Cannes đang ngày càng gần với Hollywood?

04/05/2013 01:33 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Cho dù nam diễn viên nổi tiếng của Hollywood, Sean Penn từng khuyên rằng Cannes nên là một định dạng đối lập với Oscar, nên tôn vinh những giá trị nghệ thuật nhưng có vẻ như Cannes đang lựa chọn cho mình một lố đi mới, mà ở đó Hollywood ngày càng xuất hiện một cách rõ nét.

Trong nhiều năm qua tấm thảm đỏ ở Cannes đã là nơi ngành điện ảnh có thể phô bày với thế giới, một lối đi rực sáng tô điểm cho những ngôi sao và đồ trang sức của họ. Một lễ hội điện ảnh thật sự mà bất cứ người làm nghề nào cũng mong một lần được bước tới. Đó còn chưa kể các công ty du lịch lữ hành đang xoa tay khoan khoái, các nhà tạo mẫu hàng đầu thế giới phát điên vì các đơn đặt hàng tới tấp, các thẩm mỹ viện danh tiếng cũng làm việc khẩn trương hơn, các chủ khách sạn ở Cannes sung sướng khi đang có rất nhiều khách book phòng nguyên tuần... Bao năm qua đã thế và năm nay, khi Cannes chuẩn bị tròn 66 tuổi, thì hình ảnh đó vẫn được lặp lại.


Poster của Cannes lần thứ 66 là sự tôn vinh nam diễn viên huyền thoại người Mỹ, Paul Newman

Bởi chỉ có Cannes mới khiến mọi thứ chao đảo, chỉ có Cannes mới khiến cho các chuyến bay nối liền Hollywood với bãi biển thơ mộng này ngày một dày đặc thêm. Và cũng chỉ có Cannes mới khiến Hollywood, gã nhà giàu hãnh tiến nhất thế giới, rất muốn được song hành.

Nhìn vào Cannes lần thứ 66 năm nay có thể thấy sặc mùi... Hollywood. Poster chính thức của chương trình là hình ảnh của nam diễn viên huyền thoại Paul Newman cùng vợ ông, Joanne Woodward trong tư thế ngược chiều nhau. Chủ tịch Liên hoan phim năm nay là một người Mỹ gạo cội, đạo diễn Steven Spielberg. Bộ phim mở màn đầu tiên cho liên hoan cũng là một xuất phẩm của Hollywood, The Great Gatsby. Cho dù châu Á chiếm đến 8/18 đề cử các hạng mục năm nay nhưng Hollywood một mình vẫn chiếm đến 5/18 đề cử.

Đây là lần thứ 3 trong 5 năm qua Hollywood được chọn mặt gửi vàng để mở màn liên hoan. Với Cannes, phim chiếu khai mạc thường đồng nghĩa với việc xác lập tinh thần chung của liên hoan - hoặc ít nhất đó là cái mà những tên tuổi lớn ở Cannes sẽ nghĩ đến. Cách đây 4 năm nhiều người đã rất ngạc nhiên khi Cannes lại chọn Up, một bộ phim hoạt hình của Pixar làm phim khai mạc liên hoan.


Chủ tịch của Cannes năm nay là đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Steven Spielberg

Nhưng rồi cuối cùng, sau khi xem phim xong, nhiều người đánh giá đó là một quyết định đúng đắn, là một điểm khai sáng, thậm chí mang tính cách mạng của Cannes. Ra đời gần sáu thập kỷ rưỡi sau phim hoạt hình Bambi, cho trình chiếu bộ phim Up là một dấu hiệu cho thấy sự tôn trọng đối với thể loại phim hoạt hình của Cannes. Nó cũng cho thấy các nhà làm phim tại Cannes đang tìm cách tạo ra một sự ấn tượng mới.

Và năm nay Cannes mang vẻ mặt mặt của nước Mỹ những năm 20 thế kỷ trước, qua tác phẩm kinh điển được lần đầu tiên chuyển thành phim của văn sĩ F. Scott Fitzgeral, The Great Gatsby. Một lần nữa Cannes lại bắt tay với Hollywood. Một cuộc chiến ngấm ngầm bấy lâu dường như được khép lại, Oscar và Cannes rõ ràng đang trở thành 2 giải thưởng điện ảnh nổi tiếng nhất thế giới và đang song hành cùng nhau.

Ông Gilles Jacob, người từng là Giám đốc liên hoan Cannes cho biết Cannes vẫn luôn xác lập uy tín của mình là giải thưởng thật sự cho những nhà làm phim nghệ thuật, ưu tiên cho góc nhìn của đạo diễn và nhãn quan nghệ thuật trong tác phẩm, từ cách dựng phim cho đến ngôn ngữ điện ảnh. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Cannes sẽ bỏ quên khía cạnh giải trí của nghệ thuật thứ bảy.

Bản thân Cannes đã nhiều lần chứng kiến một không khí ảm đạm bao trùm khi suốt một tuần lễ toàn trình chiếu những bộ phi “nghiêm túc”. “Chúng tôi phải dung hòa làm sao để cho Cannes vẫn giữ được tính chất liên hoan lễ hội. Phim nghệ thuật hay phim giải trí đều có chỗ đứng tại đây vì Cannes là tủ kính trưng bày điện ảnh thể giới và nghệ thuật thứ bảy rất đa dạng chứ không thể chỉ có một diện mạo mà thôi”.


Những ngôi sao của Hollywood như Nicole Kidman từng là tâm điểm thảm đỏ của Cannes

Giống như Oscar của người Mỹ, Cannes không chỉ bó hẹp trong phạm vi E.U mà nó còn lan tỏa khắp nơi trên bản đồ điện ảnh thế giới. Khi mà Oscar của người Mỹ ngày càng tỏ rõ tính thương mại và mang tính “quảng bá” khắp toàn cầu thì Cannes của châu Âu ở mãi bên này Địa Trung Hải vẫn luôn đi theo tiêu chí riêng của mình và là nơi gặp gỡ của rất nhiều trường phái điện ảnh khắp thế giới. Và cho đến bây giờ, ở tuổi 66, Cannes đã vượt qua mọi giải liên hoan phim khác để trở thành một đối trọng ngang ngửa với Oscar về mọi mặt, cả khía cạnh thương mại lẫn chiều sâu nghệ thuật.

LHP Cannes lần thứ 66 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 26/5.

Ít có giải liên hoan điện ảnh nào mà một bộ phim của Hong Kong, Bosnia... với số vốn khiêm tốn lại có thể cạnh tranh ngang bằng với bộ phim mà số vốn lưng chừng vài trăm triệu USD của Hollywood, và cũng ít thấy những ngôi sao thượng thặng như Tom Hanks, Nicole Kidman... lại đứng thảm đỏ tươi cười cùng với những diễn viên mà sự nổi tiếng mới chỉ trú ngụ trong biên giới nước mình...

Một báo cáo mới đây cho thấy các ông chủ Hollywood đang nóng ruột khi các bảng xếp hạng doanh thu phim nội địa ở Mỹ tiếp tục đi xuống trong khi ở châu Âu nó lại tăng vùn vụt. Lượng người xem đông hơn và sự lựa chọn cũng đa dạng hơn. Muốn tìm lại thế cân bằng Hollywood cần phải chìa tay xa hơn biên giới mình. Nhiều người Mỹ đã từng đặt câu hỏi rằng thật sự thì LHP Cannes có còn hấp dẫn người Mỹ? Alistair Banks Griffith, một đạo diễn Mỹ gốc Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng “đến bây giờ vẫn còn những chân trời mới để khám phá ngoài Hollywood”.

Năm nay Mỹ có 3 đại diện dự thi ở hạng mục Cành cọ vàng, trong đó có Inside Llewyn Davis, bộ phim mới nhất do anh em nhà Coen đạo diễn, dựa trên quyển hồi ký The Mayor of MacDougal Street của nghệ sĩ Dave Van Ronk kể về một nghệ sĩ làm thay đổi dòng nhạc Folk tại New York vào những năm 1960

Bộ phim truyện đầu tay của ông Griffith, Two Gates of Sleep đã từng gửi đi dự thi ở Cannes. “Đúng ra nó đã được chọn đi thi ở Sundance tại Mỹ nhưng phút cuối Cannes đã chọn nó, với tôi điều này là rất quan trọng”, Griffith nhớ lại. Cần biết rằng bộ phim của Griffith chỉ được Cannes chọn và cho vào sự kiện “15 ngày của đạo diễn” (Directors' Fortnight), nơi giới thiệu các bộ phim quốc tế của những đạo diễn còn ít tên tuổi và chưa có cơ hội dự thi chính thức ở LHP Cannes.

Nhưng với nhiều đạo diễn, được giới thiệu vào đây là một sự giá trị thật sự. Với khẩu hiệu “điện ảnh tự do”, không phân biệt chính trị và không kiểm duyệt, từ năm 1968, sự kiện bên lề này đã tồn tại song song với các sự kiện chính của Liên hoan phim Cannes. Thậm chí, Directors’ Fortnight được xem trọng hơn cả Internation Critics’ Week (Tuần lễ của các nhà phê bình quốc tế) vì quy mô những bộ phim trình chiếu ở đây vượt trội hơn hẳn.

Liên hoan phim Cannes ngoài chuyện là một lễ hội danh giá thì nó còn là một hội chợ mua bán mà nhiều người cho rằng đó mới chính là phần sôi động nhất. Marché du Film (Chợ phim) hay chợ Cannes là hội chợ sản phẩm phim ảnh lớn nhất thế giới. Trái ngược với những sự kiện sang trọng ở trên, hội chợ này là nơi mà các nhà đầu tư (trùm kinh doanh phim ảnh) và các nhà sản xuất có thể gặp nhau trao đổi mua bán, từ bộ phim sắp ra lò cho đến các những tác phẩm điện ảnh mới chỉ xong phần kịch bản. Hàng năm có khoảng 10.500 đại diện của các hãng phim trên thế giới tụ họp về đây để làm ăn, cụ thể là mua và bán, thương thảo, ký kết hợp đồng phát hành, phân phối.

Và trong số đó có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Hollywood.

Một số so sánh giữa Cannes và Oscar:

Cannes

Oscar

Liên hoan phim quốc tế lớn nhất thế giới.

Giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới.

Tổ chức bởi Ban tổ chức Liên hoan phim Cannes ở Pháp.

Tổ chức bởi Viện Hàn lâm Khoa học Điện ảnh ở Mỹ (Academy of Motion Picture Arts and Sciences - AMPAS).

Dự định tổ chức đầu tiên vào năm 1939 nhưng vì chiến tranh nên đến năm 1946 mới có LHP đầu tiên. Hiện nay LHP Cannes diễn ra thường niên vào tháng 5.

Lễ trao giải Oscar đầu tiên diễn ra vào năm 1929. Hiện nay lễ trao giải Oscar diễn ra thường niên vào tháng 2.

Giới thiệu những bộ phim sắp được công chiếu (hầu hết là những phim chưa ai biết đến) và tạo điều kiện cho chúng có cơ hội được phát hành rộng rãi hơn.

Vinh danh những bộ phim đã công chiếu và ít nhiều đã đạt doanh thu trong khoảng một năm qua.

Kéo dài 12 ngày, hơn 50 phim được công chiếu (mới tính riêng ở hạng mục phim tranh giải)

Diễn ra trong 1 ngày, không chiếu phim.

Bất kỳ nhà làm phim ở quốc gia nào cũng có thể gửi phim tham dự Cannes miễn là tuân theo điều lệ LHP.

Thành phần tham dự chủ yếu là phim Mỹ, trừ hạng mục phimnói tiếng nước ngoài thì mỗi quốc gia được chọn 1 phim của mình để tham dự.

Giải Cành Cọ Vàng đôi khi có tới 25 đề cử được chọn bởi thành viên Ban tổ chức.

Giải Phim nói tiếng nước ngoài chỉ có 5 đề cử, Phim hay nhất thì có 9 đến 10 đề cử được chọn bởi thành viên Viện Hàn lâm.

Phim đã đoạt giải Cành Cọ Vàng không được nhận thêm giải khác của LHP Cannes.

Phim nước ngoài có thể đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài lẫn giải Phim hay nhất (nhưng trường hợp này chưa bao giờ xảy ra).

Với mỗi LHP, một hội đồng giám khảo do Ban tổ chức chỉ định sẽ quyết định kết quả của mỗi hạng mục tranh giải. Kết quả sau cùng tùy thuộc vào sự đồng thuận của Ban giám khảo.

Kết quả giải thưởng được quyết định bằng việc bỏ phiếu kín của thành viên Viện Hàn lâm. Chiến thắng được quyết định bởi số lượng phiếu bầu chọn được thống kê.

Các giám khảo xem phim cùng lúc với khán giả ở rạp phim của Cannes trong quá trình diễn ra LHP.

Người bầu chọn phải tự xem phim trong vòng 3 ngày trong một buổi chiếu riêng.

Thành viên ban giám khảo thảo luận và quyết định mọi hạng mục giải thưởng.

Người bầu chọn bỏ phiếu kín một cách cá nhân cho từng hạng mục (diễn viên bỏ phiếu cho giải diễn xuất, đạo diễn bỏ phiếu cho hạng mục đạo diễn...).

Đạo diễn là người nhận giải Cành Cọ Vàng.

Nhà sản xuất là người nhận giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

Cannes chỉ có 8 giải thưởng (chính thức) và giải Cành Cọ Vàng  (dành cho phim) là giải thưởng cao quý nhất.

Oscar có tổng cộng khoảng 30 giải thưởng và mỗi giải đều có ý nghĩa quan trọng.

Hàng loạt sự kiện diễn ra liên tục hoặc song song trong suốt 12 ngày và lễ trao giải chỉ vỏn vẹn 45 phút.

Sự kiện duy nhất là lễ trao giải Oscar diễn ra trong khoảng 4 tiếng đồng hồ.

Cannes có sự kiện chợ phim (Marché du Film), là nơi để các nhà làm phim từ khắp nơi trên thế giới có điều kiện tiếp xúc, trao đổi và hợp tác, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh thế giới phát triển.

Oscar chỉ là lễ trao giải.

Ai cũng có thể tham dự LHP Cannes miễn là có vé mời.

Chỉ những nhân vật nổi tiếng, trong giới điện ảnh mới được tham dự lễ trao giải Oscar.

Hoa Thiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm