100 năm trên bến Nhà Rồng

31/01/2011 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Thời gian trôi nhanh, thấm thoắt đã 100 năm. Bến Nhà Rồng nay vẫn nguyên vẹn như ngày nào người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Giờ đây Di tích bến Nhà Rồng đã trở thành chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh, nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Người trên cả nước.

Mỗi năm, hơn 200 ngàn lượt người con đất Việt, đông đảo bạn bè quốc tế đã đến viếng thăm bến Nhà Rồng. Trước khi rời gót, nhiều người trong số họ không quên lưu lại trên quyển sổ lưu niệm, những dòng cảm xúc chứa chan lòng kính yêu, sự tự hào, khâm phục đối với một danh nhân vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Xúc cảm dâng trào

Là những người con đất phương Nam, chúng tôi đã có nhiều dịp ghé thăm bến Nhà Rồng nhưng mỗi lần đến là mỗi lần chúng tôi lại mang một cảm xúc sâu lắng. Cho dù TP.HCM có đổi thay từng ngày, những tòa cao ốc ngày một nhiều, cao vút trời, sang trọng nhưng không thể làm lu mờ hình ảnh tòa nhà bến Nhà Rồng mang kiến trúc cổ kính, độc tôn tọa lạc ngay ngã ba sông Bến Nghé.

Tranh sơn dầu của một họa sĩ Pháp vẽ bến Nhà Rồng đầu TK 20

Một buổi sáng đầu Xuân, chúng tôi đặt chân trên bến Nhà Rồng, cái ồn ào náo nhiệt giữa lòng thành phố dường như im bặt, chỉ còn tiếng gió Xuân rì rào khẽ rung những hàng cây quý từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về đây, tượng trưng cho tấm lòng thành kính của đồng bào cả nước và cả bạn bè quốc tế kính dâng lên Người. Chậu mai chiếu thủy trồng từ năm 1946 chi chít những bông hoa trắng nhỏ xinh, cây đa Tân Trào đứng sừng sững như tấm lòng trung kiên do chính cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đưa vào từ miền Bắc, cây bồ đề do Tổng thống Ấn Ðộ trồng lưu niệm trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào năm 1991.

Bên trong tòa nhà là những phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, từ hình ảnh ngôi nhà nơi Bác sinh ra và lớn lên, chiếc áo mà Bác thường mặc, đôi dép và rất, rất nhiều hiện vật, hình ảnh về Người.

Những đoàn khách đến thăm, họ im lặng, bước chậm rãi qua những gian phòng trưng bày. Một cô gái, tuổi chừng đôi mươi, vô tình chúng tôi đứng bên cạnh, dịu dàng với tà áo dài, đôi môi đỏ mọng khẽ hát với chất giọng dịu ngọt của người miền Nam “Hò ơ... Ai về Thủ Thiêm ai qua Bến Nghé… Ai xuôi ai ngược nhớ ghé bến Nhà Rồng… Chiều về khói tỏa trên sông, lắng nghe câu hát ơ hò... Hơ hờ hơ... Lắng nghe câu hát ơ… chạnh lòng nước non...”. Bài hát Thăm bến Nhà Rồng sao hôm nay chúng tôi nghe da diết đến lạ kỳ.

Cảm xúc của những người con khắp mọi miền Tổ quốc khi đến bến Nhà Rồng được lưu lại trên những trang giấy trắng của quyển sổ lưu niệm. Và trong số những cảm xúc đó, chúng tôi không khỏi ấn tượng khi bạn Nguyễn Huy Định, sinh viên Trường ĐH Giao thông - Vận tải đã viết rằng: “Bấy lâu nay con tự hỏi một điều rằng: Lúc ra đi tìm đường cứu nước, hành trang Bác mang theo là gì? Để bây giờ Bác mang về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Và bây giờ! con bước chân vào thăm nơi đây, con đã hiểu rằng: Lúc bước chân ra đi Bác kính yêu chẳng mang theo gì cả, ngoại trừ một TRÁI TIM YÊU NƯỚC NỒNG NÀN! Cảm ơn Bác, cảm ơn Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Còn rất nhiều, nhiều lắm những cảm xúc mà các con cháu của Bác lưu lại trong quyển sổ lưu niệm, cô nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh nở nụ cười thật tươi và nói với chúng tôi: “Có những bác đã từng gặp Bác Hồ trong những năm tháng kháng chiến, nay có dịp đến bến Nhà Rồng, tận mắt thấy những hình ảnh, kỷ vật của Bác thì xúc động đến nỗi không kìm được nước mắt. Rồi những em nhỏ đang học mẫu giáo, sau khi nghe kể chuyện về Bác, các em cứ xúm xít, tranh nhau ôm tượng Bác và gọi “ông ơi, ông à…!”.

Bến Nhà Rồng ngày nay

Ông Lê Văn Cộng, Phó Giám đốc chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, chỉ với 3 phòng trưng bày và sau 2 lần chỉnh lý vào năm 1990, 1995 hiện bảo tàng có 9 phòng với gần 1.500m2 diện tích trưng bày. Trong đó có 6 phòng trưng bày những chuyên đề cố định bao gồm những tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan tới tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 3 phòng trưng bày chuyên đề thời sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tuyên truyền trong từng thời gian nhất định.


Bến Nhà Rồng hôm nay

Từ năm 1995 đến nay, đơn vị đã tổ chức trưng bày nhiều chuyên đề mang tính thời sự tại bảo tàng và nhiều cuộc trưng bày lưu động tại các vùng sâu, vùng xa, các quận, huyện ngoại thành. Ngoài ra, bảo tàng còn tiến hành những hoạt động tuyên truyền giáo dục như tổ chức các hội nghị khoa học, những cuộc tọa đàm giữa các thế hệ, nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu và chiếu phim tư liệu, hồi ký, các ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh… Từ 400 tư liệu, hiện vật vào năm 1980 đến nay đã có hơn 11.000 tư liệu, hiện vật và hơn 3.000 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Chưa phục dựng được con tàu Bác đã ra đi tìm đường cứu nước

Cách đây 10 năm, vào năm 2001, nhân kỷ niệm 90 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2001), UBND TP.HCM đã đầu tư việc xây dựng mở rộng bảo tàng và xây dựng tượng Nguyễn Tất Thành, chỉnh trang Nhà Rồng. Đáng lưu ý là, đề án “Mô hình khung cảnh khu vực cảng Sài Gòn những năm 1911” cùng việc phục dựng chiếc tàu Amiral Latouch Trevill mà ngày 5/6/1911 Bác Hồ đã lên chiếc tàu này ra đi tìm đường cứu nước nhằm làm sinh động, phong phú hơn hình thức trưng bày của bảo tàng và tạo ấn tượng cảm xúc trực quan gây sự hấp dẫn cho khách vào tham quan, định hướng phát triển và phối hợp với ngành du lịch, tạo sự thu hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Đây là một đề án rất ý nghĩa. Hình ảnh con tàu đưa Bác ra đi tìm đường cứu nước đã đi vào bao thế hệ, vào hình tượng thơ ca:

Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới chân tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi lui dần, làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương…

(Người đi tìm hình của nước, thơ Chế Lan Viên)

Tuy nhiên, ông Lê Văn Cộng cho biết: “Đến nay đề án phục dựng tàu Amiral Latouch Trevill này vẫn chưa thực hiện được do chưa thống nhất phục dựng tàu mô hình hay tàu có thể chạy được để khai thác du lịch. Hiện bảo tàng vừa triển khai dự án cải tạo, mở rộng thêm nhà trưng bày, phía Hội Kiến trúc, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng TP.HCM đang nghiên cứu thiết kế xây dựng tòa nhà làm sao hài hòa và không phá vỡ kiến trúc đường nét của bến Nhà Rồng”.

Đôi nét về bến Nhà Rồng

Nhà Rồng được khởi công xây dựng ngày 4/3/1863 sau khi thực dân Pháp bình định được Nam kỳ, do Công ty Vận tải đường biển (tiếng Pháp: Messageries Maritimes) xây cất để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu. Nóc nhà gắn hình rồng, ở giữa thay vì viên ngọc thì là chiếc phù hiệu mang hình “Đầu ngựa và chiếc mỏ neo”. Phù hiệu đầu ngựa hàm chỉ thời trước bên Pháp, công ty này chuyên lãnh chở đường bộ với ngựa kéo xe, còn mỏ neo tượng trưng cho tàu thuyền. Trụ sở công ty được giới bình dân gọi là Nhà Rồng, có nhiều thuyết về cái tên này: có thuyết nói rằng vì có gắn đôi rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh trên nóc nhà, một thuyết khác cho rằng Nhà Rồng có nghĩa là Gia Long (“Nhà” là “Gia”, “Rồng” là “Long”), bến Nhà Rồng được người Pháp đặt để nhớ tới quan hệ của vua Gia Long với nước Pháp. Người lớn tuổi gọi tên là Sở Ông Năm, vì hãng tàu biển này do quan năm Pháp Domergue đứng ra sáng lập.

Vào tháng 10 năm 1865, người Pháp cho dựng cột cờ Thủ Ngữ. Từ “Thủ Ngữ” có nghĩa là sở canh tuần tàu biển. Cột treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào cảng nên biết vào ngay hay chờ đợi.

Gần cuối năm 1899, công ty được phép xây cất bến cho tàu cặp vào. Bến lót ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông 42m (phía tàu cặp vào). Bến này cách bến kia 18m. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ là 8m. Từ bờ ra bến có cầu rộng 10m. Ban đầu xây hai bến, sau đó xây thêm bến thứ ba.

Năm 1919, công ty được phép xây bến bằng xi măng cốt thép, nhưng không thực hiện được, phải đến tháng 3 năm 1930 mới hoàn thành bến mới, chỉ một bến nhưng dài 430m. Toàn bộ kiến trúc xưa của tòa trụ sở thương cảng Nhà Rồng hầu như còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.


Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm