700m Vạn Lý Trường Thành bị "xẻ thịt"

20/10/2011 11:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Việc khai thác than bừa bãi ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, đã làm sụp đổ một phần Vạn Lý Trường Thành. Thực trạng này đang rung lên hồi chuông báo động kêu gọi bảo vệ một trong những di sản nổi tiếng nhất của Trung Quốc và là di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận từ năm 1987.

Phần tường bị sụp tọa lạc ở khu vực hẻo lánh gần huyện Lai Nguyên, tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 200 km về phía Tây Nam. Khu vực này có hơn 10 mỏ than nhỏ, trong đó một số mỏ khai thác than chỉ cách bức tường có niên đại nhiều thế kỷ này khoảng 100m.

Người dân làng và các nhà chức trách văn hóa địa phương cho biết, khoảng 700m Vạn Lý Trường Thành, được Hoàng đế Vạn Lịch xây dựng trong đời Minh (1573-1620), đã bị sụp đổ, trong khi nhiều đoạn tường khác sẽ tiếp tục bị sụp nếu như việc khai thác than vẫn tiếp tục diễn ra một cách lộn xộn.

“Đoạn tường này, được xây trong đời Minh, bị sụp đổ thật sự là điều đáng tiếc” - Guo Jianyong, kỹ sư lâu năm tại Viện Nghiên cứu Kiến trúc cổ thuộc tỉnh Hà Bắc nói.

Như tằm ăn lá

Theo tư liệu lịch sử, Vạn Lý Trường Thành bắt đầu được xây dựng từ thời Chiến Quốc (475-221 trước Công nguyên). Trải qua nhiều thế kỷ, Vạn Lý Trường Thành đã được xây dựng thêm ở các khu vực thưa thớt nhưng mang tính chiến lược để phòng ngự trước các cuộc xâm lược của các bộ lạc phương Bắc.

Một đoạn Vạn Lý Trường Thành ở tỉnh Hà Bắc

Dấu tích của Vạn Lý Trường Thành, chủ yếu được xây dựng trong đời Minh, hiện còn hơn 6.700 km, trải dài từ Đông Bắc Trung Quốc tới các tỉnh và khu vực Hà Bắc, Thiên Tân, Bắc Kinh, Sơn Tây, Nội Mông, Thiểm Tây, Ninh Hạ và Cam Túc.

Nhiều năm trở lại đây, đã có nhiều báo cáo về tình trạng khai thác than bừa bãi làm hại tới đoạn Vạn Lý Trường Thành ở Nội Mông - khu vực tập trung nhiều mỏ than của Trung Quốc. Còn ở Hà Bắc, các chuyên gia bảo vệ văn hóa cho biết, hiện chỉ có khoảng 20% phần tường của Vạn Lý Trường Thành được đánh giá là “còn tốt hoặc được bảo tồn khá tốt”, còn hơn 70% đã bị nứt, nền đất không vững hoặc sắp bị sụp.

Zhou Jinjun, Phó trưởng Ban Tài nguyên của huyện Lai Nguyên, cho biết khu đất dưới chân đoạn Vạn Lý Trường Thành ở huyện Laiyuan có rất nhiều đồng, sắt và nickel. “Lóa mắt” trước lợi nhuận nên nhiều mỏ khai thác than nhỏ đã “mọc” ra mặc dù đã bị chính quyền địa phương cấm. Đáng nói nữa là một đoạn Vạn Lý Trường Thành ở huyện Chongli, tỉnh Hà Bắc, đã bị một công ty khai thác than phá bỏ để làm đường xây dựng.

Theo ông Zhou, các nhà thi hành luật rất khó đóng cửa được các mỏ than đó bởi các “cai mỏ” có nhiều thủ đoạn tinh vi để “che đậy” các hoạt động khai thác thổ phỉ.

“Khoét ruột” tường thành

Năm 2006, Hội đồng Quốc gia đã ban hành quy chế bảo vệ Vạn Lý Trường Thành, qua đó nghiêm cấm người dân lấy đất hay gạch từ bức tường, cấm trồng cây, khắc hình hay xây dựng bất cứ công trình gì có thể xâm hại tới tường thành. Song thực tế, các lệnh cấm ít có hiệu lực ở các vùng hẻo lánh.

“Chúng tôi không biết lòng đất ở khu vực gần Vạn Lý Trường Thành đã rỗng từng nào. Không thể đoán trước được việc khai thác than gây ảnh hưởng tới di sản này ra sao” - ông Guo nói. Theo ông, Ban Di sản văn hóa của huyện Lai Nguyên khó thi hành được các quy định bảo vệ di sản văn hóa vì nguồn kinh phí thấp, không đủ nhân viên và thiết bị để giám sát một cách hiệu quả.

Đoạn tường Vạn Lý Trường Thành ở Lai Nguyên dài 123 km, nhưng huyện này chỉ có một nhóm bảo vệ gồm 7 người. Hầu hết 40 huyện ở tỉnh Hà Bắc cũng đang đối diện với tình trạng tương tự.

Việt Lâm (theo Tân Hoa Xã)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm