhiều người tự ti. Nhạc Việt có nhiều thứ hay, nhạc ngoại cũng khối thứ rác rưởi. Nhưng album nhạc Việt phải làm mastering lại, phải đạt chuẩn âm thanh mới có cơ hội hội nhập được. Trên thế giới hiện nay cũng chỉ mới có 10 điểm mastering. Và tôi muốn làm mastering ở Việt Nam. Hiện tôi đã mua đất để làm phòng thu và phòng mastering rồi. Tôi quyết định “chơi tới”. Tất nhiên là trong điều kiện của mình, giống như đội tuyển bóng đá Việt Nam, chơi với 120% sức lực !

* Để album đạt chất lượng tiêu chuẩn, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trong nước tìm đường ra nước ngoài. Còn anh, ở Việt Nam, lại là dân “ngoại nhạc”, sao anh dám “hùng hồn” thử nghiệm như vậy ?

- Làm mastering không cần quá nhiều tiền như nhiều người nghĩ. Mastering cần một người “2 trong 1” hiểu về Hi-End và âm nhạc. Tôi tin vào bản thân. Có chủ quan mới làm được nghệ thuật. Hát thử đủ loại nhạc thăm dò ý công chúng để đẽo cày giữa đường thì đâu gọi là làm nghệ thuật ?

Tôi làm nghệ thuật cái gì cũng “ngoại đạo” hết, không phải là hội viên Hội Mỹ thuật lẫn Hội Nhiếp ảnh. Tôi “ngoại đạo” ngay cả trong nghề chính của mình (nhiếp ảnh) ! Tôi thấy chẳng có vấn đề gì nếu một nghệ sĩ không phải là hội viên của Hội nọ hay Hội kia, mà vấn đề là nhiều nghệ sĩ Việt Nam “có vấn đề” về thưởng ngoạn nghệ thuật. Nhiều người gần như chẳng biết điều gì đang xảy ra trên thế giới trong chính lĩnh vực của mình. Đối với tôi, thưởng ngoạn rất quan trọng, nó là phần học ngoài đi học. 18 năm trước tôi đã làm thu âm, chuyên làm nhạc video cho hải ngoại. Nổi tiếng bây giờ như Đức Trí, hồi đó cũng xách đàn đi thu ở phòng thu của tôi đấy (cười).

* Tại sao anh chọn nhạc hòa tấu để thử nghiệm ?

- “Form” của tất cả các album nằm trong dự án đều là nhạc hòa tấu Việt Nam, kèm thêm “khách mời” là 2 bài hát Việt Nam hát tiếng Anh. Quan niệm về âm nhạc của tôi là không “duy lời” và ca sĩ là sản phẩm của tạo hóa - nhạc cụ kỳ ảo nhất mà nhân loại có được. Bài hát Việt Nam hiện nay đã “duy lời” mà lời càng ngày lại càng…nhảm !

* Nghe Shadow in The Darkthấy không chỉ kỹ thuật âm thanh Hi-End mà cách chơi nhạc, phối nhạc cũng khác biệt với nhiều đĩa nhạc Việt hòa tấu lâu nay. Thói quen nghe hòa tấu theo giai điệu chắc chắn sẽ bị sốc vì âm nhạc của Shadow in The Darkkhông quá gần với giai điệu gốc của ca khúc, thật sự phóng túng theo tinh thần của jazz…

- Ở nước ngoài người ta đang làm với một tư duy trừu tượng về âm nhạc, chứ không đi vào phô diễn kỹ thuật, dọa nhau tiểu tiết như Việt Nam mình. Tất nhiên “đi xa dần” rồi lại “quay trở về” chứ không phải là đi xa hẳn khỏi giai điệu gốc.

* Nhạc hòa tấu, phong cách jazz, âm thanh Hi-End - toàn những tiêu chuẩn kén người nghe. Anh định kinh doanh thế nào với sản phẩm kén khách như vậy ?

- “Khi đồng tiền cất lên tiếng hát thì âm nhạc chết lặng” mà ! Tôi biết chứ. Nhưng quan niệm của tôi, làm nhạc mà nhăm nhăm làm những gì đám đông thích, tức là vừa làm vừa nhìn vào túi tiền người ta, khác gì móc túi ! Phải làm cái gì khác để dẫn dụ người ta, để mang đến cho người ta những giá trị mới.
 

Shadow in The Dark mang phong cách jazz, gồm 6 bản hòa tấu : Tôi đi giữa hoàng hôn (Văn Phụng), Cơn mưa phùn (Đức Huy), Tình nghệ sĩ (Đoàn Chuẩn -Từ Linh), Thuở ấy có em (Huỳnh Anh), Em đã thấy mùa xuân chưa (Quốc Dũng) và hai ca khúc Bóng tối ly cà phê, Em đi qua tôi (cùng của Dương Thụ) do nữ ca sĩ Arlene Estrella người Philippines trình diễn. Album sẽ phát hành vào cuối tháng 10 này.

Với tôi, âm nhạc đơn giản chỉ có hai loại : hay và dở ; thị trường cũng có hai loại : loại thời trang, ăn xổi, hoặc văn minh hơn gọi là fast-food và loại lâu dài, mãi mãi- như âm nhạc cổ điển chẳng hạn. Những album tôi làm trong dự án này tất nhiên không phải loại bán nhanh, không phải thứ nhạc thời trang. Trong lúc thị trường âm nhạc đâu đâu cũng toàn fast-food, tìm chỗ đứng cho một album không fast-food cũng phải suy nghĩ khổ sở. Trước mắt, khi Shadow in The Dark sẽ có mặt trong các nhà sách của FAHASA và Phương Nam, với cam kết album và poster phải có mặt trên kệ đĩa nhà sách ít nhất là 2 năm.

Làm dự án này tôi đang nhìn vào lớp người nghe tiềm ẩn. Nhiều tay chơi ở Việt Nam hiện nay sẵn sàng bỏ ra ba bốn trăm ngàn đồng để mua một đĩa Hi-End ngoại quốc. Nếu có nhạc Việt Nam ở đẳng cấp Hi-End họ sẽ thích hơn. Nghe Hi-End, chơi văn minh, mảnh đất ấy ở Việt Nam đang còn trống. Giống như nhiều năm trước, khi tôi chụp tĩnh vật cho lịch Tết vào lúc ai cũng chụp người đẹp áo dài, nhiều người bảo tôi điên. Mất 7 năm “trường kỳ tĩnh vật”, cuối cùng cả thị trường đổi theo. Khi ấy tôi chẳng cần phải chụp nữa, vì đã chụp đủ trong 7 năm rồi. Mọi thứ đều phải xây lên từ những viên gạch đầu tiên. Ngay sau khi vol.1 Shadow in The Dark phát hành, tôi sẽ bắt tay vào thực hiện album thứ hai.

P.T.T.T
 
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm