Bài kết: Bản sắc Việt nhìn từ những con sóng phương xa

07/07/2010 06:29 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Ở các quốc gia châu Á, phải chăng do cái tôi cá nhân phần nào đó đã hòa vào cộng đồng. Được sinh ra và lớn lên trong một môi trường đậm đà truyền thống, không ít người chúng ta có xu hướng tiếp tục tìm kiếm những màu sắc Á Đông gần gũi xung quanh mình để tìm sự đồng cảm. Trong nghệ thuật mà cụ thể hơn là âm nhạc, giữa cơn sóng toàn cầu hóa và vô vàn các ảnh hưởng, phong cách từ các nền văn hóa khác vốn trước kia tưởng như lạ lẫm, cuộc tìm kiếm này âu cũng là một câu chuyện dài thú vị.

Bản sắc Việt hay bản-sắc-toàn-cầu-hóa?

Nhiều năm trước trong cộng đồng nghe và chơi Rock tại Việt Nam rộ lên cuộc tìm kiếm những nghệ sĩ Việt chơi hoặc có liên quan đến Rock đã thành danh trên thế giới, thôi thúc bởi đam mê hừng hực của các bạn trẻ muốn chứng tỏ và khẳng định mình cũng sẽ làm được điều tương tự. Ngay tắp lự, những cái tên rất xa lạ cũng theo đó mà xuất hiện và được nhắc đến nhiều lần tại các diễn đàn về âm nhạc như Taï Phong, S.Y.G (Some Young Guys), Thomas’ Apartment, hay ngầu hơn là Swords of Darkness, những “hòn ngọc Việt” đang sinh hoạt ở các môi trường nghệ thuật phát triển khắp trên thế giới. Đến hôm nay, đã có nhiều hơn những cái tên được tìm thấy, mở rộng ra nhiều thể loại khác nhau như Tha Trickaz (Pháp) chơi nhạc điện tử, Quan Yeomans đa tài của Regurgitator (Úc), hay rộn rã hơn nữa là Thanh Bùi (Australian Idol), Antoneus Maximus (Mỹ) và producer Dương Khắc Linh với R&B, cả ba đã và đang tạo chỗ đứng ngay tại thị trường trong nước. Thế nhưng vẫn còn đó một khoảng cách không chỉ là địa lý mà còn là … tâm lý giữa những nghệ sĩ này và khán giả trong nước.


Trumpeter gốc Việt, Cường Vũ từng đoạt giải Grammy năm 2002 và 2006
Cường Vũ - cây trumpet nổi danh đã đoạt hai giải thưởng Grammy, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, khi được hỏi về bản sắc Việt đã trả lời đại ý như sau: “Những yếu tố thuộc về bản sắc có thể tồn tại và tác động lên nghệ thuật, có trường hợp vô thức và cũng có trường hợp người nghệ sĩ chủ động, nhưng quan trọng hơn chính là môi trường (nghệ thuật) xung quanh chứ không chỉ dừng lại ở các yếu tố thuộc về bản sắc”. Nói khác đi, bản sắc chỉ là một tiền đề trong số các tiền đề khác để các hạt giống nghệ thuật sinh sôi và khẳng định tên tuổi của người nghệ sĩ, và khi nghệ thuật lên tiếng, hẳn là nó cũng không thật sự để tâm đến gốc gác người nghệ sĩ. Trong cuộc tìm về, biết đâu đôi khi chúng ta đã quá bao dung và mến chuộng nghệ thuật mà mang họ ra khỏi môi trường quen thuộc, và “gắng gượng” họ vào một môi trường còn khá non trẻ, rời rạc để rồi thưởng thức. Pianist lừng danh Đặng Thái Sơn theo chừng mực nào đó có thể xem là một “ca” điển hình của sự đồng nhất dễ dãi này, dẫu cho sự hiện diện của anh trong môi trường âm nhạc trong nước hiện tại cũng có nhiều khởi sắc.

Hòa vào đại dương

Lợi thế của nghệ sĩ gốc Việt trên quốc tế thoạt nhìn có thể là môi trường và điều kiện để phát triển, như nhiều người vẫn thường nghĩ. Nhưng cũng không vì vậy mà phớt lờ đi những khó khăn và nhất là nỗ lực của họ để khẳng định mình tại các môi trường nghệ thuật vô cùng khắc nghiệt và thường xuyên có sự đào thải khác xa trong nước. Trong một vài trường hợp khác, cộng đồng xung quanh họ là cái nôi che chở và động viên cho tài năng, nhưng đồng thời luôn luôn có thể hạn chế ảnh hưởng của họ trên con đường nghệ thuật. Có không ít những nghệ sĩ gốc Á, hay hẹp hơn, gốc Việt đã tạo ra chỗ đứng nhất định trong giới như Yoko Ono lừng danh (vợ John Lennon của nhóm Beatles), Freddie Mercury huyền thoại của nhóm Queen. Trẻ hơn có Rachael Yamagata, Vienna Teng, violinist Sarah Chang và trumpeter Cường Vũ… Không thể chối cãi, họ là những tài năng đích thực. Thế nhưng, từ cái nhìn tổng quát có thể và nên xem họ là những sắc màu tươi tắn, khép mình vào những mảnh ghép bức tranh nghệ thuật toàn-cầu-hóa sặc sỡ. Ở đây có mọi loại giá trị và không có bất kỳ giá trị bền vững nào, và sản phẩm tạo ra cũng không của riêng một ai khác ngoài chính những người tìm thấy ở đó sự đồng cảm với người nghệ sĩ. Do đó, nó cũng không còn hoàn toàn là vấn đề bản sắc.


Nguyên Lê, nghệ sĩ guitar Pháp gốc Việt được thế giới nể trọng

Trên bàn tiệc thịnh soạn này, thiết nghĩ, khi ta muốn tìm kiếm những giá trị thuộc về nguồn cội, hẳn nhiên sẽ có tốn nhiều công sức hơn nhưng vẫn luôn có đó một Nguyên Lê đa tài (đặc biệt là album Tales from Vietnam đậm đặc hồn Việt) hay một Trần Anh Hùng trong điện ảnh luôn đau đáu khắc họa quê hương bằng một ngôn ngữ điện ảnh tài tình của riêng anh. Còn khi muốn thưởng thức những hình thức nghệ thuật nhưng do người Việt thể hiện, thiết nghĩ hãy tạm quên họ là người Việt mà hãy tập trung vào cái hồn nghệ sĩ mà họ chứa đựng bên trong. Trong một bài phỏng vấn, Dengue Fever, nhóm psychedelic Mỹ nhưng hồn nhạc đặt tận Campuchia cho biết, mục đích ban đầu khi thành lập nhóm chính là cảm hứng dồi dào và cũng rất tự nhiên khi lần đầu nhóm tiếp xúc với nhạc Khmer trong một chuyến đi “phượt” nhiều năm trước. Không ngạc nhiên khi ca sĩ của Dengue Fever là một giọng ca truyền cảm 100% Khmer. Điều này hẳn có khác với sự gò ép bản sắc của không ít ban nhạc trong nước tìm cách dung hòa giữa Tây và Ta, và thực tế chứng minh điều này không phải lúc nào cũng thu được kết quả mong muốn.


Có thể cuộc tìm kiếm nói trên vẫn tiếp diễn hàng, và hàng ngày vẫn luôn có những hòn ngọc Việt đang cặm cụi dùi mài chờ đến ngày tỏa sáng ở cả trong và ngoài nước. Và một khi đã tỏa sáng, những viên ngọc đó sẽ thuộc về tất cả chúng ta, những người yêu và thích thưởng thức nghệ thuật, vượt qua những rào cản biên giới, màu da và cả ngôn ngữ.
Du Lê

Đối thoại cùng Lê Tiến Hưng - Trưởng nhóm Black Infinity

* Việc có tên trong Top 10 Asean’s Best Band của MTV châu Á có ý nghĩ gì với nhóm?

- Black Infinity đến với cuộc thi Asean’s Best Band chỉ với mục đích mang âm nhạc của mình ra giới thiệu với thế giới. Việc có mặt trong Top 10 của MTV Asia thật sự là một điều bất ngờ vì MTV trước đến giờ tôi nghĩ chỉ chuộng kiểu Pop hoặc rock ballad mà thôi.

* Nhiều người đã từng phân tích rất nhiều về chuyện vươn mình ra biển lớn của các nghệ sĩ Việt, nào là nền tảng còn thiếu, kỹ năng chưa tốt, không có yếu tố sáng tạo bất ngờ, P.R kém. Là một người trong cuộc bạn có ý kiến gì?

- Thật sự tôi dám nói rằng người Việt mình không thua gì ai. Ở nước ngoài nghệ sĩ được quan tâm và có điều kiện phát triển nhiều hơn. Họ chỉ tập trung vào việc phát triển nghệ thuật mà không cần phải đi làm thêm để kiếm tiền mưu sinh, như vậy thì các tác phẩm cho ra bao giờ cũng phải chất lượng hoặc ít ra cũng phải có mức chấp nhận được. Tôi nghĩ trước khi chúng ta nói về những mặt yếu kém của các nghệ sĩ Việt khi vươn ra ngoài thì trước hết tôi muốn nói chúng tôi cần được quan tâm và cần điều kiện để phát triển nhiều hơn. Trong sự phát triển thật sự chuyên nghiệp thì tôi nghĩ những nhận định ở trên cũng sẽ phần nào được khắc phục.

* Có một nghịch lý là có nhiều nghệ sỹ được đánh giá cao ở nước ngoài nhưng tại ngay nhà mình họ chẳng được nhiều người biết đến. Theo bạn, điều này có khó giải thích không?

- Mỗi nền văn hóa tôi nghĩ đều có những đặc thù riêng nhưng việc “Bụt chùa nhà không thiêng” thì dường như là điểm chung và chúng ta đều có thể minh chứng ở bất cứ nơi đâu. Nhiều người phải tìm đường từ bên ngoài để vào được thị trường nước mình và cũng nhiều trường hợp bên ngoài được công nhận nhưng luôn gặp khó khi “đá” sân nhà. Ngay như kênh truyền hình MTV hay Channel V tôi nghĩ cũng đã rất nhiều lần họ để quên (hoặc không đếm xỉa) tới những nhóm nhạc nổi tiếng, tất nhiên nổi tiếng ở mức độ chung không phổ quát lắm. Đó cũng là sự thiệt thòi lớn. Chính những quan điểm nhiều khi mang tính đặc thù ở từng vùng mà tên tuổi nghệ sĩ này dù rất nổi ở ngoài lại không sang được vùng khác. Nhưng bên cạnh đó, tôi nghĩ việc internet phát triển sẽ làm bằng phẳng dần những lỗ hổng ở từng vùng để âm nhạc đến với nhau rộng khắp hơn và tôi nghĩ khi ấy những nghệ sĩ Việt bay ra biển lớn hay nghệ sĩ Việt từ ngoài trở về đều được chấp nhận và tìm thấy những thành công cho riêng mình.

P.V (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm