'Sử quan' Dương Trung Quốc: Hơn một thập niên giữa nghị trường

28/05/2015 13:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tóc bạc, ria bạc, đến cả cặp lông mày trên gương mặt nhà sử học Dương Trung Quốc cũng tuyền một màu bạch kim. Nhưng, bên cạnh nhân dạng ấy, người ta nhớ đến ông còn bởi bằng những ý kiến và quan điểm thông tuệ, thẳng thắn trong những vấn đề thời sự nóng nhất.

Chẳng vậy, những người theo dõi thời sự Quốc hội đã truyền miệng câu khẩu ngữ về 4 cái tên thường xuyên "hâm nóng" nghị trường: "nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc". Bây giờ, ở tuổi 68, chỉ "tứ Quốc" là còn đương nhiệm, trong khi các đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng đã hết nhiệm kỳ.

“Gương mặt được yêu thích” của truyền thông

Thực ra, như nhận xét của GS Nguyễn Minh Thuyết, một Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) nổi tiếng khác, câu khẩu ngữ ấy tuy hay nhưng cách đặt vần lại khiến nhiều người hiểu lầm. Ông Quốc không bị xếp cuối về năng lực phản biện trong "bộ tứ". Thậm chí, với lối diễn đạt khá sâu sắc và hấp dẫn, nhà sử học 68 tuổi này lại là gương mặt rất được yêu thích của giới truyền thông.

Một ví dụ: trong cơn lốc phản ứng về vụ việc Vinashin năm 2013, nhận xét của ông Quốc được hầu hết các tờ báo trích đăng bởi sự dí dỏm, cũng như cách khái quát vấn đề. Ông bảo: "Vinashin đã là thảm họa. Nhưng, nguồn gốc của thảm họa ấy là Vinacho và...Vinachia. Sự thỏa hiệp ngầm, thỏa hiệp đen để bòn rút tài sản Nhà nước mới là điều đáng ngại, là khởi nguyên của câu chuyện này".


Chân dung nhà sử học Dương Trung Quốc

 

Hoặc, một câu chuyện nhỏ khác: Ngồi ăn sáng ở phố Lò Đúc, ông thấy một chị bán nhãn bị giằng co rồi xô ngã, khi dân phòng xua những gánh hàng rong trên vỉa hè. Bước tới, đề nghị anh dân phòng đối xử chừng mực với dân, nhà sử học này nhận được tiếng quát: "ĐBQH thì cũng ra chỗ khác". Sau này, lãnh đạo công an phường chuyển lời xin lỗi muộn và phân bua: "anh em không biết bác Quốc là ai nên mới thế". Ông lắc đầu, bảo câu ấy sai, bởi dù là "bác Quốc" hay là một người bán hàng rong bình thường, người dân vẫn cần nhận được cách đối xử lịch sự và có văn hóa cho mình.

Chuyện nhỏ đến chuyện lớn, người ta vẫn trông chờ từ Dương Trung Quốc những lời phản biện như thế. Cũng như trông chờ những lời nhận xét khá cởi mở và cấp tiến, nhưng lại trọn vẹn cả lý lẫn tình. 14 năm trước, khi nguyên tổng thổng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu qua đời, một hãng truyền thông quốc tế đề nghị ông Quốc "có lời" và nhận về câu trả lời khá nhẹ nhàng: "Người Việt Nam có câu nghĩa tử là nghĩa tận. Trong lúc này, nếu không nói được điều gì tốt đẹp, chúng ta cũng nên dành sự im lặng cho người nằm xuống".

Ông từng kể về chuyến thăm nước Mỹ trong năm 2014, về lời tâm sự rất chân tình với cộng đồng người Việt tại đây rằng muốn thật sự hiểu nhau, thật sự đến với nhau thì cần cùng cởi bỏ những rào cản thành kiến từ hai phía...

Những dấn ấn trong đời sống hiện tại

Quần bò, áo phông và chiếc ba lô trên vai, ông Quốc xuất hiện rất nhiều tại các sự kiện của giới trẻ. Và ngược lại, người ta cũng hiếm thấy một sử gia nào tạo được sức hút với học sinh, sinh viên như ông, qua những nhận xét dẫn dắt từ lịch sử tới hiện tại của mình.

Chẳng hạn, chỉ cần một câu chuyện về chuyến sang Pháp của phái đoàn Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỷ XIX, cùng những ý tưởng canh tân của nhân vật lịch sử này, ông Quốc đưa ra kết luận: khi đã vượt qua óc bảo thủ cố hữu, người Việt thường hào hứng và hấp thụ cái mới rất nhanh. "Các bạn trẻ cũng vậy, cũng cần học cách tự dấn thân để ra biển lớn" – ông nói. "Đã đành, ao làng nhỏ khiến đôi khi chúng ta bị ngợp. Nhưng, có dũng cảm bước ra biển, các bạn mới biết mặn ngọt, nông sâu thế nào, mới hiểu chúng ta cần thêm những gì cho tương lai".


Ông Dương Trung Quốc tham gia Hành trình Phổ Truyền sách đổi đời tại Đắk Lắk

 

Một lần, trò chuyện với Thể thao & Văn hóa, ông bảo mình chưa bao giờ nghĩ nhiều tới khái niệm "chính khách", cho dù những ý thức về chính trị đều luôn tiềm ẩn trong tâm thức của mỗi người. Nhưng, trước khi nhìn tới những điều quá xa vời, người ta vẫn có thể lượng hóa được kha khá những dấu ấn mà ông Quốc để lại trong đời sống hiện tại. Từ câu chuyện của ông về những học sinh khiếm thính trang trọng hát Quốc ca "bằng tay", phong trào hát Quốc ca trực tiếp – thay vì "ỷ lại" vào băng đĩa nhạc – được đẩy lên cao. (Với khởi điểm chính là... những phiên khai mạc và bế mạc tại kỳ họp Quốc hội). Rồi, sau những ý kiến gay gắt của ông về việc lạm dụng các pho tượng sư tử đá Trung Quốc tại đô thị, cả một chiến dịch thay thế những hiện vật này bằng các mẫu tượng "thuần Việt" được triển khai trong năm 2014...

Trước khi là ĐBQH năm 2002, ông Quốc là một nhà sử học. Và đến giờ, ông vẫn là một nhà sử học, với tổng cộng 45 năm làm việc trong chuyên ngành này. Cho dù, khá nhiều người ngạc nhiên khi suốt gần nửa thế kỷ, ông Quốc không bỏ thời gian để "nâng cấp" tấm bằng cử nhân của mình. Không học hàm, học vị, tất nhiên ông không trở thành một quan chức nhà nước khi còn làm việc tại Viện sử học. Danh hiệu Tổng thư kí Hội sử học, cũng như chức danh "ông nghị", xét theo lý thuyết, vẫn là đến từ sự bầu chọn của cử tri hoặc đồng nghiệp trong ngành.

Trong câu chuyện truyền miệng của báo giới, người ta kể rằng ông Quốc có lần tự kí thêm chữ "KGS", nghĩa là không giáo sư, khi viết bài cho một tờ báo vẫn hay nhầm lẫn, tự "gán" cho ông chức danh Giáo sư sử học. Hỏi về chuyện thực hư ấy, ông chỉ cười, bảo rằng tấm bằng cử nhân đã là đủ với mình. Rồi kể về lần vào nghĩa trang Mai Dịch, bắt gặp ngôi mộ chỉ ghi vắn tắt một dòng "cụ Hoàng Đạo Thúy". Nghe nói, học giả ấy khi mất cũng muốn ghi đúng 3 chữ tên mình trên bia mộ, còn chữ "cụ" là những người xung quanh tự thêm vào.

Dường như, cái tính tưng tửng, không cần bằng cấp thi cử, nhưng cái gì cũng sành, cũng tài hoa thường được gán cho những người Hà Nội trong thời Pháp thuộc. Ông Quốc sinh ở Hà Nội, mẹ là một phụ nữ nhiều đời sống tại phố cổ Hàng Đường. Nhưng, ít ai biết, quê quán Bến Tre trên giấy tờ, cũng như cái tên "Dương Trung Quốc" rất đặc biệt của ông, đến từ người cha, liệt sĩ Dương Trung Hậu, hy sinh khi bảo vệ Thủ đô vào mùa đông 1946 – thời điểm ông Quốc còn chưa ra đời.

Ông Dương Trung Quốc sinh năm 1947, tốt nghiệp khoa sử ĐH Tổng hợp Hà Nội, hiện đang là Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử VN và tổng biên tập tạp chí sử học "Xưa và nay".

Từ năm 2002 đến nay, ông liên tục là Đại biểu Quốc hội trong 3 khóa XI, XII, XIII. Ông Dương Trung Quốc cũng đã tham gia và đồng hành với Hành trình Vì Khát Vọng Việt diễn ra từ 2012 đến nay.

 

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm