Âm nhạc đại chúng Nhật Bản tại Việt Nam (Bài 2): Thiếu chủ trương...

22/10/2014 13:54 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều cá nhân, tổ chức, ban nhạc đại chúng của Nhật Bản đang muốn xuất khẩu ra thế giới (trong đó có Việt nam), nhằm tạo được thanh thế giống như Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc). Thế nhưng, về chủ trương chung, dường như chính phủ Nhật Bản lại không ưu tiên phát triển âm nhạc đại chúng.

Từ Việt Nam, điều này có thể nhận thấy qua các sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản (Japan Foundation) - nơi rõ ràng ưu tiên cho giáo dục, văn hóa nghệ thuật truyền thống, hàn lâm và các thể nghiệm đương đại. Cụ thể là vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2014, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM sẽ có 3 chương trình giới thiệu văn hóa Nhật Bản tại TP.HCM: Ngày hội Việt - Nhật 2014 khai mạc ngày 26/10 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM; triển lãm Vẻ đẹp thủ công mỹ nghệ vùng Tohoku, Nhật Bản từ ngày 31/10 đến ngày 10/11 tại Bảo tàng TP.HCM; LHP Làn gió mới trở lại - Phim truyện và hoạt hình Nhật Bản 2014 từ ngày 13/11 đến ngày 18/11/2014 tại BHD Star Complex Icon 86...


X-Japan - ban nhạc đứng đầu danh sách các ban nhạc rock được yêu thích nhất (2013) nhưng hầu như không gây được tiếng tăm tại thị trường âm nhạc Việt Nam

Tương tự Japan Foundation, Korea Foundation (được dịch là Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc) tại Việt Nam cũng ưu tiên cho giáo dục, dịch thuật, văn hóa nghệ thuật truyền thống, hàn lâm và các thể nghiệm đương đại. Thế nhưng, họ còn có Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc để phụ trách các loại hình nghệ thuật đại chúng như K-pop, K-Drama, K-Film… Korea Foundation thực hiện nhiệm vụ giao lưu văn hóa theo hướng khác với hoạt động của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, đó là các kế hoạch về hoạt động nghệ thuật hợp tác từ hai phía Việt Nam - Hàn Quốc. Hình thức giao lưu văn hóa như vậy không chỉ đến từ một phía và giới hạn trong nghệ thuật đại chúng, mà là hoạt động giao lưu văn hóa cân bằng giữa các bên.

Cũng nên lưu ý rằng: Nhật Bản là quốc gia có tính đồng nhất về sắc dân và văn hóa bậc nhất thế giới, nơi người dân không có nguồn gốc Nhật chỉ chiếm hơn 1% tổng dân số vào năm 1993. Do đó, sức tiêu thụ văn hóa nghệ thuật tại thị trường nội địa sẽ rất lớn, nên các loại hình nghệ thuật đại chúng “từng không mặn mà” với thị trường quốc tế, vốn cách trở về ngôn ngữ.

Hơn nữa, nói đến Nhật Bản khó có thể liệt kê hết những nét tinh hoa đặc sắc của nền văn hóa. Mỗi thể loại văn hóa từ truyền thống đến hiện đại luôn để lại dấu ấn sâu đậm khó quên cho những người đã từng một lần có cơ hội chiêm ngưỡng nó. Sự cuốn hút của các loại hình văn hóa Nhật Bản dẫn đến việc ngày càng nhiều người Việt muốn tìm hiểu và khám phá bản sắc văn hóa truyền thống Nhật Bản. Chính thực tế này cũng có một phần “ngăn trở” khán giả quốc tế ưu tiên đến trực tiếp với các loại hình nghệ thuật đại chúng.

Một số nhà xã hội học về tiêu dùng (ví dụ George Ritzer, Imre Szeman…) cũng chỉ ra rằng với các nước đã quá phát triển như Nhật Bản, nơi rất nhiều nhu cầu đã bảo hòa, thậm chí bảo thủ, thì việc cách tân để lan rộng hơn nữa ra thế giới sẽ khó khăn hơn các nước vừa phát triển. Chính ti-vi Sony đã từng cảnh báo về việc “ngủ quên trong chiến thắng” của mình khi nhìn ra sự đổi mới liên tục của Samsung, LG… Nhìn bề mặt về văn hóa nghệ thuật, rõ ràng sức tiếp thị của Hàn Quốc tại Việt Nam là năng động, trực triếp hơn nhiều nước khác.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm