Cần khôi phục bia “Hùng Vương từ khảo”

12/04/2010 15:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cách đây 2 năm, nhân dịp giỗ tổ, các nhà báo có dẫn lời GS Lê Văn Lan và các nhà quản lý Đền Hùng nói về những tấm bia tại Khu di tích này. Trong đó có nhắc đến tấm bia Hùng Vương từ khảo” (HVTK) được đánh giá là một trong những tấm bia có giá trị hiếm hoi trên đền Hùng. Theo các thông tin lúc đó thì mọi người đều nghĩ rằng tấm bia đó vẫn còn.

Sự thực, 70 năm qua, tấm bia HVTK đã bị mất chưa rõ nguyên nhân. Và cũng may thay nhờ có những tin tức đăng tải nhân giỗ Quốc Tổ năm 2008 mà hậu duệ của vị quan biên soạn và đặt bia này đã nỗ lực tìm kiếm lại các thông tin để cố cứu sống bia HVTK.


 Quan Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, người
được Triều đình giao soạn bia

1.
Bia Hùng Vương từ khảo được triều đại nhà Nguyễn - năm Bảo Đại thứ 15-cũng là năm chẵn - ủy quyền cho Tham tri tuần phủ tỉnh Phú Thọ Bùi ngọc Hoàn soạn mà theo cách xưa gọi là phụng chí Hoàng triều và đặt trên núi Nghĩa Lĩnh ngày 10 tháng Ba năm Canh Thìn (1940).


Bia ký này là sự khảo cứu về Đền Hùng từ khi có sự thờ cúng Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh.

Theo sự sắp xếp về các bia ký có trên đền Hùng, thì bia HVTK có giá trị lịch sử sau bia Hùng miếu điển lệ viết về lệ tục cúng tế của đền Hùng theo những quy định của Triều vua Khải Định thứ 2, trong đó xác nhận chính thức ngày giỗ các vua Hùng lấy ngày 10 tháng ba âm lịch từ 1917. Đây là thời kỳ đền Hùng được đầu tư lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam kéo dài tới 6 năm (1917-1922). Nhưng bia Hùng miếu điển lệ chỉ là bản sao văn bản của Bộ lễ triều vua Khải Định thứ 2 định ngày quốc giỗ mà các thân hào sở tại đã nhiệt tâm khắc để lưu, khác với HVTK là bia do đích thân quan chức chính quyền đương thời được Triều đình giao quyền tham tri soạn và đặt trên đền bằng một lễ tế cấp quốc gia.

2. Bảy mươi năm đúng đã qua, bia này đã bị mất chưa rõ nguyên nhân. Sau khi có những tin tức đăng tải kể trên, hậu duệ của vị quan biên soạn và đặt bia năm 1940 được biết và đã nỗ lực tìm kiếm sự thật để cố cứu sống bia HVTK. Cháu ngoại cụ Bùi , ông Vũ Văn Sơn hiện về hưu tại 172 phố Quán Thánh đã tìm trong Viện nghiên cứu Hán Nôm thấy hai bản văn bia mang số 18704 (chữ Hán) và 18705 (chữ Pháp) được rập và lưu trong văn khố.

Bia HVTK là bia hai mặt một bên là chữ Hán (Hùng Vương từ khảo), mặt sau là chữ Pháp (Historique du temple de HUNG VUONG). Ở điểm này nó phản ánh một vấn đề lịch sử là trong thuộc địa nửa phong kiến của Việt Nam: Dùng chữ Hán và chữ Pháp làm văn tự chính thức trong nghi lễ (mà nay chúng ta chưa nghiên cứu thấu đáo).


Bản rập bia Hùng Vương từ khảo (mặt bằng chữ Hán)
Trong tấm bia có những đoạn rất đáng chú ý như: “Đến năm 257 TCN, vua An Dương Vương nước Thục... lên ngôi. Ngài đem đất phân chia cho con cháu để xây dựng một ngôi đền chính được coi là để thờ cúng các bậc Vua Hùng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh... Vua Hùng thứ 18 được phong thần tại đây”.

Không chỉ có vậy, ông Sơn cón tiếp tục tìm kiếm tư liệu liên quan xưa kia lưu trữ trong bảo tàng Louis Finot để hiểu rõ sự thể khi đặt bia HVTK. Tất cả hồ sơ này chúng tôi đã bàn giao cho BQL Khu di tich Đền Hùng. Ngoài ra còn có ảnh cụ Tham tri Bùi ngọc Hoàn trong lễ phục Nam triều, ảnh chụp cùng năm 1940 - là năm cụ được giao soạn bia.

Chúng tôi nhận được lời hứa sẽ cho khôi phục lại bia HVTK.

Bây giờ sắp tới ngày quốc lễ - Vậy là năm 2010 này vào ngày giỗ các Vua Hùng đồng bào lên đền vẫn chưa thấy được hình hài của bia HVTK.

Mong rằng tấm bia HVTK sẽ sớm được khôi phục để góp phần làm tăng thêm giá trị lịch sử của Đền Hùng - “ngôi đền số 1” Việt Nam!

Bùi Ngọc Sách (TP.HCM)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm