“Cái bang” Đông Nam Á và cuốn sách kì lạ

15/05/2012 14:39 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nổi tiếng với biệt hiệu Lâm “dế” hoặc “vua dế” vì Nguyễn Nhật Lâm (sinh 1986) từng làm chủ trang trại cung cấp dế cho toàn miền Bắc ở tuổi 22. Anh cũng từng làm giám đốc Công ty Truyền thông IDV; giám đốc Công ty Thực phẩm Dế Ngon; chủ nhà hàng Trại Găng Tửu. Đùng một cái (đầu năm 2011) anh dứt áo đi lang thang khắp Đông Nam Á trong gần 1 năm, từng xin ăn ở vài nơi để viết cuốn nhật ký Trở lại, vừa được NXB Văn học ấn hành 6.000 quyển, hiện đang có những buổi ra mắt và bán sách làm từ thiện khắp cả nước.

Với tác phẩm này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Một cái viết rất trẻ trung, hồn nhiên, mạnh dạn của một người viết không hề nghĩ là mình viết văn, càng không hề nghĩ chuyện làm văn, chỉ là viết để ghi lại cái sống của mình qua một chuyến đi. Có một nét gần gũi sách này với tác phẩm Trên đường (On The Road) của Jack Kerouac. Đọc nó tôi muốn được là người trẻ đang đi, đang trên đường, dám chấp nhận mọi thử thách, đụng chạm, hiểm nguy, để tìm ra sức mạnh trong mình, để được tự mình sống, tự mình thành chính mình. Tôi mong chờ tác giả và cũng là nhân vật ở đây sẽ còn tiếp tục viết”.


Nguyễn Nhật Lâm

Ngoài ước mơ làm giàu, Nguyễn Nhật Lâm từng là sinh viên ĐH Bách khoa và ĐH Ngoại thương tại Hà Nội; từng giành giải Olympic Toán toàn quốc; từng tham gia Chìa khóa thành công (VTV1)… Vậy điều gì đã khiến anh muốn trở thành nhà văn, hãy nghe những tâm sự cùng TT&VH.

Soi rọi chính mình

* Xin được hỏi ngay, vì những chuyến đi mà bạn viết Trở lại, hay vì muốn viết mà bạn phải ra đi?

- Trước khi cuốn sách này ra đời, tôi đã muốn viết một cuốn sách gì đó, sau thất bại đến trắng tay. Tôi cắm đầu cắm cổ viết một bản thảo 60 trang A4 kể về quá khứ (chắc cũng bình thường) của mình. Gửi cho vài người thân nhờ góp ý, họ phản hồi rằng chẳng có gì đặc biệt cả. Và tôi lên đường để tìm cái gì đó đặc biệt để viết.

* Nay thì cuốn sách đã hiện diện, đang được dư luận rất tốt, không phải về văn phong mà về giá trị đời sống của nó. Riêng bạn thì thu lượm hay rút tỉa được điều gì?

- Trong vô số điều lý thú, tôi nhận ra ba điều quan trọng: Thứ nhất, nói như bác Phạm Xuân Nguyên: “Cuốn sách là một sự hòa giải - giữa hai cha con, giữa hai thế hệ - giúp họ hiểu nhau hơn”. Cuốn sách này thực sự đã gắn kết tình cảm cha con chúng tôi, mà trước đó, vốn có nhiều những bất đồng trong quan điểm. Thứ hai, tôi nghiệm ra được một điều, khả năng của con người lớn hơn mình tưởng rất nhiều. Người ta có thể làm tác giả một cuốn sách ngay cả khi chưa bao giờ được điểm 8 tập làm văn, chưa bao giờ viết lách. Và việc viết lách cũng chỉ là một ẩn dụ, tức là tôi nghĩ, người ta có thể làm bất cứ việc gì mình thích mà không cần quan tâm đến việc chuyên nghiệp đến đâu. Chuyên nghiệp thuộc về khía cạnh kĩ năng, nó sẽ có trên bước đường ta đi. Điều cuối cùng, tôi trả lời được câu hỏi của Tổng thống Phần Lan: “How to listen to your body?” (Làm sao bạn có thể lắng nghe được con người bạn?). Câu trả lời là, hãy làm cái gì mà mình thực sự thích, hay hoa mỹ hơn chút là, làm cái gì mình thực sự đam mê, làm đến tận cùng.

Tóm lại, với giấc mơ, xin đừng khiêm tốn với nó, đã mơ là phải lớn lao, to tát. Với hành động, hãy làm tới cùng, sẽ chẳng có trở ngại nào hết, chỉ là những thử thách. Với tâm lý, hãy chuẩn bị để có thể sẵn sàng bị ghét, phải bảo vệ chính kiến của mình.


Bìa cuốn Trở lại đang được tác giả mang đi rao bán khắp VN

Chia sẻ không khó

* Trong Trở lại,bạn kể mình đi qua khoảng 40 thành phố, từng 2 lần suýt chết vì té xuốn thung lũng ở Malaysia và đi vào đường không dành cho người đi bộ ở Singapore. Đói thì vô số lần, bạn từng phải xin ăn. Xin được hỏi thẳng, lúc là doanh nhân bạn từng cầm trong tay nhiều nhất là bao nhiêu tiền? Còn khi đi giang hồ như vậy, lúc nhiều nhất là bao nhiêu? Cảm giác và cảm xúc với hai trường hợp này là thế nào?

- Hợp đồng tiền mặt lớn nhất tôi từng nhận là khoảng 500 triệu, còn khi đi giang hồ, lúc nhiều nhất là 200 USD. Trong cả hai trường hợp tôi đều cảm thấy có cảm giác giống nhau, rằng đó là số tiền lớn so với mình. Khác nhau ở chỗ lúc làm doanh nhân việc đầu tiên là rủ bạn bè đi khao, nhậu nhẹt, rồi chơi bời. Còn lúc phiêu bạt, tôi phải tìm một chuyến xe buýt để tiếp tục đi, càng xa càng tốt. Và chắc chắn rằng lúc cầm 200 USD thấy có một niềm vui khác niềm vui khi sở hữu một khoản tiền lớn nhiều lần.

Riêng về đói, tôi khẳng định nhu cầu của con người để tồn tại cần ít hơn mình nghĩ rất nhiều. Có khi cả tuần liền, tôi chỉ ăn mỗi ngày đúng một bữa. Thậm chí chỉ là một gói mì tôm. Có một chuyện chưa được kể ra, là một lần đói quá, tôi nhảy vào một quán cơm ở Indonesia ăn, xong thì rửa bát để trừ nợ.

* Có lúc nào bạn tuyệt vọng không? Nó có thấm thía bằng việc bạn từng phá sản và định từ bỏ hết lý tưởng để sống?

- Thất vọng thì có, chứ tôi chưa bao giờ tuyệt vọng. Phá sản hay mọi sự thất bại nói chung đều rất thấm thía. Và tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ hết lý tưởng.

Trong chuyến đi, những cái phiêu lưu về cơ bắp hay đói kém chưa khó bằng việc chia sẻ cách sống và văn hóa. Tôi từng ở với một bà lão người Indonesia trong vòng một tuần, hai bác cháu không thể giao tiếp với nhau bằng tiếng nói. Nhưng vẫn tâm sự được rất nhiều thứ. Chính những kinh nghiệm này mới giúp tôi thấy được: chia sẻ là không khó.

* Điều này có tác động đến quyết định bạn cho in cuốn này 6.000 bản để đi bán khắp Bắc Trung Nam và dành một nửa giá bìa cho việc thiện?

- Như tôi đã nói ở trên, đối với hành động thì phải làm đến cùng. Với tôi, công việc của người viết chưa thể dừng lại ở việc đánh máy. Mà nó còn phải đưa sách đến tay người đọc, phải bán sách. Và tôi đang làm nó, quyết liệt như mỗi bước đi trên đường đời, bất chấp đó là vỉa hè hay ở trường đại học.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm