3 trong 1 = quả bom

15/06/2011 07:10 GMT+7 | Văn hoá

Nghệ sĩ biểu diễn anh là ai?

Xem chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2010 mới biết “hoàng tử sơn ca” - ca sĩ Quang Vinh chưa bao giờ học… nhảy. Và Quang Vinh chắc chắn không phải là ca sĩ duy nhất ở Việt Nam không biết nhảy. Bên sân khấu, điện ảnh cũng không khác là bao, dù ban giám khảo của cuộc thi này năm ngoái có tới hai đạo diễn điện ảnh (cá với bạn rằng cả hai cũng… không nhảy bao giờ!).

Ở ta, chuyện này không làm ai ngạc nhiên, vì xưa nay ca sĩ thì chỉ cần biết hát, diễn viên điện ảnh chỉ cần biết diễn xuất trước ống kính (kể cả tiếng nói cũng không quá quan trọng, vì nếu cần, đã có người lồng tiếng cho), là đủ. Ngược lại, chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc và thán phục khi biết tất cả các bài hát “kinh điển” trong phim Mama Mia đều do chính các diễn viên, từ những “siêu sao” như Meryl Streep hay Pierce Brosnam đến cô diễn viên trẻ Amanda Seyfried trình bày…

Từ lâu, khái niệm Nghệ sĩ biểu diễn (artist) đã tồn tại trong thế giới showbiz, bước ra khỏi những hình ảnh mang tính chuyên biệt trước đây như ca sĩ (singer), vũ công (dancer) hay diễn viên kịch nghệ (actor/actress)… Còn ở Việt Nam, nó chỉ mới bắt đầu.

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG

(TT&VH Cuối tuần) - Tháng 10.2010 khi tờ Time công bố danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới thì người ta thấy Lady Gaga đứng ở vị trí thứ 5. Lý do Time chọn Gaga bởi cô là nghệ sĩ biểu diễn hay nhất thế giới. Có thể điều này làm nhiều người khó chịu, còn rất nhiều tranh cãi nhưng ở bản thân mình, Lady Gaga chẳng bất ngờ tí nào.

Tổng quan


Trở thành một hình tượng riêng cộng thêm kỹ năng ca hát, vũ đạo, diễn xuất trên sân khấu đã đưa Lady Gaga trở thành nghệ sĩ biểu diễn thành công nhất hiện nay.


Đánh giá tổng quan sự thành công của Lady Gaga gồm những yếu tố sau: Hát, sáng tác, vũ đạo. Khi Lady Gaga hát, quả thực giọng hát của cô chẳng khác biệt lắm với những tài năng còn lại (vì đúng ra phải nổi trội và khác biệt hẳn). Những sáng tác của cô cũng bình thường (trong chuyện này nên đề cao nhà sản xuất âm nhạc của cô hơn). Và khi Gaga nhảy, đẹp đấy nhưng khó mà đọ được với Michael Jackson ngày xưa. Và nếu bạn tách cả 3 phần ấy thành 3 phần độc lập thì hãy quên đi, có thể Lady Gaga bây giờ đang đi dạy ở một trung tâm nào đó về vũ đạo cho sinh viên. Tách cô ấy hẳn thành 3 phần thì Lady Gaga chẳng đọ được với ai. Nhưng khi bạn hòa cả 3 thứ ấy thành một thì đó sẽ là một quả bom thật sự vì chẳng cần phải đợi lâu bởi sân khấu sẽ bị nổ tung bởi màn trình diễn của “Nghệ sĩ biểu diễn” Lady Gaga.

Trang eHow, trong phần giải thích vì sao Lady Gaga thành công đã nhấn mạnh rằng “Bạn cần phải nhớ Nghệ thuật là một sự biểu hiện không thể xác định điểm tới của sáng tạo và khi bạn dung hòa được tất cả các kỹ năng từ giọng hát, ca khúc, trình diễn, vũ đạo bạn sẽ được nhận ra. Ở Lady Gaga, cô ấy đã đưa những kỹ năng ấy lên tầm mức đáng kinh ngạc, sân khấu liên tục đổi màu, phong cách khác biệt, giọng hát trôi theo cử chỉ, ít khi nào bạn nhận ra cô ấy chỉ có một kiểu duy nhất trong vòng từ 15 đến 30 phút mà là thay đổi liên tục. Thay đổi nhưng vẫn giữ được chất và điều khiển được đám đông phấn khích phía dưới”. Và những điều eHow giải thích thật ra đã được Lady Gaga nằm lòng từ những ngày còn học ở Khoa Nghệ thuật biểu diễn của Trường Nghệ thuật Tisch trực thuộc Đại học New York.

Trong suốt 4 năm trời theo học, Lady Gaga phải nhai đi nhai lại những bài học về kỹ năng diễn xuất, kỹ năng múa và nhảy (có cả truyền thống lẫn phong cách mới), thiết kế sân khấu, diễn kịch, viết nhạc kịch và kỹ năng biểu diễn. Phải đủ điểm tất cả những môn này mới được tốt nghiệp. Lady Gaga nhớ lại những ngày tháng vất vả ấy, cô thậm chí không ăn được vì đau (tập nhảy), cổ họng rát vì tập hát và thường xuyên mất ngủ vì phải vùi đầu vào học diễn xuất… Cần biết rằng, mỗi năm Khoa Nghệ thuật biểu diễn chỉ nhận 16 sinh viên trong tổng số trung bình 900 người nộp hồ sơ thi. Và từ đó đến nay khoa này đã giới thiệu 600 nhân vật có số má cho Hollywood và làng nhạc Mỹ, trong số đó phải kể đến diễn viên Angelina Jolie, Billy Crystal, ca sĩ Karen O, đạo diễn Woody Allen, đạo diễn Lý An…

Liệu bạn có cần phải giỏi đủ các môn này để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp? Chắc chắn là không nhưng tất cả những môn học này là điều cơ bản cần thiết để đưa bạn trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Ở Lady Gaga, phải học thì cô mới có cái nhìn thật sự về chuyện thiết kế sân khấu (điều mà bây giờ trong những show diễn của cô ai cũng phải trầm trồ, đó còn chưa kể cô luôn tạo những “dấu ấn” về thời trang). Khi hát, Lady Gaga có một phong cách biểu diễn sân khấu thu hút ánh nhìn triệt để, như thể không dứt ra được. Nếu bạn là một người tài năng, có năng khiếu ca hát mà không qua trường lớp luyện rèn kỹ năng biểu diễn thì cách tốt nhất là hãy bắc một cái ghế ra giữa sân khấu và hát trong 2 tiếng đồng hồ, điều chỉ còn thấy trong các show ca nhạc của một ca sĩ đã về già và không còn nhiều năng lượng biểu diễn.

Là con đẻ của thế giới giải trí, nghệ sĩ biểu diễn “3 trong 1” gần như là một tiêu chuẩn của giới showbiz Mỹ. Và điều này cũng đồng nghĩa với thực tế sân khấu biểu diễn Mỹ là cỗ máy in tiền giỏi nhất thế giới, với những ngôi sao nổi tiếng nhất, giàu có nhất và hấp dẫn nhất.

Nhiều người đang so sánh Gaga với Madonna, họ bảo đó sẽ là một sự soán ngôi xứng đáng. Madonna, trước khi là ca sĩ thì đã là một vũ công (thậm chí cô từng học ba-lê ở Trường Đại học Michigan - năm 19 tuổi, nhưng học chưa xong đã bỏ để bay đến New York nuôi mộng ca hát). Chính những thành công sau này, những thành công đưa Madonna trở thành bà hoàng trong làng nhạc quốc tế có công rất lớn từ những giọt mồ hôi luyện tập từ những ngày học múa vì nhờ nó Madonna đã tạo nên một phong cách biểu diễn riêng biệt, nhờ nó mà ở tuổi quá ngũ tuần mà cô vẫn được xem là bà hoàng hát sexy nhất mọi thời.

Sự soán ngôi của Lady Gaga với Madonna có tồn tại hay không đều chẳng phải là chuyện quan trọng. Nó chỉ ra một điều đơn giản rằng: trên sân khấu anh không thể chỉ hút mọi người bằng giọng hát mà còn rất nhiều kỹ năng biểu diễn được áp dụng. Có kỹ năng thì sẽ biến hóa và người biến hóa giỏi nhất sẽ thành công nhất.

Nhìn lại trong danh sách những ca sĩ trình diễn thành công nhất hẳn bạn sẽ nhớ những nhân vật có kỹ năng sân khấu tuyệt hảo: Từ Michael Jackson cho đến Madonna, James Brown cho đến Alice Cooper, David Bowie, Kylie Minogue… Và giờ những thế hệ tiếp nối: Britney Spears, Katy Perry, Rihanna, Lady Gaga…

Khác biệt

Tuy thế, vẫn có những tồn tại khác biệt, ở một vài nơi trong những đô thị sáng nhất trên bản đồ biểu diễn quốc tế. Ví dụ như ở Pháp, nghệ thuật trình diễn được phân chia khá rõ: hát và múa. Một ca sĩ người Pháp thường tập trung vào hát hơn là kèm theo đó nhảy nhót cùng các vũ công. Ca sĩ Jane Birkin trên sân khấu thường chỉ hát và thiếu đi những vũ đạo. Nhưng bù lại cô có những màn độc thoại trên sân khấu rất cuốn hút và những kỹ năng biểu diễn tuy đơn giản nhưng thật sự vẫn lôi kéo được người xem. Cần biết rằng Jane Birkin vốn tốt nghiệp diễn xuất ở London (Anh) và là một minh tinh điện ảnh nổi tiếng. Có nghĩa là cô vẫn có một “form” chuẩn cho việc biểu diễn sân khấu, quan trọng là cô có áp dụng điều đó trong không gian âm nhạc của mình hay không. Sylvie Vertan cũng nhảy rất đẹp, kỹ năng sân khấu rất tuyệt vời nhưng thường trên sân khấu, cô để dành điều ấy cho các vũ công thể hiện.


Tại Pháp, sau sự thành công to lớn của vở nhạc kịch Notre - dame de Paris (Thằng gù nhà thờ đức bà), nhiều nước đã mua lại bản quyền và chuyển ngữ để biểu diễn. Việt Nam cũng đã manh nha vở này nhưng chỉ hát và không có yếu tố sân khấu. Ảnh: Buổi biểu diễn Notre - dame de Paris tại sân khấu Hàn Quốc.

Người Pháp cũng rất muốn thay đổi để kết hợp ca hát và vũ đạo giống như Mỹ nhưng thật sự những điều họ thay đổi vẫn chưa sánh kịp. Điều này cũng có thể thấy rõ trong sân khấu nhạc kịch. Nếu như ở Broadway (Mỹ), một diễn viên luôn được đòi hỏi nhiều kỹ năng bậc cao: hát, múa, diễn xuất thì dường như người Pháp lại không làm được điều đó. Có thể họ hát cực hay nhưng ở phần nhảy bao giờ cũng bị chìm khuất. Trên sân khấu Broadway, mỗi diễn viên tựa như là một họa tiết đứng vững, nhưng vẫn có thể hòa mình phối hợp với các diễn viên khác thành một bức tranh toàn cảnh. Trong các vở ca nhạc kịch của Pháp, hát - múa - diễn là ba phần khác nhau và do vậy trong bản chất đã bị phân tán rời rạc, chứ chưa phải là một thực thể liền khối.

Ở Mỹ, thời gian để người ta thai nghén ra một vở nhạc kịch ít nhất cũng là một, hai năm, lâu thì có thể là 10 năm, trong thời gian đó, người ta thực hiện hết các ý tưởng, hoàn chỉnh thiết kế sân khấu, âm nhạc, vũ đạo... Thời gian tập luyện của diễn viên là sáu tuần cho một vở diễn, tập từ 10h đến 17h hàng ngày. Sự khổ luyện là một trong những nguyên nhân làm nên thương hiệu Broadway.

Bài 2: Ca sĩ tài năng hay một diễn viên tồi?

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm