Cần phân biệt tác phẩm học chính thức với văn bản ngữ liệu!(*)

15/06/2009 16:14 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - LTS: Sau hơn 1 năm mở chuyên mục “Gặp lại các tác giả trong SGK” trên TT&VH (bắt đầu từ 20/4/2008), TT&VH đã nhận được bài viết của PGS-TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam). Ông cho biết: “Đây là một chuyên mục hay và cần thiết để giúp mọi người hiểu thêm các nhà văn và tác phẩm của họ. Có nhiều thông tin lý thú và bổ ích, nhất là khi các nhà văn nói về “đứa con tinh thần”của mình”.

Tuy nhiên, theo ông “cần hiểu rõ đặc điểm và tính chất của bộ SGK môn tiếng Việt và Ngữ văn mới”, để không nhầm lẫn giữa các tác phẩm học chính thức với các văn bản phụ - văn bản ngữ liệu.

Xin giới thiệu tóm lược bài viết này:

1. Cần phân biệt những văn bản - tác phẩm có vị trí văn học sử, được học chính thức (phân tích, đọc - hiểu, bình luận, đánh giá...) với các văn bản - tác phẩm chỉ là những ngữ liệu cho việc rèn luyện phần tiếng Việt và làm văn (tập làm văn).

Trước đây SGK môn học này được chia làm ba: văn học, tiếng Việt và tập làm văn. Khi đó văn bản - tác phẩm nào có trong sách văn học thì được coi là tác phẩm tiêu biểu cho một thể loại của một giai đoạn văn học nào đó. Những văn bản - tác phẩm này phải được Ban soạn thảo chương trình và Hội đồng thẩm định quốc gia chấp nhận, được lãnh đạo Bộ GD&ĐT phê chuẩn. Như đã nêu, các tác phẩm này được thầy và trò học kỹ càng: phân tích, mổ xẻ, thẩm bình, đánh giá trong giờ học chính khóa (trước gọi là giờ giảng văn, nay gọi là đọc - hiểu văn bản).

Ngoài những văn bản - tác phẩm trong sách văn học, do yêu cầu của việc rèn luyện tiếng Việt và làm văn (tập làm văn) rất nhiều các văn bản - tác phẩm khác được các soạn giả SGK dùng để làm ngữ liệu cho bài học. Đây không phải là các văn bản - tác phẩm được học chính thức như các tác phẩm trong sách văn học đã nêu. Tức là không được “xếp hạng” và quy định trong chương trình văn học mà hoàn toàn phụ thuộc vào người biên soạn, miễn là văn bản - tác phẩm đó đáp ứng được yêu cầu của việc hình thành và rèn luyện kiến thức tiếng Việt và làm văn của bài học đặt ra.

Sau năm 2000, chương trình và SGK môn học này được tổ chức biên soạn theo hướng tích hợp, nên cả ba phần văn học - tiếng Việt và tập làm văn ở trong cùng một cuốn sách. Vì thế nhiều người không tìm hiểu chương trình và SGK mới đã nhầm giữa hai loại văn bản tác phẩm nêu trên. Chẳng hạn như các văn bản Lũy làng (Ngô Văn Phú), Biển đẹp (Vũ Tú Nam)... trong sách Ngữ văn 6; Lão nông và các con (La Fontaine), Tấm gương (Băng Sơn), Hoa học trò (Xuân Diệu), Sấu Hà Nội (Nguyễn Tuân), Quà bánh tuổi thơ (Đặng Anh Đào)... trong sách Ngữ văn 7;... cũng như truyện Hương ổi của Nguyễn Phan Hách trong sách Ngữ văn 11 nâng cao... chỉ là văn bản ngữ liệu như hàng loạt văn bản - tác phẩm vừa nêu. Đó không phải là các tác phẩm được học như những văn bản chính, văn bản tiêu biểu cho thể loại văn học của một giai đoạn.

2. Cần phân biệt văn bản văn học và văn bản nhật dụng trong sách Ngữ văn. Do yêu cầu gắn kết nhà trường với cuộc sống, giúp HS biết quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội, chương trình và SGK Ngữ văn đã đưa vào một số văn bản - tác phẩm với tính chất là văn bản nhật dụng. Đây là loại văn bản tác phẩm được lựa chọn theo chủ đề như: người mẹ và nhà trường, bảo vệ di tích lịch sử, phòng chống các tệ nạn xã hội, vấn đề dân số, vấn đề chiến tranh và hòa bình, môi trường sống...

Các văn bản - tác phẩm nhật dụng không phải là văn bản văn học chính được “xếp hạng” theo các thời kỳ lịch sử văn học và cũng không được dạy như những tác phẩm văn học đích thực. Những văn bản - tác phẩm này, có thể thay đổi hàng năm nếu người GV chọn được các văn bản tương ứng, đúng với đề tài - chủ đề được chương trình quy định. Trừ các tác giả nổi tiếng, còn lại với các văn bản nhật dụng, SGK không có mục tiểu dẫn về tác giả của văn bản đó. Và vì vậy khi dạy GV cũng không cần giới thiệu kỹ về tác giả như khi dạy các tác phẩm văn học chính thức.

Do không phân biệt được vị trí và tính chất của các văn bản này nên trong chuyên mục “Gặp lại các tác giả trong SGK”, tác giả coi bài Cổng trường mở ra của Lý Lan (Ngữ văn 7) như là một tác phẩm văn học được học như các tác phẩm văn học khác (chẳng hạn Tôi đi học của Thanh Tịnh hoặc Bức tranh của em gái tôi - Tạ Duy Anh...) là không đúng.

Có thể nêu lên nhiều văn bản - tác phẩm chỉ được học với tư cách nhật dụng như: Cầu Long Biên - chứng nhân của lịch sử, Động Phong Nha, Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (Ngữ văn 6); Mẹ tôi, Cuộc chia tay của những con búp bê, Ca Huế trên sông Hương (Ngữ văn 7); Thông tin về ngày trái đất, Thuốc lá ôn dịch, Bài toán dân số (Ngữ văn 8); Phong cách Hồ Chí Minh, Đấu tranh cho một thế giới bình...( Ngữ văn 9). Lên THPT, các văn bản nhật dụng được học tập trung vào lớp 12, chủ yếu qua một số văn bản nghị luận của tác giả như Trần Đình Hượu, Phan Đình Diệu, Kofi Annan, Nguyễn Khắc Viện. Tuy cũng là văn bản nghị luận, nhưng những văn bản này không có nghĩa là được học giống các tác phẩm nghị luận khác (như Tuyên ngôn độc lập, Một thời đại trong thi ca,... chẳng hạn).

Như thế khi đọc SGK Ngữ văn (trung học) hay sách Tiếng Việt (tiểu học), cần xem kỹ văn bản - tác phẩm ấy được học với tư cách nào, đừng vội thấy có trong SGK mà cho là dạy và học như nhau, là giống nhau tất cả. Có văn bản chỉ 4 dòng nhưng là tác phẩm học chính thức, đã “xếp hạng”, nhưng có văn bản dài vài ba trang nhưng chỉ là văn bản phụ - văn bản ngữ liệu. Với sách Tiếng Việt (tiểu học) những văn bản vừa phục vụ học tiếng, vừa trang bị kiến thức văn học là những văn bản được nêu trong mục Tập đọc. Với sách Ngữ văn (THCS và THPT) các văn bản học chính thức, tiêu biểu cho thể loại của một giai đoạn lịch sử văn học nào đó được nêu ở phần đọc - hiểu văn bản (trừ văn bản nhật dụng)...

PGS - TS Đỗ Ngọc Thống
(*) Đầu bài do TT&VH đặt


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm