Camille Thắm Trần 'Bảy năm ở Paris': Tôi thông cảm với những phụ nữ đang chịu đựng hôn nhân'

26/04/2015 23:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Hai năm liên tiếp ra hai đầu sách Bỏ nhà đi Paris (2014) và Bảy năm ở Paris (ra tháng 3/2015), Camille Thắm Trần tiếp tục câu chuyện của một phụ nữ Việt sống và yêu ở trời Tây.

Hai đầu sách này là hai hồi của cùng một cuốn sách về cuộc đời của tác giả. Tháng 1/2003, sau cuộc hôn nhân tan vỡ, Camille Thắm Trần bỏ nhà từ Việt Nam đến Paris, Pháp, với hành trang là “tiền đủ sống trong ba tháng, địa chỉ một số người bạn học của bà ngoại, giấy mời học tiếng Pháp, số điện thoại người em gái của chị khách hàng CLB thẩm mỹ tôi vừa kịp chuyển nhượng”.

Chị đến Pháp một ngày tuyết tan, cảnh vật xám buồn, nhìn đâu cũng thấy những khuôn mặt lạnh lùng. Paris thân thương qua những trang sách, nhưng xa lạ trong đời thực. Càng ngày, cảm giác đó càng bớt dần đi. Không một miền đất nào thân thuộc nếu ở đó không có những địa điểm thân thuộc, con người thân thuộc.

Thể thao & Văn hóa trò chuyện với nữ tác giả có số phận đặc biệt này.

Paris từng làm tôi thất vọng

* Biến cố nào trong cuộc đời đã đưa chị đến Paris?

- Tôi viết trong sách: “Tôi hết chịu nổi! Tôi muốn trốn khỏi cuộc hôn nhân đã bị biến hình” và đã chọn Paris làm điểm đến. Đến Paris là giấc mơ của tôi hồi nhỏ, khi được tiếp xúc với văn hóa Pháp qua văn học. Tôi đã đọc rất nhiều từ cái thư viện nhỏ ở nhà ông bà ngoại, những người cũng là nhà văn và dịch giả.

Ngoài ra, Paris là một trong những giao điểm văn hóa lớn và quan trọng trên thế giới, tôi muốn đến để học hỏi, mở rộng kiến thức.

* Với chị, cảm giác khi lần đầu đến nước Pháp ra sao?

- Cảm giác của mình khi đặt những bước chân đầu tiên trên đất Pháp là thất vọng, vì tưởng tượng của mình lúc đó quá hào nhoáng và thiếu thực tế.


Nhà văn Camille Thắm Trần và bạn trai ở Pháp

* Điều gì ở Paris làm chị thất vọng vậy?

- Thất vọng đó không phải do Paris, mà là do tôi, do những tưởng tượng quá đáng, những hy vọng quá mức. Còn Paris luôn là Paris, khi đã ở trong lòng nó, hiểu được phần nào sự bí ẩn của nó, mới thấy nó đẹp. Và việc này cần có thời gian, như trong dân gian có câu "Thức khuya mới biết đêm dài".

* Làm sao để chị vượt qua nỗi thất vọng đó?

- Thời gian giúp tôi hiểu và yêu Paris. Không có bước ngoặt nào cả, chỉ có lòng kiên trì học hỏi những điều hay và đẹp của Paris (có nghĩa là ở đây cũng tồn tại cả những điều xấu, nhưng tôi lánh xa chúng). Có lẽ sẽ hơi phí thời gian nếu ai đó cứ chú ý đến những điều gây thất vọng để mà thất vọng, vì chốn nào cũng có điều hay, điều dở.

Phụ nữ ra đi một mình là “độc lập trong cô đơn”

* Các cô gái Việt Nam bây giờ bảo nhau "Con gái phải mạnh mẽ" (tên một cuốn sách). Hồi chị đi Paris, chị tâm niệm điều gì?

- Thật sư, lúc ra đi tôi không nghĩ mình là phụ nữ, phải mạnh mẽ. Mà nghĩ, mình là một con người cần được sống, làm việc, và mơ mộng...

* Phụ nữ một mình lên đường, nỗi cô đơn hay cảm giác độc lập mạnh hơn?

- Có lẽ cảm giác độc lập mạnh hơn, hay có thể nói tôi cảm thấy độc lập trong cô đơn.


Hai cuốn sách kể về cuộc sống của Camille Thắm Trần.

* Tôi hỏi thế vì nhiều người vẫn chọn chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc hơn là từ bỏ, và lại bỏ đi xa như chị. Chị muốn nói gì với họ?

- Mỗi người có hoàn cảnh, điều kiện, nhân sinh quan khác nhau. Tôi không giống nhiều người, chọn chịu đựng, nhưng tôi tôn trọng những lựa chọn ấy. Ai đó đã nói: "Ngay cả trong nỗi đau cũng có hạnh phúc" mà. Tôi chỉ muốn nói với các bạn: Hãy dũng cảm là chính mình.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm