Ai thay thế được Sơn Nam?

29/12/2012 06:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Câu hỏi này đã được tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ đưa ra tai buổi tọa đàm nhân dịp 50 năm tác phẩm Hương rừng Cà Mau của cố nhà văn Sơn Nam được ấn hành.

Ai có thể thay thế được nhà văn Sơn Nam trong đề tài viết về “văn minh miệt vườn” hiện nay? Những nhà văn Nam bộ như Nguyễn Ngọc Tư có thể lấp đầy khoảng trống khi vắng bóng Sơn Nam?

Từ một truyện ngắn hay về thời đi học

Tại buổi tọa đàm, hầu như ai cũng nhắc đến truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư của nhà văn Sơn Nam in lần đầu năm 1962 do NXB Phù Sa ấn hành. Truyện ngắn này có gì mà các thế hệ người đọc nhắc đến nhiều đến vậy? Xin tóm lược Tình nghĩa giáo khoa thư còn mấy dòng, như sau: “Thầy phái viên của báo Chim trời đi đòi tiền bạn đọc mua báo… nợ. Do trình độ học vấn khác nhau, người mua báo nợ học hành dở dang tên Trần Văn Có không thể hiểu những điều cao siêu đọc được ở báo Chim trời. Tuy nhiên, sau một đêm thầy phái viên ngủ ở nhà độc giả Trần Văn Có, hai người hiểu và yêu thương nhau nhờ thời sơ đẳng cùng học chung một cuốn sách giáo khoa: Quốc văn giáo khoa thư”.



Nhà văn Nguyễn Đông Thức cho rằng, cộng Nguyễn Ngọc Tư và nhiều nhà văn hiện nay viết về “Văn minh miệt vườn” cũng không thể bằng Sơn Nam.

Quốc văn giáo khoa thư là cuốn sách có thật đã được học qua nhiều thề hệ người Việt do Trần Trọng Kim, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn. Một bài học trong Quốc văn giáo khoa thư đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng, với các câu mở đầu: Ai bảo chăn trâu là khổ/ Chăn trâu sướng lắm chứ.

Tình nghĩa giáo khoa thư được nhà văn Sơn Nam viết in trong tập Hương rừng Cà Mau nhẹ nhàng mà sâu đượm. Tình nghĩa đó có được giữa hai con người cách biệt về lối sống, đẳng cấp được nhà văn nối liền nhờ Quốc văn giáo khoa thư – những bài học hay nhất dành cho thuở trong sáng nhất của đời người từng học.

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh trong cuốn sách Nhân trường hợp chị thỏ bông tập hợp những bài từng in trên TT&VH có đề cập đến cuốn sách giáo khoa này và truyện ngắn vừa nêu của Sơn Nam. Chắc chắn rằng, thế hệ nhà văn Phan Thị Vàng Anh chưa được học Quốc văn giáo khoa thư, nhưng thế hệ cha chị - nhà thơ Chế Lan Viên đã từng học. Nhiều người cho rằng cuốn sách giáo khoa thuở “đồng ấu” này là một trong những cuốn sách hay nhất để dạy học trò và truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam cũng là một truyện hay nhất viết về những người từng đi học chữ.

Nguyễn Ngọc Tư = Sơn Nam?



Bản in Hương rừng Cà Mau lần đầu năm 1962

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, người đã ký về việc mua bản quyền các tác phẩm của Sơn Nam vĩnh viễn đặt câu hỏi: “Sau khi nhà văn Sơn Nam qua đời, liệu có ai thay thế được ông trong văn học viết về “văn minh miệt vườn”? Tiến sĩ Nguyệt trả lời luôn: “Theo tôi chỉ có Nguyễn Ngọc Tư có thể làm điều đó!”.

Có lẽ vì quá yêu mến nhà văn Sơn Nam và kỳ vọng vào sự tiếp biến của văn học Nam bộ nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, nên tiến sĩ Quách Thu Nguyệt khẳng định điều đó. Nhà văn Nguyễn Đông Thức “phản biện” một cách nhẹ nhàng nhưng như “đinh đóng cột”: “Cả đêm trước khi diễn ra buổi tọa đàm về 50 năm Hương rừng Cà Mau, tôi đã thức đọc lại cuốn sách này của “ông già”. Càng đọc tôi càng thấy kính nể “ông già” quá, tôi bây giờ hơn 60 tuổi đời, không biết quỹ thời gian còn lại có đủ sức để viết được như “ông già” không?”.

Tại buổi tọa đàm có mặt nhà văn Nguyễn Trọng Tín – một trong nhiều đàn anh của nhà văn thời danh Nguyễn Ngọc Tư - tác giả Ngọc trong đá Nguyễn Đông Thức nói chắc như “cóc cắn”, rằng: “Xin lỗi anh Nguyễn Trọng Tín, anh Võ Đắc Danh và chị Nguyễn Ngọc Tư, theo tôi cộng cả các anh chị lại khi viết về “văn minh miệt vườn” cũng không thể so với “ông già” Sơn Nam”.

Tất nhiên ý kiến của nhà văn Nguyễn Đông Thức chỉ là ý kiến đáng suy ngẫm của một nhà văn danh tiếng và sự so sánh nào cũng khập khiễng. Cũng như chúng ta đem thơ lục bát của Nguyễn Bính, Nguyễn Duy… so với lục bát Truyện Kiều của Nguyễn Du vậy. Xin không bàn thêm.

Tại buổi tọa đàm, nhà giáo Đinh Công Tâm, một người ngưỡng mộ nhà văn Sơn Nam đã trao tặng NXB Trẻ các cuốn sách Hương rừng Cà Mau in trong các năm: bản in lần đầu năm 1962 do NXB Phù Sa thực hiện, 1967 của NXB Trí Đăng và 1972 của NXB Lá Bối. Có thể nói đây là những bản sách quý hiếm của Hương rừng Cà Mau với nguyên gốc gồm 18 truyện và biên khảo. Đến nay, Hương rừng Cà Mau viết về “văn minh miệt vuờn” đã phát triển thành 66 truyện ngắn gấp bốn lần ban đầu.

Phát động giải thưởng văn học Sơn Nam

Tại buổi tọa đàm, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển – tác giả Thu hát cho người – từng dạy học ở miền Tây Nam bộ đã xúc động kể về những kỷ niệm khi đọc Hương rừng Cà Mau. Vũ Đức Sao Biển đã hát ca khúc do chính ông phổ nhạc bài thơ mở đầu Hương rừng Cà Mau.

Nhân dịp 50 năm Hương rừng Cà Mau, NXB Trẻ liên kết với các nhà sách lớn trên toàn quốc giảm giá 50% các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam trong 50 ngày (đến 17/2/2013). Đồng thời giải thưởng văn học viết về Nam bộ mang tên Sơn Nam cũng được NXB Trẻ phát động với sự ủng hộ của gia đình nhà văn. Được biết, trang web nhavansonnam.com do bác sĩ Lộc – chủ nhà sách ahabook.vn – lập ra trong dịp này để lưu trữ tất cả tư liệu về Sơn Nam cho người yêu quý ông.


Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm