Alfred Hitchcock - Hiệp sĩ vàng chưa chạm tượng Oscar (Bài 1)

01/11/2010 07:33 GMT+7 | Phim

Chuyên đề phim kinh dị

Theo thông lệ, sau mùa phim Hè và chuẩn bị khởi động mùa phim Giáng sinh cuối năm, khoảng giữa bao giờ cũng được ưu ái dành cho… kinh dị. Kinh dị luôn là một dòng phim gây mất ngủ nhất Hollywood và đó cũng là dòng chảy mà điện ảnh thế giới bốn phương chưa bao giờ ngừng khai thác. Nhưng có vẻ năm nay mọi thứ không được suôn sẻ lắm khi những bộ phim kinh dị trình làng ít hơn và bản thân các nhà làm phim cũng đắn đo tìm lối đi mới cho dòng phim kinh dị.

Việt Nam thì khác. Chập chững, mới mẻ, những dự án phim kinh dị hiếm hoi được làm bất cứ khi nào có thể, gần nhất là bộ phim chiếu Tết này của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đều được hồi hộp đón đợi.

Chuyên đề tuần này bắt đầu từ một cái nhìn từ Alfred Hitchcock, ông vua kinh dị, người tạo nên một đế chế phim kinh dị trong thế giới điện ảnh; lướt tới hiện tại khi những bộ phim kinh dị của Hollywood và châu Á bắt đầu thoái trào và kết thúc chuyên đề sẽ là một câu chuyện về những bộ phim kinh dị ở Việt Nam từ trước đến nay.

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG


(TT&VH Cuối tuần) - Alfred Hitchcock là đạo diễn duy nhất có tên được đặt cho thể loại phim mà ông đã theo đuổi suốt đời. Người ta dùng chữ Hitchcockian để chỉ loại phim được dàn dựng theo phong cách của ông. Mặc cho những tuyên bố rùm beng về làm phim Hitchcockian (mới gần đây cũng đã xuất hiện “đình đám” ở Việt Nam), thật ra không hề dễ dàng chút nào để chạm được cốt lõi của phong cách ấy...

Có lẽ phim kiểu Hitchcock thuộc loại dễ cảm nhận (đường dây cốt truyện và ý đồ của đạo diễn) khiến người ta nghĩ dễ làm, dễ dựng như mì ăn liền. Hiểu rõ hơn về căn nguyên, cảm nhận, cách xử lý và bước đường sáng tạo của Hitchcock có thể giúp ta hiểu vì sao ông được tôn vinh đến dường ấy.


Phác họa chân dung ông trùm kinh dị Alfred Hitchcock, việc cách điệu đôi môi của ông làm gợi nhớ tới bộ phim kinh điển The Birds.

Một sự nghiệp đồ sộ


30 năm sau khi Hitchcock mất (1980) vẫn hiếm có đạo diễn nào đạt được tầm ảnh hưởng đến dường đó. Những đột phá của Hitchcock về kỹ thuật dựng phim, kỹ thuật quay, màu sắc, âm thanh, nhạc nền đã trở thành chuẩn mực của nền điện ảnh. Kể từ năm 1920 khi ông bước chân vào nền công nghiệp điện ảnh, hay có thể tính từ 1925, khi ông chính thức đạo diễn bộ phim đầu tiên, Hitchcock như chưa bao giờ ngơi nghỉ. Hơn 60 bộ phim điện ảnh, một số loạt phim truyền hình, viết kịch bản cho 22 phim do chính mình đạo diễn, đó là gia tài mà bất cứ nhà làm phim nào cũng phải thèm muốn.

Từ khi khởi nghiệp đạo diễn năm 26 tuổi cho đến cuối thập niên 1930, ông vẫn giới hạn bước chân của mình ở Cựu lục địa. Những bộ phim “kỳ quái” của ông bắt đầu gây sự chú ý và chỉ trong 4 năm, tên của ông đã trở thành nhãn hiệu đảm bảo ăn tiền cho phòng vé. Đáng chú ý có phim Blackmail là phim đầu tiên của Anh được lồng âm thanh, phim The man who knew too much (Người đàn ông biết quá nhiều) khá quen thuộc với khán giả Sài Gòn trước 1975 với diễn xuất của Doris Day và bài hát chính Que Sera Sera.

Năm 1940, ông tiến về Hollywood và làm bộ phim đầu tiên từ tiền vốn của người Mỹ, phim Rebecca. Kể từ đó, sự nghiệp của ông được chắp cánh bay cao thêm với một loạt tác phẩm điện ảnh như Shadow of a doubt (Bóng tối của sự nghi ngờ - tác phẩm ông ưng ý nhất), Vertigo (Henry Fonda thủ vai chính), Spellbound (Mê hoặc – với sự cộng tác của hoạ sĩ siêu thực nổi tiếng Salvador Dali đảm nhận thiết kế bối cảnh phim). Và đặc biệt là hai bộ phim được xem là mẫu mực của thể loại phim kinh dị Psycho (Tâm thần) và The birds (Loài chim). Hai phim trên còn đánh dấu sự cộng tác của Hitchcock với nhạc sĩ Bernard Herrmann đã mang lại hiệu ứng không ngờ. Người xem không thể nào quên âm thanh của cây violon như cào rách không gian khi tên giết người đâm dao loạn xạ.

Đầu thập niên 1950, ảnh hưởng của Alfred Hitchcock lan tỏa ngược về Châu Âu và dẫn đến một kết quả mà chính ông cũng không thể ngờ. Ở Pháp, tác giả kịch bản được xem trọng nhiều hơn đạo diễn bởi quan điểm thời ấy xem điện ảnh cũng như một tác phẩm văn học. Các nhà phê bình không đồng ý, họ đem phim của Alfred Hitchcock ra để chứng minh rằng đạo diễn mới chính là tác giả của phim, bởi căn cứ trên kịch bản họ mới sáng tạo ra hình ảnh, ngôn ngữ, tiết tấu của câu chuyện. Đây là khởi đầu của Làn sóng mới của Pháp với những Francoise Truffaut, Jean Luc Godard, Eric Rohmer…

Vài “nhãn hiệu cầu chứng” của Ngài Hitchcock

Một số đặc trưng của phim Hitchcock thường được thấy lặp đi lặp lại qua vài ba phim do ông làm đạo diễn. Cho đến nay, người ta vẫn thấy thoáng đây đó những thủ pháp ấy trong các bộ phim kinh dị, ly kỳ từ Âu sang Á.

Một điểm khá thú vị là Hitchcock cực kỳ thích chọn diễn viên nữ chính tóc vàng. Trong đó, nổi tiếng nhất là Ingrid Bergman và Grace Kelly. Cũng như trường hợp của nhiều đạo diễn tài danh, một số diễn viên đóng phim của ông đã thành danh, thậm chí đoạt giải Oscar.


Alfred Hitchcock khi đang đạo diễn bộ phim bất hủ của ông, Psycho (Tâm thần)
Phim của ông hay sử dụng mô-típ về một người vô tội bị kết tội và đuổi bắt (bởi kẻ ác, thậm chí bởi chính quyền). Trong một số trường hợp, nạn nhân còn bị giới hạn hành động trong nguyên nhân, môi trường khách quan nào đó. Như trong phim Lifeboat (Thuyền cứu hộ), nhóm người đã phải sinh tồn trong không gian là chiếc thuyền cứu hộ. Hay trong phim Rear Window (Cửa sổ hông), nhân vật chính bị liệt. Gần đây Shia Labeouf đóng trong phim Disturbia được dựng lại theo Rear Window và cũng bị giới hạn bằng cách không thể rời khỏi khuôn viên nhà do bị án phạt trẻ vị thành niên.

Bóng tối và mọi điều kiện che lấp đi ánh sáng được Hitchcock sử dụng triệt để. Bóng đèn đang sáng choang bỗng dưng tắt phụt, khói thuốc mờ mịt che lấp cả khung hình… kết hợp với âm thanh kẽo kẹt khiến người xem căng thẳng đến tột cùng.

Phân tâm học trên đà phát triển của lĩnh vực tâm thần học ở Hoa Kỳ cũng trở thành một đặc trưng của phim Hitchcock. Theo sát lý thuyết của Freud, ảnh hưởng của tính dục và các sang chấn tâm lý thuở bé của con người được ông khai thác khá sâu. Trong nhiều phim, thậm chí trở thành đường dây chính của kịch bản. Dù ngày nay lý thuyết của Freud đã được khai phá, mở rộng hơn rất nhiều so với thời của Alfred Hitchcock nhưng các nhà làm phim vẫn chưa có ý định đưa ra lý giải chuẩn mực hơn những gì ông đã làm từ năm 1960. Người đàn ông đa nhân cách giết người hàng loạt của Psycho có vẻ như đã trở thành “thần tượng” của hàng trăm bệnh nhân khác, để họ mọc lên như nấm sau mưa trong vô vàn bộ phim.

Tinh xảo dưới lớp vỏ lững thững

Mạch phim của Hitchcock thường không nhanh, nhiều khi còn chậm đến mức đáng ngờ. Ông ngụ ý nhiều hơn những gì phô bày, và đây là cốt lõi của cái phương pháp khiến người xem lạnh xương sống. Hitchcock cung cấp cho ta một chi tiết tưởng chừng như bâng quơ và tâm trí của ta điền nốt vào phần còn lại.

Phong cách này không chỉ thể hiện khả năng kiềm chế khôn ngoan của Hitchcock, nó còn là một chiến thuật của ông. Phim của Hitchcock ra đời trước khi có hệ thống xếp hạng phim, và do đó là đối tượng kiểm duyệt của Luật Hays. Vì vậy, Hitchcock ráp nối những câu chuyện về nỗi ám ảnh, giết người, và khao khát tình dục bằng cách ám chỉ. Dù vô tình hay hữu ý, điều này cũng đã mang lại cho phim nhiều ý nghĩa hơn sự phô bày trần trụi.

Một cảnh trong phim Saboteur cho thấy nhân vật cầm một hộp đựng phim và đi khắp nơi trong khi khán giả biết rõ trong chiếc hộp ấy chứa một quả bom. Cứ mỗi giây đồng hồ trôi qua khán giả lại thót tim chờ quả bom vụt nổ. Nếu các nhân vật trong phim không biết có 1 quả bom mà khán giả lại biết rất rõ, ta gọi đó là ly kì, hồi hộp. Nhưng nếu cả khán giả lẫn nhân vật trong phim cũng không biết quả bom ấy, đó chỉ là bất ngờ khó đoán. Với bất ngờ, ta giật mình trong 1 giây, với hồi hộp, tim ta gia tốc nhảy dựng nhiều phút.

Sự mơ hồ và trí tưởng tượng của khán giả đóng một vai trò đáng ngạc nhiên trong quá trình này. Nghe có vẻ đơn giản nhưng cần có một nhà làm phim thật sự giỏi để nêu bật lên được. Ngày nay, những nhà làm phim tự gọi là Hitchcockian có nhiều. Có vẻ như chỉ một ít trong số này vượt qua giai đoạn bất ngờ để đi đến mức hồi hộp.

Nếu còn một điều gì khiến ta cảm thấy chưa thỏa đáng ở Alfred Hitchcock, có thể là một giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất. Một đời ông miệt mài làm phim cho đến trước khi qua đời vẫn còn dự án dang dở nhưng ông chưa bao giờ chạm được tượng vàng danh giá ấy. Tước hiệp sĩ do Hoàng gia Anh ban tặng vài tháng trước khi chết có lẽ là một an ủi. Nhưng những tôn vinh của khán giả qua 3 thập kỷ vẫn không phai nhạt chính là phần thưởng đẹp nhất dành cho nhà đạo diễn. Năm 2009, độc giả báo Daily Telegraph bầu ông là đạo diễn vĩ đại nhất của Anh. Tờ báo đã dành cho Hitchcock những lời có cánh: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Hitchcock đã làm nhiều hơn bất kỳ đạo diễn nào khác để định hình nền điện ảnh hiện đại. Nền điện ảnh này hẳn sẽ khác nhiều lắm nếu thiếu vắng ông”.

Đón đọc Bài 2: Phim kinh dị có còn kinh dị?

Lê Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm