Cây ánh sáng và câu chuyện “hoa tiêu” của thơ hiện đại

04/07/2009 17:16 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - In xong và nộp lưu chiểu tháng 5/2009, nghĩa là cách đây đã gần 2 tháng, nhưng tập thơ mới nhất của Nguyễn Quang Thiều, người có ảnh hưởng rộng lớn trên thi đàn hiện đại lại vô cùng lặng lẽ. Điều đó với tôi thật khó hiểu. Trong 10 năm trở lại đây, bạn đọc đã chờ đợi “cơn bão mới” của nhà thơ có bút lực mạnh mẽ “như chảy tràn trên mặt đất” này. Vì thế mà việc chưa một dòng chữ nào trên các báo, trên mạng giới thiệu về Cây ánh sáng của ông chỉ có thể giải thích là ý muốn riêng của Nguyễn Quang Thiều, bởi rất có thể người ở “trung tâm” của thông tin và rất sẵn những công cụ truyền tin mạnh, đôi khi lại muốn “náu mình”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nàng lại bước qua cầu và lại biến thành thiên nga

Cô gái choáng váng rời khỏi nơi mà đối với chính mình là một lâu đài mơ ước để trở về với ngôi nhà thường nhật, sau khi sẽ phải vượt qua một cây cầu nhỏ bắc ngang dòng nước đục ngầu... Nào, đi thôi, chỉ cần vài bước nữa cô sẽ đặt chân lên cầu, và mấy cái nhịp bê tông trơ lì ấy sẽ đưa cô về một nơi chốn cũng trơ lì không kém. Cô vẫn phải bước lên cầu vì cái cảm xúc tuyệt diệu cô vừa được nếm trải nó đã trôi qua. Giờ là lúc cô về với thực tại.
Cái cảm xúc tuyệt diệu ấy thực ra nó chẳng “thoáng chốc” và “vụt qua” trong nháy mắt như các nhà thơ thường sầu não và ủy mị thế. Nó vẫn đấy, dừng lại, nấn ná, thậm chí còn cố tìm nơi cư trú trong những tâm hồn hiện đại khô cằn. Thế đó, cô gái cứ đinh ninh và yên tâm rằng, những điều kì diệu của mình đã “vụt trôi” nên mình sẽ “yên ổn và chán nản” sống với đời sống thường nhật của mình.
 
Điều kỳ lạ là đúng vào lúc đó, lúc mà người đàn bà bước chân lên cầu và cảm thấy yên ổn nhất thì chuyện khác thường xẩy ra. Người đàn bà bước lên cầu và cơn rùng mình chạy khắp từ ngón chân lên tới đỉnh đầu.” “Nàng lại bước qua cầu và lại biến thành thiên nga”. Những điều kì diệu đánh trúng đỉnh đầu người đàn bà đúng ở nơi cô ta vững tâm yên ổn nhất. Và cái khô khan, trơ lì, mệt mỏi, chán nản nhưng yên ổn của cuộc sống thường nhật được rắc men, được ấp ủ, và được thúc ép dậy hương.
Câu chuyện thơ ca này cũng giống như những điều kỳ diệu trên nằm trong tim Nguyễn Quang Thiều chảy suốt trong hai tập thơ gần đây: Nhịp điệu châu thổ mới, Bài ca những con chim đêm. Đó cũng chính là điều chúng ta cần “hình dung” về thơ ca của Nguyễn Quang Thiều trước khi đọc tập thơ Cây ánh sáng, một tập thơ khó, rất khó đọc ngay cả với những người được gọi là biết đọc thơ và biết làm thơ trong đời sống hiện đại này.
Lõi sắt nung đốt trong lò luyện
Câu chuyện về người đàn bà hóa thiên nga thì không đổi nhưng cái sức mạnh của tia sét “đánh đúng đỉnh đầu” thì thay đổi rất nhiều. Tia sét ấy cường lực hơn, chi tiết hơn và “ẩn giấu” hơn.

Trước đây, trong thơ Nguyễn Quang Thiều, mỗi khi tia sáng lấp lánh phóng xuống, hào quang thường tỏa rọi, tỏa ra rất nhiều lớp cảm xúc. Những cảm xúc ấy dẫu sao cũng khiến cho người đọc cảm thấy thân thuộc hơn, dễ gần hơn và dễ đọc hơn rất nhiều. Cây ánh sáng, mặc dù ngay trong ngôn ngữ, chúng ta có thể cảm nhận được dụng ý của “một cây” thay cho “một tia” hoặc “những tia”, nhưng lại không tỏa ra những lớp cảm xúc như mọi người cứ ngỡ là sẽ được gặp.
 
Không. Gần như là tuyệt không! Cái “chất kì diệu” trong Cây ánh sáng khác nhiều so với những điều mà người đọc hiện đại hay cảm về nó. Nó giống như một lõi thép được tôi trong lò luyện, ban đầu những gỉ sắt được nung đỏ, tóe ra, bắt lửa cháy rừng rừng như những tia hào quang rất quyến rũ. Những lớp hào quang cháy lên từ gỉ sắt ấy chính là lớp cảm xúc mà người đọc ao ước và luôn nghĩ sẽ được thưởng thức nó. Nếu vậy họ nên đứng ra một bên, nên gấp sách lại, nên tránh xa lò luyện vì lửa đã chín muồi, độ nóng đã đạt cái giới hạn cần phải có. Không còn một tia sáng nào bắn ra cả, có nghĩa là không còn một gỉ sắt nào còn tồn tại nữa.
 
Mọi thứ phù du ấy đã được thiêu trong lửa và trước khi kết thúc sứ mạng phù du của mình, cũng kịp hiến dâng cho cuộc đời một tia hào quang sáng chói. Bây giờ chỉ còn lại một thứ, đó chính là cái lõi sắt, cái “chất kì diệu” độc đáo mà chúng ta vừa đề cập đến ở trên.” Một hơi thở lớn phả ấm những quả đồi, đâu đấy thì thầm giọng nói bên những ô cửa, bấy giờ là lúc nửa đêm, lộng lẫy tuyết bay/ Vẫn những ngôi nhà ấy, những con đường ấy, những hàng cây ấy/ Giờ mang một hình ảnh mới/ Tất cả dấu vết chết chóc được xóa đi/ Người đàn ông tha phương không ngủ nhìn tuyết nghĩ về một thế giới mới/ Máu thức tỉnh như những dòng sông và chảy, dưới tuyết, dưới làn da người, và chảy” (Tuyết lúc nửa đêm, trang 16).

Cuộc sống mới ấy, cuộc sống giao hòa giữa con người và tự nhiên, chảy dưới “tuyết và da người” ấy, theo như Nguyễn Quang Thiều, là cái chuyển động liên miên, bất tuyệt của cái đẹp. Sự chuyển động ấy, vốn không phải là bản chất của cái đẹp nhưng nó chính là sứ mệnh của cái đẹp. Cái sứ mệnh làm sục sôi mọi vật, thúc đẩy mọi vật, kêu gọi mọi vật, tha thứ cho mọi vật và thậm chí cưỡng đoạt mọi vật. Đúng thế. Có những vật trơ lì và say ngủ đến mức có cả ngàn quả chuông thiêng mời gọi cũng không khiến chúng rời bỏ những giấc mê sâu đắm được. Phải cưỡng đoạt những vật u mê đó. Đó là một phần trong sứ mệnh khắc nghiệt nhưng bao dung của cái đẹp.
 
“Đâu đấy ánh sáng không bao giờ tắt trong cả những đêm/ Và sự chuyển động mỗi lúc một mãnh liệt trong cái kén bất động/ Rồi đột ngột xuất hiện, trong sự chờ đợi của đất đai, của cây cỏ và bầu trời, một sự sống diệu kỳ với vẻ đẹp mong manh/ Đâu đấy, không chỉ một đâu đấy, mà tràn ngập bất tận/ Từ bóng tối đến ánh sáng, mở ra những cánh bướm/ Và theo luồng hơi thở ấm áp và rộng lớn của tháng Giêng/ Chúng mang vẻ đẹp của đời sống đi khắp thế gian/ Mà không để lại một tiếng động nhỏ’’.( Sự chuyển động của cái đẹp, trang 40).
“Bẻ ghi” thơ hiện đại sang một làn đường mới
Người đàn bà mệt nhọc “hóa thiên nga” phía trên được thay bằng một hình ảnh ly kỳ hơn, sắt đá hơn, quyết liệt hơn, và cường lực hơn trong tập thơ này. Chúng ta có thể tìm thấy điều đó trong bài Hoa tiêu (trang 31), một bài thơ có thể giúp chúng ta tiếp cận với Cây ánh sáng nhanh hơn. “Hãy nhắm mắt lại”. “Hãy rẽ trái” là hai mệnh lệnh vang lên liên tục và xuyên suốt cả bài thơ.
Thế giới hiện đại có quá nhiều các giá trị tương đương và tưởng như tương đương, quá nhiều các giá trị đối sánh. Điều đó khiến con người hiện đại không còn tin vào chính “tia sét giáng xuống” cuộc đời mình nữa. Đó là một bi kịch dù đau đớn nhưng lại rất phổ biến, thậm chí gần như toàn bộ nhân loại hiện đại đều mang bi kịch đó. Vậy thì tâm hồn hiện đại cần một Hoa tiêu, cần một sức mạnh lớn, không mời gọi nữa, không khuyến khích nữa, không khuyên bảo nữa mà là “cưỡng ép”, mà là “chịu định đoạt” theo một sức mạnh lớn hơn và hoàn hảo hơn sức mạnh của tâm hồn đó.
Sức mạnh hoàn hảo đó, đơn giản chính là cái “chất sống” đang được tôi luyện trong lò lửa nhân gian.” Hãy rẽ sang bên trái/ Có nghe thấy tôi nói không/ Nhưng đừng mở mắt/ Chỉ hé mở một lần anh sẽ suốt đời không dám bước thêm một bước/Anh còn nhớ cái cây ở ngã tư đường nơi có một kẻ đi theo anh/ Và gã viết một con số vào chiếc sổ nhỏ hơn lòng tay của gã... Anh phải rẽ trái một lần nữa/ Đừng ngờ vực/ Và chuẩn bị rẽ trái một lần nữa... Nào chuẩn bị rẽ thêm một lần nữa.Nhưng vẫn là rẽ trái/ Chỉ có rẽ trái. Đó là lần rẽ trái cuối cùng/ Và bây giờ anh hãy mở mắt ra” (Hoa tiêu, trang 31)

Tập thơ Cây ánh sáng đã bẻ ghi thơ hiện đại sang một làn đường mới thế nhưng thật khó để cho các nhà thơ và bạn đọc nhận ra ngay được điều đó. Điều đó thật dễ hiểu vì sự phức tạp và khác biệt của cấu trúc ngôn ngữ, thể hiện ý tưởng trong tập thơ này. Hy vọng với một ngày xa vừa đủ, giống như kỳ hạn của các  phép lạ chúng ta vừa nhắc đến phía trên, tập thơ Cây ánh sáng sẽ được đọc và được nghiền ngẫm theo đúng chất “hoa tiêu” mà nó khởi xướng.
 
Từ bóng tối đến ánh sáng, mở ra những cánh bướm/ Và theo luồng hơi thở ấm áp và rộng lớn của tháng Giêng/ Chúng mang vẻ đẹp của đời sống đi khắp thế gian/ Mà không để lại một tiếng động nhỏ’’. (Sự chuyển động của cái đẹp, trang 40).
Nguyễn Tri

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm