Boney M - Đỉnh cao, bi kịch và cả những cái chết bất thường

22/08/2016 16:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Họ ra đời trong thời kỳ đẹp nhất của disco và để lại cho đời những bản disco đến bây giờ vẫn còn được yêu thích. Boney M tượng trưng cho một thời khó quên của âm nhạc, của những âm thanh đầy sức sống và nhiệt huyết.

Chinh chiến

Boney M được thành lập năm 1975 trong phong trào các nhóm nhạc disco mọc như nấm sau mưa. Disco ra đời với mục đích đẩy lùi sự thống trị của rock và lôi kéo mọi người trở lại với sàn nhảy. Boney M cũng thế, ông bầu người Đức Frank Farian muốn thành lập một nhóm nhạc disco (pha thêm tiết tấu Trung Mỹ) có thể làm người ta quên đi rock và đủ sức khuấy động khắp các vũ trường. 


Ông bầu người Đức Frank Farian khởi xướng lập Boney M

Theo Farian, việc tìm các nhạc công chơi disco không khó, vấn đề là phải tìm ra những ca sĩ có chất giọng độc đáo để “găm” được chất disco vào niềm nhớ của công chúng. Những thành viên của Boney M lúc đó đều có những công việc riêng, chẳng ai biết ai. Marcia Barrett (1948, gốc Jamaica) đang là ca sĩ nghiệp dư kiêm vũ công, sự nghiệp âm nhạc khá thất bại. Maizie Williams (1951, Montserrat - Trung Mỹ) vốn là một người mẫu, vũ công “chuyển ngạch” sang ca sĩ.

Bobby Farell (1949, Aruba - Trung Mỹ) thì xuất thân từ thủy thủ, sau này “lênh đênh” trong các vũ trường ở Đức trong vai trò Dj. Chỉ duy nhất có Liz Mitchell (1952, Jamaica) là ca sĩ thực thụ. Cô từng tham gia nhóm Hair của Donna Summer, sau đó gia nhập nhóm nhạc nữ cũng khá tiếng tăm Les Humphries Singers. 

Frank Farian gom tất cả lại và đặt họ theo cái tên của một serie phim trinh thám của Úc, Boney. Còn chữ cái “M” thì vẫn nhiều người chưa hiểu được nghĩa của nó, sau này ca sĩ Liz Mitchell có nói rằng “M” tượng trưng cho “mother, money, memory” (Mẹ, Tiền bạc, Kỷ niệm). Thời điểm 1975, ông bầu Farian khi trình làng Boney M đã nói rằng đó là 4 giọng ca tối ưu nhất, trình diễn loại nhạc disco tối ưu nhất của châu Âu. Nhiều người tưởng đó chỉ là câu nói cho vui miệng nhưng rất nhanh chóng, điều này đã trở thành sự thật.

Boney M thời đỉnh cao những năm cuối thập niên 1970

Cần nói thêm rằng, chẳng ai trong số các thành viên nhóm nhạc này sinh ở Đức nhưng vì ông bầu của nhóm là người Đức nên nhóm được xem là của Đức và chất disco của họ chơi sau này, dù nhiều người gọi nó là Eurodisco nhưng đúng ra đó chính là Munich disco, một kiểu disco đặc trưng của vùng Munich (Đức).

Cách tổ chức ban nhạc khá chặt chẽ, giọng nam duy nhất Bobby Farell được xem là trưởng nhóm nhưng giọng hát chính lại là Liz Mitchell, 2 người còn lại hát bè và vũ đạo.

Sự nghiệp rực rỡ của Boney M khởi đầu bằng ca khúc Do You Wanna Blump? (12/1975), đĩa đơn giúp họ đứng đầu bảng xếp hạng ở Bỉ và Hà Lan. Tháng 6 năm sau, nhóm quyết định ra album đầu tay, Take The Heat Off Me và lập tức họ trở thành ban nhạc được yêu mến tại Đức. Không những thế, các ca khúc từ album này như Sunny (hát lại của Bobby Hebb), No Women No Cry (hát lại của Bob Marley) liên tiếp đứng đầu các bảng xếp hạng ở Anh, Úc… Tuy nhiên, châu Âu và châu Á đón chào họ nhiệt liệt còn nước Mỹ có vẻ vẫn thờ ơ kiểu disco của Boney M. Daddy Cool, Daddy Cool, “ca khúc gây chấn động các vũ trường” chỉ khiêm tốn đứng vị trí 65 ở Mỹ.

Nhưng như thế cũng đủ để ông bầu Farian xoa tay ăn mừng. Một loạt các tour diễn được lên lịch, chương trình âm nhạc nổi tiếng Musikladen mời Boney M tới biểu diễn (và cũng từ chương trình này danh tiếng của Boney M thực sự nổi như cồn). Giới trẻ rủ nhau đi vũ trường để nhảy theo nhạc của họ. Quần ống loe, áo thun bó chẽn kiểu Bobby được các nam thanh niên rất ưa chuộng, váy áo hoa sặc sỡ của các thành viên nữ được fan nữ rất ái mộ. Nhiều người bảo Boney M là một phiên bản “lạ lùng” của thời “Flower Power” cuối thập niên 1960.

Trên đà thành công, tháng 5/1977 Boney M phát hành album Love For Sale với các ca khúc như Ma Baker, Belfast lại một lần nữa đẩy Boney M lên cao. Nhiều ca khúc mà họ hát lại cũng rất được ưa thích, như: Love For Sale (của Cole Porter), Have You Ever Seen The Rain? (của C.C.R) hay Still I’m Sad (của nhóm The Yardbirds).


Rivers Of Babylon của Boney M đặc biệt được khán giả Việt yêu thích

Nhưng cả 2 album đầu tiên dường như chỉ là tiền đề cho album kế tiếp để từ đây Boney M chính thức được xem là nhóm nhạc disco huyền thoại. Tháng 7/1978, Boney M phát hành Nightflight To Venus (đứng trong Top 10 của Anh trong suốt 65 tuần liên tục) và trong đó họ đã để lại nhiều ca khúc được xem là bất hủ: Rasputin, Rivers Of Babylon, Brown Girl In The Ring… 

Cả 3 ca khúc này tượng trưng cho một thời kỳ disco rộn rã nhất những năm cuối thập niên 1970. Rivers Of Babylon là ca khúc dựa trên các bài thánh ca bày tỏ sự khao khát của dân Do Thái lưu vong sau cuộc chinh phục Babylon của Jerusalem năm 586 TCN. Ca khúc này đã giúp Boney M nằm ở vị trí số 1 tại Anh trong năm tuần liên tiếp, bán được gần 2 triệu bản, 3 lần đoạt giải Bạch kim. Brown Girl in the Ring còn thành công hơn thế. Chỉ riêng ở Anh đã bán được hơn 2 triệu bản, đứng thứ hai về số lượng tiêu thụ đĩa đơn bán chạy kỷ lục mọi thời đại ở vương quốc sương mù.

Cùng ông bầu Farian (thứ 2 từ trái sang), Boney M làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng và trở thành một trong những nhóm disco thành công nhất mọi thời

Rasputin (ca khúc vốn rất được dân mê bóng đá Việt Nam yêu thích khi được đài truyền hình phát lại trong khi chờ phát trực tiếp bóng đá, tính từ Espana 1982) được yêu thích trên toàn thế giới. Ca khúc này mang âm hưởng loại nhạc khiêu vũ của người Cossack (Trung Á). Rasputin là một nhân vật có thật thời Nga hoàng. Ông không chỉ là cố vấn tin cẩn mà còn là người bạn thân cận của Nga hoàng. 

Tuy nhiên, sau này ông bị ghép tội dan díu với mẹ của Nga hoàng nên đã bị ám sát, khá đúng như bài hát miêu tả: bị đầu độc, nhưng không chết, nên bị bắn 4 phát và đánh đập rồi vứt xác xuống sông. Bài hát này đã bị cấm ở Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, chỉ có mỗi bài này là bị kiểm duyệt, còn Boney M thì được dang rộng vòng tay đón chào.

Những năm 1977-1978, cả thế giới ngột ngạt nín thở dõi theo cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Xô - Mỹ đang ở hồi căng thẳng nhất và vì thế Boney M được xem là chất xúc tác để giảm nhiệt, như một cách tránh đối đầu giữa Liên Xô và phương Tây. Năm 1978, Boney M là nhóm nhạc phương Tây đầu tiên được diễn ở Liên Xô. Đích thân Tổng bí thư Leonid Brezhnev đón họ bằng một máy bay quân sự từ London (Anh) tới Moscow (Nga) để biểu diễn tại Quảng trường Đỏ trước 2.700 người. 

Khi ấy, khoảng 10 nghìn người hâm mộ đã chen chân mua vé vào cửa để được thưởng thức giọng ca sống của thần tượng, bất chấp thời tiết giá buốt thường thấy của mùa Đông nước Nga. Thời đó rất ít nghệ sĩ dám phiêu lưu vượt qua “Bức màn sắt” - cách nói bóng gió ám chỉ sự ngăn cách vô hình giữa hai phe Đông - Tây thời kỳ Chiến tranh lạnh, để giao lưu văn hóa. Bước đi của Boney M được xem như phát súng mở màn trong hoạt động khai thông mối giao lưu văn hóa Đông Tây.

Boney M thời điểm ấy đã đứng ở đỉnh cao danh vọng và họ là nhóm nhạc được xem là tiếng nói của hòa bình, tình yêu và chia sẻ, không phân biệt thể chế chính trị.

Giáng sinh năm 1978, một lần nữa Boney M làm bùng nổ các bảng xếp hạng cũng như các vũ trường bằng ca khúc Mary’s Boy Child/Oh My Lord. Ca khúc này là một sự phối ghép giữa Mary’s Boy Child của Harry Belafonte (viết năm 1957) và sáng tác mới của Farian, Oh My Lord. Cả hai được ghép trong nền hòa âm sôi động. vui tươi. Ca khúc nhanh chóng đứng ở vị trí đầu bảng ở Anh suốt 4 tuần liên tục và bán được 1 triệu bản.

Hè năm sau, 1979, Boney M thống trị các bảng xếp hạng bằng các khúc disco mùa Hè bất hủ, Hooray! Hooray! It’s a Holi-Holiday. Một mùa Hè đầy ngọt ngào nhưng ít ai ngờ được đó lại một mùa Hè báo hiệu những cơn giông đang chuẩn bị ập tới.

Boney đến Liên Xô năm 1978, là nhóm nhạc phương Tây đầu tiên biểu diễn ở đây

Tan rã, sự thật và cái chết của trưởng nhóm

Sự thành công Hooray! Hooray! It’s a Holi-Holiday khiến ông bầu Farian quyết định tung album thứ 4, Oceans of Fantasy vào tháng 9/1979. Nhưng ngạc nhiên nhất là ở phần giới thiệu khi người ta thấy tên những người hát chính chỉ có mỗi Liz Mitchell và Marcia Barrett, không thấy tên hai người còn lại. Lúc này, rất nhanh chóng, ông bầu Frank Farian tuyên bố từ album đầu tay đến giờ chỉ có mỗi 2 người này là hát chính, còn hai người còn lại không hát trong bất cứ một bản thu nào của Boney M, họ chỉ hát trên sân khấu mà thôi. 

Những bản được thu trong phòng thu âm, giọng nam trầm đích thực là của chính… ông bầu. Điều này đã giải đáp thắc mắc suốt một thời gian dài rằng tại sao chất giọng của Boney M trên sân khấu khá là khác biệt so với đĩa phòng thu. Nhiều người đã tự giải đáp rằng do diễn “live” bao giờ cũng phải khác nhưng chẳng ai ngờ được nó lại “khác” nhiều đến vậy.

Giờ thì người ta mới biết rằng, nguyên nhân của sự việc tất cả là do ông bầu Farian, vốn cũng là một nghệ sĩ rất giỏi nhưng ngoại hình không bắt mắt, lập nên Boney M là chỉ chú trọng lợi nhuận và dùng mánh khóe thay hình đổi giọng để bịp khán giả. Sau này Farian thú thật rằng, giọng của 2 ca sĩ còn lại trong nhóm hoàn toàn không hợp với chất nhạc disco, họ chỉ là vũ công thuần túy mà thôi. Nhưng chính việc ấy đã tạo nên sự ngấm ngầm ganh ghét giữa các thành viên khi tiền thì được chia đủ còn nghĩa vụ thì lại khác nhau, chưa kể chuyện ông bầu còn cắt xén tiền bạc từ những tour diễn và cấm các thành viên hó hé bí mật. Hơn nữa, 4 người này đều gốc Phi, tiền diễn với hát hò ông bầu nuốt gần sạch, ai manh nha tách nhóm đi đánh lẻ là sẽ bị kiện… 

Sau này ca sĩ chính Liz Mitchell mới thổ lộ rằng “nền tảng của Boney M là một sự lừa dối”. 

“Đối với tôi, Boney M là một ban nhạc... không biết hát. Tôi đã rơi vào một mối giao kèo mà trong đó người ta không có khả năng giữ lời hứa của mình, bởi vì các thành viên khác đều gia nhập với tư cách là ca sĩ, song trong thực tế họ hoàn toàn không biết hát. Khi ấy tôi đã không thể hình dung nổi là họ thực sự không biết hát. Té ra là họ nhất định làm thinh. Đó là một nỗi nhục. Tôi đã mong mình có thể ngăn chặn sự lừa dối này. Tôi cũng chẳng thích thú gì khi nói đến các chuyện ấy. Tôi đã cống hiến tất cả, tôi có năng khiếu, nhưng đứng bên cạnh tôi lại là một người xấu... Nếu có thể quay ngược lại thời gian thì có lẽ tôi nói rất thẳng thắn: Hãy cho cả thế giới biết các vị chẳng phải là ca sĩ, mà chỉ là các vũ công thuần túy!”.

Và thế là từ năm 1980, Boney M bắt đầu đi xuống, Bobby Farrell ra đi, cả nhóm chỉ phát hành những album “The best”. Năm 1984, thành viên mới gia nhập thêm và Boney M ra album mới nhưng thất bại thảm hại. Đến 1986, Boney M chính thức tan rã. Sau 10 năm chinh chiến họ đã bán được 150 triệu đĩa hát trên toàn thế giới.

Sau khi tan rã, các thành viên đi solo và ai cũng đặt tên nhóm nhạc mình là Boney M. Thành công nhất trong số này vẫn là Liz Mitchell (cô đã từng đến Việt Nam 2 lần, 1995 và 1999). Các thành viên còn lại thì dường như chỉ có mỗi Bobby Farrell được chú ý hơn. Tuy nhiên ngày 29/12/2010 anh đã qua đời do trụy tim khi đang biểu diễn ở Nga.

Đáng nói hơn nữa là Bobby chết đúng vào ngày Rasputin bị ám sát và vì thế ca khúc này lại càng đi vào lịch sử. Nhiều người vẫn nhớ giọng nam trầm rất “nghề” trong ca khúc này và đáng tiếc thay, nó lại là của ông bầu Farian. Nhưng dù sao Boney M, dẫu chỉ còn là cái tên, nhưng họ vẫn hiện diện trong ký ức, ký ức tuyệt đẹp của một thời đã qua.

Nguyên Minh

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm