Ấm áp lễ tưởng niệm hai năm ngày mất GS Hoàng Như Mai

04/10/2015 15:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 3/10 tại Tịnh xá trung tâm (21 Nguyễn Trung Trực, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã diễn ra lễ tưởng niệm hai năm ngày mất giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai (1919 - 2013) trong không khí ấm áp.

GS Hoàng Như Mai sinh ngày 26/9/1919 tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, qua đời lúc 15h20 ngày 27/9/2013 tại TP.HCM, thọ 95 tuổi.


Lễ tưởng niệm hai năm ngày mất giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai

Đến dự có đại diện Mặt trận tổ quốc TP.HCM, gia đình, các trường đại học, các văn nghệ sĩ, giáo chức, đồng nghiệp và các thế hệ học trò để truy ân đối với một nhân cách lớn.

“Điều nổi bật trong phương pháp giảng dạy của giáo sư Hoàng Như Mai là ông không bao giờ "lên gân", mặc dù phần văn học ông giảng đụng đến các tác giả được coi là có vấn đề. Tôi nhớ thời đó, trong trào lưu chung người ta vẫn phê thơ của Quang Dũng là có chất uỷ mị tiểu tư sản. Nhưng với Hoàng Như Mai, Quang Dũng hiện lên là một người hào hoa, đáng mến”, nhà văn Hữu Đạt nhận định.


Lẵng hoa của Bí Thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải

Về sáng tác, Hoàng Như Mai viết đa dạng thể loại, trong đó có thơ, nhưng ưu trội nhất vẫn là các vở kịch, ví dụ Tiếng trống Hà Hồi (năm 1948), Dòng sông biên giới (1957), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (1982)…

Về biên khảo, nghiên cứu, công trình của ông rất dày dặn, nhưng nổi tiếng nhất là các sách về cải lương. Ví dụ Trần Hữu Trang - soạn giả ca kịch cải lương (1982), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986)…


Ngoài ra, bộ Văn học Việt Nam hiện đại (1961), Thơ một thời (1989)… của ông đã đóng góp nhiều góc nhìn mới mẻ, tài hoa. Đặc biệt bộ Văn học Việt Nam hiện đại gồm 24 chương, hơn 500 trang, khảo về một giai đoạn rất cần sự nhạy cảm, dũng cảm (1945 -1960).


“Chỉ có điều, khác với nhiều đồng nghiệp, thầy không chỉ viết nghiên cứu phê bình mà còn sáng tác thơ, văn, kịch. Hai con người nghiên cứu và sáng tác thường thì tách bạch, rạch ròi nhưng ở thầy lại có sự hòa hợp, bổ sung tích cực cho nhau. Nhiều bài thơ, kịch bản của thầy ẩn chứa một chiều sâu văn hóa, một tầm suy tư triết lý. Ngược lại, nhiều bài nghiên cứu văn hóa, văn học của thầy lại thể hiện tính phóng khoáng, không hàn lâm kinh viện”. PGS-TS Trần Hữu Tá nhiều lần nhắc lại ý này, lúc thầy Mai 80, 85, 90 tuổi, lúc thầy ra đi; ý kiến này cũng được đồng nghiệp nhắc lại tại lễ tưởng niệm hai năm.


Còn PGS-TS Võ Văn Nhơn thì cho biết: “Giáo sư là một người nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu, một nhà hoạt động văn hóa lớn. Nhưng trên hết, giáo sư là một người thầy lớn của ĐH Quốc gia TP.HCM và của cả ngành giáo dục nước nhà. Thầy đến với giáo dục như một cái duyên tình cờ, nhưng thầy đã gắn trọn đời với ngành giáo dục bởi một tình yêu vô bờ với học trò, với nghề nghiệp, với văn học nước nhà. Thầy hấp dẫn mọi người ở tác phong nghệ sĩ, ở cách phân tích sắc sảo, bởi tinh thần học thuật tự do và nhất là bởi cái tình với văn chương, bởi sự chí tình với học trò”.

Nhìn nhận về sự nghiệp dạy văn tuyệt vời của GS Hoàng Như Mai, TS Nguyễn Hoài Thanh đúc kết: Thầy có một vốn kiến thức uyên bác về văn học và một năng lực thẩm bình, khám phá những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, mới mẻ, những giá trị nhân văn của tác phẩm văn chương. Ông còn là người đương thời, biết rất nhiều những câu chuyện “bếp núc” của văn chương, sở trường, sở đoản của mỗi nhà văn. Ông có một phương pháp giảng dạy riêng. Đó là bắt đầu từ những vấn đề khái quát, khơi gợi ra hướng tiếp cận phân tích, bình giảng rồi lấy những chuyện “bếp núc” của văn chương làm đòn bẩy tạo ra một trường liên tưởng để người học suy nghĩ, khám phá. Thầy cho rằng trước hết người dạy có say mê thì mới có thể khơi gợi được niềm say mê của học trò. Sự truyền cảm mạnh mẽ mà thầy tạo ra bắt đầu từ chính sự rung động thiết tha của thầy trước tác phẩm.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm