Bảo tồn quan họ, ca trù: Có thể dùng phương pháp nốt nhạc hóa?

30/10/2009 16:41 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Từ khi Ca trù và Quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, một câu hỏi cấp thiết được đặt ra: bảo tồn và phát huy hai di sản này như thế nào?

* Phương pháp tình thế

Trước hết cần phải nói rằng, cho đến nay cả Quan họ, Ca trù và rất nhiều thể nhạc truyền thống của dân tộc đã được giới nghiên cứu âm nhạc ký âm nốt nhạc theo bài bản dựa vào phương pháp ghi nhạc của phương Tây.

Nói cho đúng, đứng trên phương diện âm nhạc học, thao tác đó là cần thiết, và có thế mới đi sâu tìm hiểu được những đặc điểm, cái khung xương của từng thể loại âm nhạc này.


Tuy nhiên, phương pháp này cũng chỉ là giải pháp tình thế, cấp bách về phương diện lý luận, đồng thời góp phần chỉ ra được khung các bài bản mà người làm âm nhạc chuyên nghiệp gọi là “lòng bản”; còn thực tế không thể lột tả được những nét tinh tế và cái “hồn” của chúng. Nói chính xác, chúng ta không thể ghi được một cách tuyệt đối toàn bộ những nốt nhạc mà người nghệ nhân hát và quy về bản nhạc.

Vì vậy giữa 2 phương thức bảo tồn: phương thức truyền ngón- truyền nghề và phương thức văn bản hoá, tức ký âm thành bản nhạc rồi đưa vào giảng dạy, bảo tồn thì phương thức “truyền ngón, truyền nghề” là phương pháp quyết định.

* Cần có chính sách đối với nghệ nhân trao truyền

Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại này, giữa bao nhiêu phức tạp của cuộc sống, của cơ chế thị trường, khi mà mọi người lo cho cơm áo gạo tiền, để thuyết phục những nghệ nhân giỏi truyền ngón nghề của mình cho số đông học trò là việc làm không đơn giản. Bởi vì trong nghệ thuật dân gian vẫn duy trì yếu tố “nhà nghề”, “làng nghề”, “tổ nghề”... Thế nên mới có chuyện một nghệ nhân giỏi có hạng về đàn Đáy ở một giáo phường không dễ gì truyền những “ngón” nghề độc cho người khác, giáo phường khác. Một đào nương có giọng hát và tay phách tinh luyện không dễ dàng khi họ trao truyền cho “người thiên hạ” những “ngón nghề” mà đào nương này đã phải trả giá bằng nhiều mồ hôi sức lực của mình.

Vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn Ca trù, Quan họ là phải làm thế nào để tiến tới cả người dạy và người học đều sống được bằng nghề của mình; làm thế nào để nghệ nhân lấy việc truyền dạy làm nguồn thu nhập chính; và để họ không phải lo lắng về cơm áo gạo tiền mỗi khi ngồi dạy học trò. Tức là chúng ta dành sự quan tâm thoả đáng đối với những người đang nắm giữ di sản - là các nghệ nhân - “kho di sản sống”.

Nguyễn Đình Lâm (Viện Âm nhạc)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm