Bí ẩn những chiếc bình đồng Champa

07/05/2013 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong chuyến đi Bangkok vào cuối tháng tư này, tôi được một nhà sưu tập người Thái cho xem ba chiếc bình đồng Champa. Có nhiều chuyện thú vị từ những chiếc bình cổ này.


Bình đồng Champa, khoảng thế kỷ 7, với hai vòi hình hoa, sưu tập ở Bang Kok

Về nguồn gốc, nhà sưu tập không nói có được ba chiếc bình này từ đâu, nhưng ông cho tôi xem  một cuốn sách của người Pháp về nghệ thuật Champa có in một số đồ đồng tương tự, đặc biệt là chiếc bình rót nước có hai vòi. Hai vòi nước làm gần nhau, miệng xòe ra được trang trí thành hình hoa văn, xung quanh hai vòi cũng có diềm hoa văn lá đề.

Chiếc bình đồng này làm tôi liên tưởng tới hình tượng con chim hai đầu, hoặc hai đầu người thấy trong nghệ thuật Phật giáo Bút Tháp. Ở chùa Bút Tháp, con chim hai đầu (và chim hai đầu người gắn trên đỉnh lá đề tượng Phật Tam thế và tượng Quan thế âm bồ tát Ngàn mắt ngàn tay) chính là con chim Ca lăng tần già, tiếng kêu của nó được coi giống tiếng nói của đức Phật, nên con chim là tượng cho âm thanh của Phật.

Tuy nhiên cả ba chiếc bình này được chủ nhân sưu tập khẳng định là có ít nhất từ thế kỷ 7, tức là trước thời kỳ Phật giáo Đại thừa Đồng Dương (thế kỷ 9), thời kỳ Phật giáo duy nhất trong lịch sử Champa, nên không thể coi chiếc bình chim hai vòi là một biểu tượng liên quan đến Phật giáo. Bất luận thế nào, đây cũng là những di vật quý của văn hóa cổ Champa, vô cùng hiếm thấy và nay lưu lạc sang xứ người.


Chi tiết chiếc bình hai vòi.

Chất lượng đồng ở cả ba chiếc bình đồng đó rất khác với những đồ đồng Đông Sơn và đồ đồng Việt Nam thời phong kiến. Chúng rất nhẹ và sáng, có màu xanh lục mịn màng như là lớp men tráng lên đồ đồng vậy và được làm bằng kỹ thuật đúc (đổ khuôn) chứ không phải gò. Kỹ thuật đúc cũng rất hoàn hảo, cho thấy chúng thuộc loại đồ của cung đình Champa, chứ không phải đồ gia dụng thông thường. Khác với người Việt, người Champa không phát triển đồ gia dụng bằng gốm.

Đồ gốm Champa chủ yếu là vài đồ bình vò, bình vôi đựng thông thường, chất lượng và tạo dáng không có gì để so sánh với đồ gốm Sa Huỳnh trước đó và Đại Việt sau này. Điều này cũng dễ hiểu, văn minh Champa vốn theo Ấn Độ giáo, cách thức ăn bốc truyền thống của người Ấn Độ chắc chắn cũng được tiếp thu và do đó không nhất thiết phải có quá nhiều loại hình đồ gốm.

Tuy nhiên giới quý tộc và hoàng gia cũng dùng những đồ đựng ẩm thực nhất định, bằng đồng, bạc và vàng, đặc biệt là các chiếc bát đựng thông thương và bát tước cúng bằng vàng, kỹ nghệ làm đồ dùng vàng bạc của người Champa cũng đạt tới độ tuyệt đỉnh không thua kém một nền thủ công mỹ nghệ vàng bạc Trung Á nào.

Ba chiếc bình đồng Champa mà tôi được thấy cũng cho thấy một mức độ thủ công kim loại hoàn hảo, mà ít thấy một đồ đồng Đại Việt nào so sánh được. Chúng không chỉ cho biết mức độ công nghệ, mà cốt yếu cho thấy chúng chỉ có thể ra đời trong một xã hội đạt đến trình độ phát triển văn minh rất cao và toàn diện từ kiến trúc, điêu khắc, trang trí đến đồ thủ công mỹ nghệ.


Bình đồng miệng ba góc hình hoa, khoảng thế kỷ 7, sưu tập ở Bang Kok

Về ba chiếc bình cụ thể như sau: Chiếc bình thứ nhất cao chừng 32cm, cổ cao miệng xòe rộng và bằng, đáy thu hẹp và nở về chân đế, có hai vòi rót nước, hoặc rượu, cách điệu thành hình hoa, xung quanh vòi ở than bình có vòng hoa văn chạy quanh hình lá đề. Chiếc bình thứ hai nhỏ hơn, cao chừng 25cm thân nở như một trái cây, thu về cổ bình rồi loe ra miệng thành ba góc như một hoa văn cách điệu, ở phần quai có gắn hình đầu ngựa. Chiếc bình thứ ba lớn nhất có lẽ cao đến 40cm thân nở thu về chân đế như một cái cột, cổ bình cỏ nắp đậy như chóp tháp, một vòi nhỏ gắn vào thân. Cả ba chiếc bình đều được đúc rất cân đối, tạo hình gợi ý từ những quả dưa lớn và quả dừa, kiểu thức rất gần với đồ gốm Nam Á và Trung Á.


Chi tiết miêng ba góc hình hoa và đầu ngựa ở quai

Chúng tôi chưa có điều kiện để nghiên cứu sâu hơn về đồ đồng của người Champa, thông qua ba chiếc bình này. Điều dễ nhận thấy chúng là sản phẩm của một nền công nghệ thủ công rất phát triển và đạt đến trình độ tạo dáng, đúc kim loại hoàn hảo, chỉ thấy được ở những quốc gia, dân tộc đã đạt đến trình độ văn minh cao - điều vốn có ở người Champa xa xưa, dù hiện nay họ co lại như một sắc tộc ít người. Ba chiếc bình này có lẽ không thuộc về đời sống bình dân mà là đồ dùng của giới quý tộc, nếu dùng trong tôn giáo có thể được đựng nước cúng rượu thờ. Chúng cho thấy mối liên quan nào đó giữa văn minh Champa và văn minh Trung Á có quan hệ thương mại qua lại đến mức ảnh hưởng lẫn nhau về dáng vẻ và thẩm mỹ. Những câu hỏi mà còn đợi quá khứ lẩn khuất trả lời.

Bình đồng cao, chân trụ, một vòi, khoảng thế kỷ 7, sưu tập ở Bang Kok

Tôi có hỏi ngay một nhà khoa học trẻ về hợp kim đồng nhẹ từ ba chiếc bình này và được trả lời nguyên văn như sau:

Gửi bác Thượng

Hợp kim của đồng gồm có rất nhiều loại. Đồng - chì, đồng thiếc, đồng - niken, đồng măngan... còn rất nhiều loại bác ạ. Nhưng phần lớn những kỹ thuật đúc đồng cổ đại người ta sử dụng hợp kim đồng thiếc, lý do là nó dễ để kết hợp với đồng thành hợp kim đồng thiếc (hai kim loại này rất hợp với nhau), thứ 2 là nhiệt độ nóng chảy của thiếc khá thấp nên dễ điều chỉnh. Tỷ lệ giữa 2 kim loại này là 75 - 90% đồng: 10 - 25% thiếc. Tác dụng là để khi mới đúc xong thì cho hiệu ứng giống như vàng và rất bóng. Cái mà cháu được xem trên ảnh độ bóng có thể do thiếc tạo nên hoặc người ta phun sơn trong bóng để bảo quản. Nhưng thiếc cũng là nguyên tố không hề nhẹ cho nên có thể trọng lượng nhẹ mà bác cảm nhận được có thể là do họ đúc mỏng. Bác nên kiểm tra lại độ dày của nó.

Hợp kim đồng trọng lượng nhẹ. Hợp kim đồng trọng lượng nhẹ là đồng - silic và đồng - berili, nhẹ nhất là đồng - berili nhưng mà đồng berili và đồng - silic là hợp kim đồng hiện đại ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 20. Cho nên khó có thể là berili được. Theo phán đoán của cháu thì có thể là đồng silic lẫn trong tự nhiên của quá trình đúc. Chứ không phải do thợ đúng đúc đồng họ chủ động đưa silic vào. Nhưng hàm lượng tự nhiên cháu nghĩ cũng không nhiều nên. Nói là nhẹ do silic cũng không hẳn. Nhưng có lẽ nó là nghi can số 1.

Bài Phan Cẩm Thượng. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm