Âm nhạc đại chúng Nhật Bản tại Việt Nam (Bài 1): Những con đường đơn độc

21/10/2014 13:52 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 29/10/2014 tới, ban nhạc MONO - một đại diện post-rock lớn nhất tại Nhật đã từng lưu diễn hầu khắp thế giới - sẽ đến biểu diễn tại TP.HCM. Dù các nhóm nhạc Nhật Bản muốn làm một cuộc cách mạng về “xuất khẩu” J-pop ra thế giới, nhưng cơ hội của họ tại thị trường Việt Nam vẫn còn là giấc mơ xa vời. Và ngay chính các tổ chức văn hóa của Chính phủ Nhật Bản vẫn ưu tiên cho âm nhạc truyền thống, âm nhạc cổ điển, nghệ thuật đương đại khác hẳn với chính sách của Hàn Quốc đang diễn ra tại thị trường âm nhạc đại chúng Việt Nam.

Việc MONO đến Việt Nam lần đầu tiên đặt giữa nhiều dấu chấm hỏi hơn chấm cảm. Tại sao một nhóm nhạc như vậy lại được chọn, khi người nghe nhạc đại chúng không biết nhiều về họ? Đấy là một câu chuyện dài…

Hatsune Miku, biểu tượng vocaloid và của văn hóa Nhật hiện đại, vừa mới xuất hiện trên show truyền hình Late Night With David Letterman vài ngày trước. Trong khi đó, cách đây hơn một năm, “gã ngố cục mịch” Psy của Hàn Quốc đã nhảy điệu ngựa phi với một Ellen DeGeneres trong talk show đại chúng, đắt khách hơn nhiều.

 Khi Babymetal, kết hợp oái oăm giữa nhóm nhạc nữ thần tượng và heavy metal, chật vật gây sóng gió ở thị trường châu Âu và Bắc Mỹ mùa Hè năm nay, cơn sóng Hàn Quốc đã tưới đẫm các thị trường này trước đó bằng công thức giản đơn: “gợi cảm ăn khách”.


Đại diện post-rock lớn nhất của Nhật hiện nay, sẽ đến biểu diễn tại TP.HCM vào ngày 29/10

Khi X-Japan, nhóm nhạc Nhật Bản nổi tiếng thế giới hiện nay, đang ra sức quảng bá cho buổi diễn vô tiền khoáng hậu ở Quảng trường Madison huyền thoại, thành phố New York, thì dư luận và báo chí trong nước chừng như dành ưu ái hơn hẳn cho sự vụ lục đục của SNSD, một nhóm nữ thần tượng nổi tiếng nhất nhì Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, những hiện diện rõ rệt của văn hóa đại chúng Nhật Bản trước và sau giai đoạn mở cửa vẫn còn khá mờ; và tính đến trước thời điểm này, cũng vẫn vậy. Nếu không phải các loại hình văn hóa truyền thống được ưa chuộng bởi hầu hết quốc gia trên thế giới, thì văn hóa Nhật trong mắt các bạn trẻ ngày nay vẫn còn quá nhiều khoảng trống. Phải chăng con số hơn 10.000 người Nhật sinh sống và làm việc tại Việt Nam so với hơn 100.000 người Hàn Quốc là một chênh lệch rõ ràng về nhu cầu, sức tác động?

Đứng đầu như X-Japan cũng chào thua

Trong một khảo sát ý kiến từ một trang web dành cho cộng đồng yêu thích nhạc rock hồi 2013, thì X-Japan đứng chễm chệ ở vị trí đầu danh sách, khi người xem được hỏi ai là nhóm nhạc Nhật Bản kế tiếp họ muốn xem tại Festival Âm nhạc Go! Go! Japan do Trung tâm Trao đổi văn hóa Nhật Bản (Japan Foundation) tổ chức.

Theo tiêu chí hoạt động, mọi hoạt động xúc tiến, trao đổi văn hóa do trung tâm tổ chức đều cần phải miễn phí. Đương nhiên X-Japan, hay tuyệt đại đa số các cái tên còn lại, vốn thuộc văn hóa Visual Kei do X-Japan khởi xướng (như Gazette, L’Arc en Ciel) hoặc âm nhạc đại chúng như flumpool, ONE OK ROCK đều có xác suất đặt chân đến Việt Nam bằng 0, và càng không thể đến từ nguồn vốn eo hẹp hay nằm trong định hướng của một tổ chức xúc tiến văn hóa. Để làm được điều đó, cần một quá trình dài, một nền móng xây dựng nhất định, và không có một ngoại lệ cho bất kỳ quốc gia nào.

Mỗi khi có một nhóm thần tượng hay một thần tượng từ Hàn Quốc đến Việt Nam, đồng loạt các cỗ máy quảng bá nhỏ hơn lăn bánh, đều đặn: Lotte Mart, Lotteria, Samsung, Tous les Jours, hàng loạt game show và series truyền hình “Made-in Korea”, và mới đây nhất là CGV. Các buổi diễn diễn ra tại các sân vận động quy mô lớn, dàn âm thanh khủng, vé đắt trên trời và hàng loạt thương hiệu tranh phần tham gia, hậu thuẫn mạnh mẽ bởi truyền thông hướng Hàn Quốc và lượng fan đã trưởng thành theo thời gian.

Trong khi đó, Tokyo Girls’ Style, một nhóm nhạc thần tượng trẻ rất nổi trong tay nhà quản lý avex group lừng danh tại Nhật đặt chân đến Việt Nam trong một chương trình miễn phí, thì truyền thông khá ít ỏi. Chương trình được bảo trợ bởi chuỗi cửa hàng bán lẻ Family Mart, và sự đón nhận chỉ gọi được là “ấm”. Thậm chí bi đát hơn, chiến dịch 3 tháng ròng rã của trang Phim Nhật trên Facebook vận động tự phát để công chiếu bộ phim bom tấn Kiếm tâm tuyệt đối không nhận được bất cứ sự chú ý nào từ giới truyền thông trong nước. Và sau nhiều lời từ chối từ các nhà phát hành trong nước và… Hàn Quốc, cuối cùng đã được Lotte, vẫn một thương hiệu Hàn Quốc khác, phát hành vào tháng 12 năm nay.


ONE OK ROCK có những show diễn cháy vé ở các nước trên thế giới nhưng lại “yên ắng” ở Việt Nam

MONO - chuyến đi đơn độc

Không “toan tính” như làn sóng Hàn Quốc, cũng không cảm thấy một nhu cầu vô cùng cấp thiết phải ra sức quảng bá ra khỏi hòn đảo mà ở đó lượng tiêu thụ các sản phẩm nội sinh và ngoại nhập vẫn dồi dào đáng ghen tị, người Nhật gần như rất ít có nhu cầu phải tự quảng bá các sản phẩm văn hóa mình tạo ra. Hay chí ít là âm nhạc: không ngạc nhiên, giữa cái được mô tả là “một hệ thống văn hóa chủ lưu đồ sộ và không dưới 1.000 dòng chảy alternative đối nghịch với nó” (Tom Smith - Japan Underground), số lượng nghệ sĩ Nhật nổi tiếng và được yêu mến ở các thị trường khác theo ngả độc lập, tự thân vận động là một chín một mười nếu đem đi so với lượng các nghệ sĩ xuất dương theo ngả chính ngạch, được các ông bầu và hãng đĩa chống lưng.

Thực tế, nhóm nhạc MONO, đại diện post-rock lớn nhất tại Nhật hiện nay, là một cái tên điển hình của nhóm nghệ sĩ đầu tiên. Cái tên MONO, theo thành viên sáng lập Takaakira Goto, chỉ về sự đơn nhất, là cách nhóm muốn người nghe nhìn nhận về âm thanh họ sinh ra như một thể thống nhất, cho dù nó không khỏi gợi liên tưởng đến niềm bi ai “mono no aware” luôn hiện hữu trong văn hóa Nhật.

Sau hơn 12 năm tồn tại, 8 album, được John Zorn đỡ đầu, được cộng tác với nhà sản xuất xuất chúng Steve Albini (album In Utero của Nirvana), cộng với một mật độ lưu diễn dày đặc đáng ghen tị với bất cứ nghệ sĩ chuyên nghiệp nào, xuất hiện ở lễ hội âm nhạc ngoài trời lớn nhất ở Nhật Fuji Festival, MONO vẫn đi tiếp trên con đường đơn độc họ đã chọn, của những âm thanh giàu sức biểu đạt chứ không cần đến lời ca.

Không phải từ một thương hiệu sang trọng hay một thương hiệu tiêu dùng phổ thông, cũng không trong khuôn khổ một cuộc giao lưu văn hóa do Japan Foundation tổ chức, việc MONO đến Việt Nam lần đầu tiên đặt giữa nhiều dấu chấm hỏi hơn chấm cảm. Tại sao một nhóm nhạc như vậy lại được chọn, khi người yêu nhạc Nhật hầu như rất ít khi nhắc đến họ, người nghe nhạc đại chúng cũng không biết nhiều về họ?

Được mô tả là “chiếc phản lực lao vào một buổi hòa nhạc của Beethoven”, một thứ âm thanh đậm đà chất giao hưởng kết hợp chuyên tay các nhạc cụ phổ thông và các nhạc cụ biên chế dàn nhạc, MONO cũng không được quan tâm trong giới nghe nhạc cổ điển tại Việt Nam. Thực tế, post-rock, dòng nhạc gần nhất có thể mô tả được âm thanh của MONO, lại được phổ biến và yêu thích bởi một nhóm trong cộng đồng nghe nhạc rock luôn tự cho mình cởi mở, nhưng luôn khép mình vào khuôn khổ tự đặt. Ngoài thỏa mãn khả dĩ được nhu cầu thưởng thức âm nhạc, mục đích tối thượng của một kinh nghiệm âm nhạc, có lẽ buổi diễn của MONO sắp tới khó có một mục đích nào khác thỏa đáng hơn, nhất là các mục đích quá thường thấy ở đây khi mà âm nhạc chỉ là một tấm bình phong cho các cuộc chơi nhiều lợi ích khác.

MONO chính là cái tên lọt thỏm trong danh sách khảo sát ý kiến người nghe về nhóm nhạc họ muốn xem tại Việt Nam. Buổi diễn sắp tới của MONO tại TP.HCM (29/10) là lần đầu tiên ở Việt Nam nhưng là lần thứ 3 của nhóm ở Đông Nam Á, thu hút không ít khán giả đón máy bay từ Hà Nội vào xem. Buổi diễn được tổ chức tại Nhạc viện TP.HCM, cũng là một địa điểm nhận không ít ý kiến phản đối khi khác với hình dung của khán giả Việt Nam về thưởng thức nhạc của nhóm. Một nhóm post-rock, hãy còn chữ rock trong đó, với họ là nhạc rock…

Tại Việt Nam, không khí vẫn gần như yên ắng trước những rộn ràng hiếm có của văn hóa Nhật tại Đông Nam Á (và trên toàn thế giới) trong 1 hay 2 năm qua. Đó là khi ONE OK ROCK có những show diễn cháy vé, kể cả trước lẫn sau khi sáng tác của nhóm lần lượt được chọn làm nhạc chủ đề cho cả 3 phần Kiếm tâm (mà vào thời điểm này đang oanh tạc phòng vé châu Á). Đó là khi Tập đoàn Amuse Inc. lần lượt thông báo những show diễn được đón nhận nồng nhiệt của một loạt nghệ sĩ tầm cỡ của Nhật như Perfume, Nana Mizuki…

Giải thích về điều này, phải chăng là do cuộc khủng hoảng kinh tế của chính nền công nghiệp âm nhạc, người Nhật cuối cùng cũng buộc phải năng nổ hơn trước trong việc quảng bá các sản phẩm “nội địa” đóng dấu chất lượng. Ngoài ra, đó còn là sự thiếu vắng khó hiểu những dòng chảy văn hóa mới, đương thời hơn, theo điều tiết mới, cùng hạn chế khơi thông các dòng chảy ngoài những dòng chảy cũ xưa, “truyền thống” về âm nhạc và điện ảnh.

Du lê - Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm