27/02/2014 15:01 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Bây giờ, mỗi năm ra chợ hoa ngày Tết có thể lại phải trầm trồ, kinh ngạc về một giống hoa mới, hoặc nhập ở đâu về, hoặc lai ghép… Kiểu chơi hoa cũng mỗi năm mỗi khác. Nữa là cách đến 3 thế kỷ, tức 300 năm?
Động thực vật tùy từng thời có biến động khác nhau. Đến cuối thế kỷ 19, người ta còn thấy rừng Việt Nam đầy muông thú, hổ báo luôn vào các bản làng tấn công, bắt gia súc, cầy cáo chim chóc thì nhiều vô kể. Chỉ trăm năm sau, tất cả biến sạch, và hầu hết những khu rừng già thành đồi trọc. Sự biến động về chủng loại động thực vật trong lịch sử thế nào, ít ai để ý tường tận, và nhất là ở nước ta, khoa nghiên cứu này còn hạn chế. Cuốn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, từ điển Hán - Nôm đầu tiên trong thế kỷ 18, in năm 1761, đã kê ra nhiều loại trong đời sống tự nhiên và xã hội, với hai khái niệm song song Hán - Nôm (Việt). Chúng tôi cho rằng, không thể căn cứ vào đó hoàn toàn mà khẳng định lúc đó loại đó chỉ có thế, mà chỉ nói rằng đó là do người biên soạn biết được các loại sự vật bằng hai thứ tiếng đến như thế. Cho nên đây cũng có thể coi là tài liệu khảo cứu, khi ta chưa có sự thống kê nào nhiều hơn nữa. Trong mục về các loại hoa này, có bài thơ như sau:
Trạng nguyên hoa quế thơm cay
Mai hoa đã chiếm rày tam khôi
Quốc hoa, hoa lan tốt tươi
Hải đường hoa lụa thức phơi mỹ miều
Liên hoa, hoa sen càng yêu
Tòa sen cửu phẩm ngôi cao chín trùng
Cự sương là hoa phù dung
Cúc hoa, hoa cúc mùa đông nhuộm vàng
Hoàng diên hoa hiệu Đào Tiềm
Trà my hoa ấy có hiệu Bặc Thiềm của yêu
Cẩm lang có hiệu hoa đào
Xuân đến chốn nào là chốn chăng tươi
Mộc ngưu là hoa bồ ngưu
Anh ninh hoa sói thơm lâu nức đầy
Bật phân là hoa mộc tây
Liễu như hoa liễu hóa bay như bào
Thuần hoa hoa bụt đỏ sao
Có danh hồng cẩn kết vào tràng hoa
Dã lan hoa sứ thơm tho
Cức hoa chiêng chiếng dây leo đầy vườn
Mạt ly hoa nhài nở đêm
Trinh nữ hoa vậy nhỏ bền nữ hoa
Ngọ thì đỏ tốt thay là
Nửa nơi chính ngọ nở ra chẳng lầm
Ưu đàm của ghín hoa sung
Là được hoa ấy bụt trồng phúc cho.
Bổ di
Trạng nguyên, hoa quế
Đông các hoa mai
Yến vỹ hoa lan
Hàm hàm, nụ sen
Phật đầu anh, hoa cúc
Hoa cúc ngũ danh:
Diên thọ hoa, Nữ yến hoa
Ngọc bát hoa, Chính xuân hoa
Hoa chiêng chiếng (hoa mới nảy búp đâm bông).
Qua bài khảo Hán - Nôm này ta thấy được các loại hoa sau: hoa Trạng nguyên - hoa Quế, hoa Mai (còn có tên Đông các), hoa Lan (còn có tên là Yến vỹ) - ở đây hoa lan được coi là quốc hoa của thế kỷ 18, thời đó đã có câu Lan vi vương giả hương/Bất dữ chúng thảo đồng - Hoa Lan có hương của vương giả/Không chung với tất cả các loài hoa khác. Hoa Hải đường, còn gọi là hoa Lụa, Liên hoa - hoa sen, hoa Phù dung, tiếng Hán còn có tên là hoa Cự sương, hoa Cúc, Hoàng diên hoa, hay còn gọi là hoa Đào Tiềm, theo tên của một ẩn sĩ thời cổ yêu thích loại hoa này. Riêng hoa cúc có rất nhiều tên - Phật đầu anh, và năm tên khác: Diên thọ hoa, Nữ yến hoa, Ngọc bát hoa, Chính xuân hoa và tên Nôm hoa chiêng chiếng (chiêng chiếng có nghĩa là mới nảy búp đâm bông, khái niệm này chỉ một loại cúc bông nhỏ, không nở hết, mà trông chỉ như ra nụ). Hoa Bặc thiềm - hoa Trà my, hoa Cẩm lang - hoa Đào, hoa Mộc ngưu - hoa Bồ ngưu, hoa Anh ninh - hoa Sói, hoa Bật phân - hoa Mộc tây, hoa Liễu, hoa Thuần, hoa Hồng cẩn - hoa Bụt (dâm bụt?), hoa Dã lan - hoa sứ, hoa Mạt ly - hoa Nhài, hoa Trinh nữ - hoa Nữ, hoa Ngọ thì - hoa đỏ (hoa Mười giờ?), hoa Ưu đàm - hoa Sung. Tất cả là 19 loại hoa.
Bản thống kê này không nhiều lắm so với thực tế, vì qua các sách thuốc người ta còn kể ra nhiều loại hoa cỏ hơn. Vì dụ cuốn Bản thảo cương mục, một cuốn sách cổ Trung Quốc được người Việt từ lâu biết đến, và các sách y học của Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông. Song 19 loài hoa này được biết dưới góc độ người thưởng lãm hoa, ngắm hoa dịp lễ Tết hay bày biện thường nhật, chứ không phải dùng làm thuốc.
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất