Bao giờ về Đà Lạt...

27/01/2014 07:04 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đã 10 năm nay tôi không về Đà Lạt. Ngôi nhà hì hục xây gần nửa năm trời cho một giấc mơ “trở về” làm bằng gỗ, đá, kính, có cả lò sưởi kiểu Pháp, có nước bao quanh nhà, ngoài vườn có hầm rượu, đứa cháu mượn làm văn phòng. Kinh tế khủng hoảng, nó bỏ, lại cho anh bạn họa sĩ mượn  làm xưởng vẽ, anh ấy cũng ra đi, rồi bỏ hoang, cuối cùng đành bán lại với giá rẻ cho một người quen. Có những nơi ta không muốn về vì làm sao có thể tìm lại những gì đã mất.

Làm sao có thể tìm lại những gì đã mất... 

Năm 1982 tôi tới Đà Lạt lần đầu tiên trên một chuyến xe đò. Hồi đó dưới chân đèo Prenn còn có trạm kiểm soát của quân đội do nơi đây được coi là một biệt khu. Đèo dốc, rừng núi đối với tôi cũng bình thường vì tôi có gần chục năm sống ở miền núi Việt Bắc, nhưng leo đèo Prenn là một cảm giác khác hẳn. Con đường đèo trải nhựa quanh co giữa hai bên là rừng thông già, những thung lũng thông hiện ra trước mắt, những khoảng trời sau vòm thông mây trắng bay lờ lững. “Anh như thông đứng trong rừng vắng, em như mây trắng trên trời”, lời Việt của một bản tình ca nước ngoài tôi nghe được sau ngày thống  nhất đất nước 1975 rất hợp với cảnh này, buồn và cũng thật lãng mạn.  Đường đèo, những tấm biển báo giao thông, những cột cây số đã cũ, những tà-luy lát đá hoa lưu ly nở tím, thấp thoáng bên đường ngôi biệt thự bỏ hoang, một cái gì rất vắng nhưng là cái vắng vẻ của văn minh. Rõ ràng tôi đang đến một xứ sở khác.

Vượt qua Prenn vào Đà Lạt tôi biết mình không nhầm. Một khung cảnh mát lạnh, êm ả và sang trọng: dốc phố, biệt thự cổ kính, thông, dã quỳ, mimosa lá màu xanh bạc, bờ rào tầm xuân trĩu nặng hoa, ẩn hiện trong sương mù của buổi chiều cuối Thu, thỉnh thoảng mới thấy người đi bộ, thấy chiếc xe con 4 chỗ đã cũ chạy chầm chậm rồi biến mất dưới khúc cua chân dốc. Tôi đi với họa sĩ Lưu Công Nhân, trước khi về nhà nghỉ, anh rủ tôi đến uống rượu ở Palace “để say một chút mà ngắm Đà lạt”. Palace là một hotel có từ thời Pháp sang trọng cỡ Metropole ở Hà Nội nằm bên sườn đồi. Khuôn viên rộng hàng mẫu Tây dốc thoai thoải, cỏ lên xanh mướt, những khóm hoa huệ tây tím biếc, hoa cẩm tú cầu trắng nhạt phớt xanh lơ, từng cụm, trĩu nặng. Ngồi ở quầy bar nhìn sảnh rộng nơi những chiếc ghế bành mây đan bày rất thưa không có khách ngồi, nhâm nhi ly Ararat, hỏi chuyện Đà Lạt với cô đứng quầy xinh đẹp, ngắm  một góc Đà Lạt qua cửa kính, anh Lưu Công Nhân bảo đây là thiên đường có thật, nơi  đáng sống nhất trần gian. Việt Nam thời hậu chiến, tàn phá, hỗn loạn, đổ vỡ, nghèo đói mà có một nơi như thế này thì điều anh Nhân nói đâu có sai.



Tôi mê Đà Lạt từ ngày ấy, tháng nào cũng lên ở hẳn từ một tuần đến mười ngày. Tối, trời trở lạnh đi uống cà phê trong ngôi  biệt thự cổ, ngồi bên lò sưởi Tây, được chủ quán chiều chuộng mở cho nghe Norture của Chopin, Sonate cho piano của Betthoven... Sáng, tan sương đi uống cà phê trong các quán cà phê vườn, hoa cỏ, đá cảnh, nước chảy róc rách, cảnh trí thơ mộng,  những quán “cà phê rì rầm” chỉ có ở Đà Lạt: nhạc hòa tấu mở nhỏ, người nói chuyện đủ nghe. Những ngày mưa vác ô đi ra đường ngắm nhìn phố mưa. Đà Lạt trong mưa đẹp lạ thường. Bên trong mái hiên, sau những khuôn cửa đóng kín, là những gì yên tĩnh, thư thả, là ai đó, đẹp và hiền lành, tôi tin là như thế. Tôi tin vì tôi đã gặp người Đà Lạt ngoài chợ, những cô bán hàng ở dãy hàng vải và quần áo, da trắng mịn xinh đẹp, những cụ bà bán hoa, bán trái cây hiền hậu, họ đều rất lịch sự tử tế, điều hiếm thấy ở hai khu chợ nổi tiếng nhất Việt Nam: chợ Đồng Xuân và chợ Bến Thành. Tôi tin vì trong lần lên Đà Lạt, một ngày mưa, tôi cũng vác ô đi dạo, gặp người vác ô khác, một cô gái Đà Lạt mảnh mai cắp bọc sách đi vào thư viện. Hồi ấy còn trẻ nên tôi mạnh dạn lắm, liền theo, hỏi chuyện làm quen. Cô ấy trả sách rồi mượn sách về nhà đọc, thích Alphonse Daudet, thích Paustovsky, thích Chekkov v.v. Nhẹ nhàng, thơ mộng và sâu sắc.  Người Đà Lạt như thế, nói chung hiền, nhưng không phải cái hiền lành chân chất của người nông thôn mà là cái hiền thành thị, của những người ở mức độ dân trí cao hơn nhiều.

Môi trường sống ở Đà Lạt ngày ấy có lẽ là tốt nhất cho một con người. Đà Lạt hội đủ ba chữ: Thanh, tịnh và tĩnh. Thanh là trong, Đà Lạt trong vắt, tôi  đeo kính cả ngày, mắt kính vẫn trong (ở TP.HCM sau 2 giờ là phải lau mắt kính), hoa cỏ ở đây vì thế màu sắc vô cùng rực rỡ. Tịnh là sạch: Đường sạch, cây cối sạch, nhà cửa sạch, con người ăn mặc sạch sẽ (lúc ấy mà bạn về TP. HCM, vì sự ngược lại của nó, bạn sẽ hiểu điều tôi nói). Còn Tĩnh là yên tĩnh, là tĩnh lặng: Một Đà Lạt rì rầm tiếng thông reo, những dốc phố êm ả vắng tiếng còi xe nơi thả hồn của người đi bộ, những ngôi nhà ẩn mình trong cây cối, hoa cỏ... Có lẽ ba chữ này đã tạo vẻ đẹp riêng của Đà Lạt và tính cách riêng của người Đà Lạt điển hình.

Đà Lạt ngày ấy, cho tôi cảm nhận được đẳng cấp sống của của một đô thị vượt ngưỡng ở Việt Nam.

Về Đà Lạt để yêu, và để sống với nội tâm mình...

Ngày ấy ở Đà Lạt tôi viết được khá nhiều: Đánh thức tầm xuân, Nghe mưa, Đưa mưa trở về, Bài hát ru cho anh, Ngày mưa, hãy đến với em, Bài ca dao mùa đông, Im lặng, Bài hát buồn, Bây giờ biển mùa đông v.v. Và không phải chỉ có tôi, vào thập niên 1960, anh Trịnh Công Sơn cũng đã về đây và viết được những bản tình ca hay nhất của mình.

Một nơi sinh ra những bản tình ca, một nơi đáng sống như thế, văn minh như thế, một nơi tôi thường nói với bạn bè vào những năm 1980 rằng đây là Việt Nam của thế kỷ 21, nơi ấy đã trở thành quá khứ. Nơi ta... không thể về.

***
Bao giờ về Đà lạt
Anh lại tìm em...
Em - cô gái thích đọc Alphonse Daudet
Em -  “đồi thông nghiêng xa mờ, vẩn vơ bông liễu đỏ, mặt hồ xanh như mưa”.
Em - “rừng thông cũng biết anh, hạt mưa cũng biết anh...”
Bao giờ về Đà Lạt ...
Với riêng tôi, là một bài hát buồn

TP.HCM 12/2013
Nhạc sĩ Dương Thụ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm