Bao cấp - một thời để nhớ, một thời... để sợ

10/02/2016 08:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nói về thời bao cấp là nói về tem phiếu, phân phối và xếp hàng. Bây giờ nhìn lại, bao cấp vừa là nỗi nhớ và cũng là nỗi sợ hãi của lớp người chúng tôi, lớp người lớn lên và trưởng thành từ bấy.

Lịch sử bao cấp mới đi qua chưa xa lắm mà đến giờ cứ nhớ nhớ quên quên. Nhiều người ta muốn quên đi hơn là nhớ! Chỉ còn láng máng sự ra đời của tem phiếu bắt đầu khoảng giữa nhưng năm 60 thế kỉ trước.

Có người nói ta học mô hình tem phiếu từ Liên Xô. Tôi không biết đúng thế không, nhưng cái phiếu E cho lớp cán bộ phổ biến lương từ trung cấp đến Đại học ấy cấu trúc thật tỉ mẩn, vẽ hoa văn kĩ như vẽ tiền, in cũng đẹp. Từng ô nước mắm, đường, đậu phụ, cá, thịt, số lượng bao nhiêu, ghi rành rẽ… rồi đến con cán bộ thì phiếu D  nhỏ nhoi hơn nữa.


Cửa hàng tạp hóa thời bao cấp

Trên phiếu E còn có phiếu A, B, tôi không rõ lắm, dành cho lớp cán bộ cao cấp hơn. Thời ấy, Cửa Nam, Chợ Hôm là nơi đầy bọn người buôn phiếu, mà dân gọi là “con phe” bám đầy hai bên đường để hỏi mua.

Đi công tác, đến cơ sở thì báo cơm, nộp tem gạo. Chẳng có chuyện cơ sở tiếp đón mời ăn như ngày nay đâu! Tem phiếu có giá trị như tiền.

Thời bao cấp thì thợ cắt tóc, thợ sửa xe đạp và lao động chân tay khác không nằm trong hệ thống nhà nước cũng giống phu khuân vác, coi như không có nghề. Nông dân còn được hiểu là có nghề làm ruộng, còn khi không nằm trong biên chế nhà nước thì rất khó định dạng nghề nghiệp.

Cái tem, cái phiếu gắn chặt vào đời anh công chức nhà nước. Tem phiếu cấp hàng năm thành một thứ tài sản mà anh ta phải quản lý theo dõi. Luôn luôn nhớ phải nhớ ô cá mua chưa, ô đường kì nào mới bán. Sự bận rộn đó chủ yếu đặt vào vai người vợ trong gia đình.

Có đủ chuyện vui buồn trong tem phiếu. Hồi 1977 tôi chuyển công tác về Hà Nội nhưng hộ khẩu chưa cắt về, tem phiếu vẫn trên Thái Nguyên. Có lần bám tàu hỏa lên Thái xếp hàng mua nốt ô phiếu có ba lạng thịt, sắp hết hạn. Giờ nghĩ lại cũng lạ lùng cho mình. Giống như là châm lửa đốt tờ mười nghìn để soi sáng tìm vài hào đánh rơi!


Phiếu mua thịt thời bao cấp

Cái tem cái phiếu nó làm cho bần thần con người. Đâu xa, mới cách đây mười năm, có một đôi yêu nhau thắm thiết mà rồi không thành vì mẹ chàng trai đòi cô dâu phải là người ăn “gạo phiếu”, nghĩa là người trong biên chế nhà nước. Trong khi đó cô bé kia là dân kinh doanh tự do. Thế là bị phản đối quyết liệt. Tình duyên đôi trai gái nọ không thành vì một bà mẹ viên chức ám ảnh tem phiếu.

Thời ấy, ăn gạo phiếu, dùng tem phiếu vừa là niềm hãnh diện là “người nhà nước”, vừa yên tâm không bao giờ đói, dù tháng có 13,5kg lương thực và tương lai là cái sổ hưu bảo đảm khi về già.  

Nhớ khi nhà nước bỏ sổ gạo để thị trường tự điều tiết, rất nhiều người lo. Khi ấy, vợ tôi vẫn cất giữ rất kĩ cuốn sổ mua lương thực, mà mọi người quen gọi là sổ gạo, bảo biết đâu lại có lúc dùng đến! Nỗi sợ mất sổ gạo có lúc còn cao hơn nỗi sợ mất  sổ hộ khẩu. Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn một hai năm bỏ tem phiếu sổ gạo thì xã hội bình ổn ngay. Thế mới biết con người chết vì nỗi khiếp sợ có khi lớn hơn những cái chết vì bệnh tật.


Phiếu mua vải thời bao cấp

Giờ nhớ lại một thời phân phối xếp hàng vẫn thấy lạ lùng. Nhưng có lẽ giai đoạn chiến tranh việc ấy là cần thiết chăng? Nếu không có tem phiếu kéo níu thì còn ai yên tâm trong hoàn cảnh chiến tranh rình rập như thế?

Bao cấp, bao cấp, bao nhiêu câu chuyện lạ kể tối ngày chẳng hết. Ví dụ công đoàn phân phối chia mỗi người dăm viên bi xe đạp, mấy cái nan hoa, dù không có xe. Lại tiêu chuẩn thuốc lá, cứ nam giới là một tháng mấy bao Tam Đảo, Trường Sơn, Tam Thanh dù không nghiện. Thế rồi người không nghiện cho người nghiện, tiếc đứt ruột mà không dám bán sợ bị đánh giá, mà cho không thì thấy thiệt mà không biết nói thế nào!

Tất cả lùi xa rồi, không bao giờ quay lại  nhưng nó đánh dấu một giai đoạn lịch sử đất nước không thể nào quên! Giờ mà nhắc lại không ai là không thảng thốt. Bao cấp là liều thử khắc nghiệt nhất với con người về sự bền bỉ, bền gan. Ai sống qua thời đó thì bảo đảm chẳng còn biết sợ gì...

Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm