Anh hùng Hồ Giáo: Bên ngoài trang sách

28/01/2013 10:10 GMT+7 | Đọc - Xem


Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có ai trong đời mà hai lần nhận danh hiệu Anh hùng Lao động cho mỗi một việc là nuôi trâu như Hồ Giáo. Người anh hùng nuôi trâu ấy đã từng đi vào trang sách của các nhà văn với tất cả những lung linh ám ảnh.

Trên vai là gánh lốp xe

Cuối năm 2012 vừa rồi, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định giải thể trại trâu Mura ở Hành Thuận huyện Nghĩa Hành, đặt dấu chấm hết cho “bài ca Mura” tồn tại 21 năm tại đây. Đó cũng là lúc Hồ Giáo “về hưu lần thứ 2” ở tuổi 82.

Ông lại trở về ngôi nhà mà vợ chồng ông đã lưu trú ở đó ngót 20 năm qua tại TP.Quảng Ngãi, để mỗi tháng đôi lần, ông lại vượt sông Trà sang bên tả ngạn, lụi cụi thăm quê bằng đôi chân nứt nẻ với hai chiếc dép đã mòn vẹt bởi thời gian.

Cái dáng đi lầm lũi ấy, tôi đã bắt gặp từ 38 năm trước, lúc ông trên đất Bắc trở về quê ông - cũng là quê tôi - sau 21 năm xa cách. Lòng ông ngày ấy nặng trĩu những âu lo sau dặc dài chia cắt còn vai ông thì nặng trĩu mấy chục chiếc lốp xe đạp Sao Vàng - món quà mà ông đã dành dụm suốt những năm sống trên đất Bắc để về tặng bà con.

Ngày đó (1975) có người đã hỏi Hồ Giáo về việc “mang củi về rừng” rất kỳ lạ này, ông thật thà thú nhận rằng, ông nghe người ta nói ở miền Nam mình khổ quá nên chọn lốp xe đạp làm quà. Ai đã từng sống qua những năm tháng thời đất nước gian lao mới thấm thía hết giá trị của mấy chục chiếc lốp xe đạp Sao Vàng trĩu vai Hồ Giáo.

Có lần, hai bác cháu cùng hồi tưởng lại ký ức rong rêu ấy, tôi chợt hỏi ông: “Bác xếp hàng trong bao nhiêu năm để có được từng ấy chiếc lốp xe?”. Ông đưa tay vỗ nhẹ vào trán: “Tôi cũng không nhớ hết, nhưng chủ yếu là mua theo tiêu chuẩn anh hùng qua mỗi lần dự các hội nghị”. Lại hỏi: “Sao bác không để dùng cho chiếc xe đạp của mình?”. Ông Giáo cười xòa: “Tôi có biết đi xe đạp đâu mà để dùng!”.


Tuổi thơ

Hồ Giáo sinh năm 1930 tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tịnh Sơn là vùng quê trù mật ven sông Trà nhưng nhà Giáo không có một tấc đất cắm dùi nên năm lên 12 tuổi, Giáo đành phải đi ở đợ nhà ông xã Hai - một chức sắc của làng, vừa là chủ đất “cò bay thẳng cánh chó chạy ngay đuôi”, để kiếm cơm qua ngày. Công việc hằng ngày của Hồ Giáo là chăm đàn trâu của ông xã Hai sao cho béo tốt.

Ông nhớ lại: “Tôi quá bé, lại gầy còm, trong khi đàn trâu nhà ông Hai thì con nào cũng hăng (hung dữ). Sợ lắm. Nhưng rồi sau một thời gian, mình cũng thuần nó được. Phải biết yêu thương trâu thì nó mới “ngoan” anh à”. Chính lòng yêu thương rất “bản năng” ấy mà Hồ Giáo đã thuần được đàn trâu nhà xã Hai. Kinh nghiệm chăn trâu của thời thơ ấu cơ cực, vô tình đã thành vốn liếng để sau này Hồ Giáo phát huy tối đa và rồi hai lần nhận danh hiệu Anh hùng Lao động cho cái việc mà tưởng như ai cũng có thể làm được ấy.


Chăm đàn trâu mỗi ngày - Ảnh: Trần Đăng

Xã Tịnh Sơn của Hồ Giáo có rất nhiều bờ xe nước nằm dọc sông Trà. Điều đặc biệt của bờ xe nước là không phải tốn một chút nhiên liệu nào mà nước vẫn lên được các cánh đồng. Người ta đã dựa vào nguyên lý lợi dụng sức nước để “dẫn thủy nhập điền” - một công trình thủy lợi độc đáo của người Quảng Ngãi thuở xưa.

Tuy nhiên, điều mà cậu bé chăn trâu Hồ Giáo quan tâm không phải là bờ xe nước ấy cấu tạo như thế nào, làm sao để có thể “kéo” được nước lên khỏi sông mà là dòng nước ấy sẽ vươn tới đâu vào mỗi mùa khô hạn để Hồ Giáo còn có điều kiện cắt cỏ nuôi trâu. “Năm nào sông cạn là nước không theo bờ xe để phủ khắp các cánh đồng, nguồn lương thực cho trâu cũng cạn theo vì không có nhiều cỏ để cắt. Tôi thường “lo lắng” các bờ xe nước mỗi mùa hạ về là vì lý do đó”. Hồ Giáo nhắc lại bờ xe nước không phải bằng một hoài niệm về sự độc đáo của nó mà bằng một “lăng kính nuôi trâu” như thế.

Con trâu đã ám ảnh ông suốt cả tuổi thơ cơ cực nhưng đó cũng là con vật mà ông yêu thương vô cùng. Mãi đến khi ông quăng chiếc roi chăn bò cùng kiếp ở đợ nhà chủ để lên đường theo kháng chiến (1948), con trâu vẫn không buông bỏ ông. Tập kết ra Bắc được 6 năm, Hồ Giáo lại quay về với con vật mà ông hằng yêu mến. Nông trường Ba Vì đón Hồ Giáo sau khi ông rời quân ngũ và “đặt đúng chỗ” cho ông: nuôi bò sữa.

Trong ký ức của một nhà văn

Nhà văn Văn Biển kể: “Tháng 1.1967, tại Đại hội anh hùng - chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc, có một bản báo cáo của anh công nhân nuôi bò sữa ở Nông trường Ba Vì đã thu hút sự chú ý của tôi. Sự chú ý ấy không phải xuất phát từ việc Hồ Giáo là người cùng quê Quảng Ngãi với tôi mà là cái cách “chăm bò sữa” chả giống ai của anh. Tôi đang đắn đo không biết có nên tiếp cận Hồ Giáo hay với một anh hùng nào khác thì chú Đồng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chú của nhà văn Phạm Văn Biển - PV) gọi tôi lại bảo “Biển nên lên Ba Vì để viết về Hồ Giáo”. Thế là tôi lên đường”.

Sau ba tháng “nằm gai nếm mật” với Hồ Giáo tại Ba Vì, nhà văn Văn Biển đã có thiên truyện vừa Cô bê 20 để trình làng với bạn đọc nhỏ tuổi. Thiên truyện chưa đầy 200 trang nhưng có thời đã thành sách “gối đầu giường” của các em thiếu nhi vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước.

Chuyện xảy ra đã gần nửa thế kỷ rồi mà ngỡ như mới hôm qua. Nhà văn hồi tưởng: “Tôi thật bất ngờ khi chứng kiến cảnh ăn ở sinh hoạt của một người anh hùng khi thâm nhập thực tế ở Ba Vì. Hồ Giáo hồi ấy mới ngoài ba mươi nhưng trông anh lọ mọ như một cụ già. Anh luôn kham khổ với chính anh. Tôi còn nhớ, thức ăn chính của chúng tôi hồi đó là những chú cào cào mập mạp mà anh thường đi bắt trên đồng cỏ. Thi thoảng chúng tôi có được “bữa tươi” nhưng lại là nhau của những con bò vừa sinh. Hồ Giáo hầu như chẳng nói năng gì mà chỉ lụi cụi làm. Đó vừa là ưu điểm để mình khắc họa chân dung “im lặng” của họ nhưng cũng rất bất lợi cho nhà văn một khi muốn khai thác chiều sâu nội tâm của nhân vật”.

Tôi hỏi: “Sao lại là Cô bê 20?”. Không vội trả lời câu hỏi của tôi, nhà văn đến bên giá sách, ông lấy một cuốn, lớn hơn bàn tay một chút, nói: “Nó đây nè!”.

Theo Trần Đăng
Thanh Niên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm