'Beethoven Nhật Bản' lừa dối người hâm mộ

07/02/2014 08:17 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Mamoru Samuragochi (50 tuổi), nhạc sĩ khiếm thính người Nhật Bản từng được ca ngợi là “Beethoven của kỷ nguyên kỹ thuật số” với những nhạc phẩm cổ điển và nhạc nền phim nổi tiếng, vừa phải xin lỗi người hâm mộ sau khi thừa nhận đã thuê người sáng tác nhạc thay cho mình.

1. Samuragochi nổi tiếng quốc tế với bản giao hưởng Hiroshima, nhạc phẩm tôn vinh những người đã thiệt mạng trong vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima hồi năm 1945 và các bản nhạc trong một số trò chơi điện tử như Resident Evil.

Samuragochi mắc một căn bệnh thoái hóa gây ảnh hưởng tới thính giác và năm 35 tuổi thì điếc hẳn. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục làm việc. Do chất lượng các nhạc phẩm của ông rất cao và thực tế ông bị khiếm thính, nhiều người đã so sánh ông với nhà soạn nhạc Đức Beethoven.


Nhạc sĩ khiếm thính Mamoru Samuragochi  từng được mệnh danh là “Beethoven của kỷ nguyên kỹ thuật số” trước khi sự dối trá của ông bị phơi bày

Song mới đây Takashi Niigaki, tác giả những nhạc phẩm vẫn được cho là của Samuragochi, tuyên bố ông đã “âm thầm” làm việc cho Samuragochi trong suốt 18 năm qua. Thông tin này lập tức gây chấn động giới nghệ sĩ và công chúng Nhật Bản.

Hôm 6/2 vừa qua, tới lượt Samuragochi thừa nhận ông đã thuê người sáng tác những nhạc phẩm nổi tiếng nhất của mình. “Tôi bắt đầu thuê Niigaki soạn nhạc từ năm 1996. Đó là lần đầu tiên tôi được mời soạn nhạc phim. Tôi đã nhờ người hỗ trợ mình già nửa nhạc phẩm, vì tai tôi ngày càng tồi tệ” – Samuragochi nói.

Luật sư của Samuragochi cho biết ông “thấy vô cùng có lỗi khi đã phản bội người hâm mộ và làm thất vọng nhiều người”. Samuragochi cũng không có ý định bào chữa gì cho những việc mình đã làm. Theo vị luật sư, sự thật bị phơi bày đã khiến Samuragochi suy sụp tinh thần trầm trọng.

2. Samuragochi được mẹ dạy piano từ năm lên 4 tuổi. Năm 10 tuổi ông đã chơi các nhạc phẩm của Beethoven và Bach. Samuragochi được đánh giá đã nỗ lực “tự mày mò” trên con đường trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng.

Năm 2001, tạp chí Time thực hiện một cuộc phỏng vấn bàn về khả năng sáng tác của Samuragochi trong hoàn cảnh khiếm thính. Lần đó ông đã nói: “Tôi lắng nghe bản thân mình. Nếu bạn tin vào nhạc cảm của mình, bạn sẽ tạo nên được âm thanh thật hơn, như thể truyền đạt từ trái tim mình. Mất khả năng nghe là một món quà từ Chúa trời”.

Bản giao hưởng Hiroshima hay còn gọi là Bản giao hưởng số 1 của Samuragochi thể hiện cảm nghĩ của ông về những người sống sót trong vụ ném bom nguyên tử. Bản nhạc này từng được trình diễn tại Hội nghị G8 được tổ chức ở Nhật Bản hồi năm 2008.

Danh tiếng của Samuragochi tiếp tục “nổi như cồn” vào tháng 3/2013, khi hãng truyền thông NHK phát sóng bộ phim tài liệu về ông mang tựa đề Melody of the Soul (tạm dịch: Giai điệu tâm hồn). Trong phim có quay những cảnh Samuragochi đi khắp vùng Tohoku sau thảm họa sóng thần hồi năm 2011, gặp gỡ những người còn sống sót và gia đình các nạn nhân. Phim còn có cảnh Samuragochi chơi đùa với một bé gái đã mất mẹ trong thảm họa sóng thần và sáng tác một bản nhạc cầu siêu cho mẹ của cô bé, dù bản thân đang phải vật lộn với bệnh tật.

Bản giao hưởng số 1 đã rất ăn khách, tiêu thụ được 180.000 bản và từng được xem là nhạc phẩm của hy vọng. Nhưng rất tiếc, những hình ảnh đẹp đẽ về tài năng và con người của Samuragochi nay đã bị bóc trần.

Sau khi bê bối của Samuragochi bị phanh phui, công ty thu âm của ông là Nippon Columbia tuyên bố họ “vô cùng kinh ngạc và tức giận” trước trò lừa dối của ông. Họ cũng ngừng phát hành các nhạc phẩm của ông.

Người hâm mộ đã có những phản ứng khác nhau trên trang Twitter về sự dối trá của Samuragochi. Một số người so sánh ông với Milli Vanilli, bộ đôi pop nổi tiếng của những năm 1980, nhưng thực ra họ chỉ hát nhép theo giọng ca của ca sĩ khác.

Một số khác bày tỏ sự cảm thông với nhạc sĩ. Họ cho rằng ông muốn tìm lối thoát cho những ý tưởng âm nhạc của mình sau khi bị điếc hoàn toàn. Song đã có không ít cá nhân kêu gọi về việc cần ghi nhận xứng đáng cho người nhạc sĩ mà Samuragochi đã dựa vào để tỏa sáng.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm