100 năm ngày sinh Billie Holiday: Người 'mẹ đẻ' đau buồn của Jazz

10/04/2015 07:04 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Billie Holiday được mệnh danh là “mẹ đẻ” của dòng nhạc jazz. Có thể nói đây là lời ca tụng không ngoa, bởi cho đến giờ vẫn ít nghệ sĩ có khả năng thể hiện một ca khúc nhạc jazz đi sâu vào lòng người như bà.

“Holiday mới chỉ 17 tuổi, hơi béo, rất xinh đẹp nhưng hoàn toàn vô danh. Còn trẻ tuổi, nhưng cô ấy hát rất có hồn, đầy trải nghiệm” – đó là những cảm nghĩ của nhà sản xuất thu âm John Hammond khi ông lần đầu gặp Holiday.

Tài hoa nhưng bạc phận

Hammond nhận ra giọng ca rất rõ ràng của Holiday tại một câu lạc bộ ở New York hồi năm 1933. Sau đó, ông đã mời ngôi sao nhạc jazz Benny Goodman tới nghe Holiday hát và thuyết phục ca sĩ thu âm giọng hát của Holiday cho chương trình của CBS.

Lời thuyết phục của Hammond đã được Goodman chấp nhận và Holiday đã có bản thu âm đầu tiên là Riffin' The Scotch. Tiếp sau đó là Your Mother's Son-In-Law. Điều đáng chú ý nằm ở chỗ Holiday không phải là phát hiện duy nhất của Hammond. Ông còn ủng hộ các nghệ sĩ như Bob Dylan, Pete Seeger và Bruce Springsteen.

Holiday tên thật là Eleanora Fagan. Bà sinh ngày 7/4/1915 ở Philadelphia. Cha mẹ sinh bà khi họ còn ở tuổi vị thành niên và không kết hôn. Holiday lớn lên trong cảnh ít nhận được sự chăm cóc của cha mẹ ở Baltimore.

Cha bà, Clarence Holiday, sau này là một nghệ sĩ jazz thành công, hiếm khi gặp con gái mình. Mẹ bà, Sadie Fagan, hầu như chẳng biết gì đến con. Thiếu sự uốn nắn của người lớn, Holiday đã hình thành lối sống vô kỷ luật và thường bỏ học. Vì tội trốn học, bà bị gửi tới một cô nhi viện và bị cưỡng bức ở đây khi mới 10 tuổi.

Lớn lên, Holiday dọn tới khu Harlem, New York, kiếm sống bằng cách bán dâm. Những lúc rảnh rỗi, bà nghe nhạc của ca sĩ Bessie Smith và nghệ sĩ kèn trumpet Louis Armstrong - những người về sau đã tạo ảnh hưởng lớn tới bà về mặt nghệ thuật.

Có thể nói, cuộc đời của Holiday nếm đủ cả cay đắng, bi kịch và thành công vang dội. Sau khi được phát hiện, bà đã trình diễn tại Thính phòng Carnegie, tại Nhà hát Opera Metropolitan, thực hiện chuyến lưu diễn châu Âu. Nhưng bà lại phải trải qua 2 cuộc hôn nhân thất bại và phải lãnh 2 án tù vì các tội danh liên quan đến ma túy.

Holiday từng trình diễn cùng các nghệ sĩ jazz nổi tiếng nhất trong kỷ nguyên của mình, tuy nhiên sự ngưỡng mộ của hàng triệu người hâm mộ không giúp bà trở thành người giàu có. Điều đáng buồn là khi Holiday qua đời ở tuổi 44 do bệnh xơ gan, người ta đã tranh cãi xem ai phải đứng ra lo hậu sự cho bà.


Billie Holiday và thần tượng của bà, Louis Armstrong, trong phim New Orleans (1947)

Một giọng ca đã thành chuẩn mực

Holiday là người đoản mệnh, song có một sự nghiệp thành công đến kinh ngạc. Bà đã tung ra hàng trăm bản thu âm và thực hiện vô số màn diễn.

Sự nghiệp của bà bắt đầu được ghi nhận và cất cánh từ năm 1935. "Xét trên khía cạnh âm nhạc, Holiday đi trước thời đại của mình. Tuy nhiên, tinh thần tự do mà bà thể hiện trong ca khúc đã trở thành rào cản, không đưa bà đến được với các nhà xuất bản âm nhạc có thế lực ở Mỹ khi đó. Chính các nhà phê bình âm nhạc châu Âu, chứ không phải giới phê bình Mỹ, mới là những người đầu tiên đánh giá cao về bà” – Hammond nói.

Luôn có nước mắt cay đắng trong thành công của Holiday. Giống như hàng triệu người da đen khác, bà phải chịu sự phân biệt chủng tộc. Song không vì thế mà bà bỏ cuộc. Bà thậm chí còn trở thành nữ ca sĩ da đen đầu tiên trình diễn cùng một ban nhạc da trắng, khi diễn cùng Artie Shaw. Bà quyết tâm biểu diễn, bất chấp việc chỉ được đi lối cửa sau sân khấu và không được ngồi ăn cùng các nghệ sĩ khác.

Sau đó, Holiday liên tiếp gặt hái thành công. Bà còn lấn sân sang điện ảnh, vào vai một người hầu gái trong phim New Orleans, để được góp mặt cùng với thần tượng Louis Armstrong.

Năm 1939, Holiday bắt đầu đề cập trực tiếp tới vấn đề phân biệt chủng tộc trong Strange Fruit. Phổ thơ của Abel Meeropol, ca khúc này là một bản tố cáo tội ác của những kẻ phân biệt chủng tộc, đã thường xuyên tổ chức các cuộc hành hình người da đen ở nhiều bang miền Nam nước Mỹ.

Hãng thu âm Columbia nhất quyết không thu âm ca khúc này, cho rằng nó quá rủi ro. Nhưng Commodore Records đã tiếp nhận nhạc phẩm và nó đã trở thành ca khúc ăn khách nhất của Holiday, đưa bà trở thành một hiện tượng xã hội. Strange Fruit trở thành một biểu tượng trong trào lưu nhân quyền của người Mỹ gốc Phi và nó đã được tạp chí Time bình chọn là “ca khúc của thế kỷ”.

Hiện nay, các ca khúc do Holiday sáng tác như Lover Man, Don't Explain hay Long Gone Blues vẫn nổi tiếng như khi bà còn sống. Ngoài chúng, Holiday còn gây tiếng vang khi hát lại những ca khúc kinh điển như You Go To My Head của George Gershwin hay I Can't Get Started.

Lối hát rõ lời và phân nhịp đầy tinh tế đã trở thành thương hiệu của Holiday. Kể cả trong những năm sau này, khi giọng ca của Holiday trở nên thô ráp hơn, nó vẫn không hề mất đi hấp lực. Lối hát của Holiday đã trở thành khuôn mẫu để vô số nghệ sĩ khác noi theo.

Năm 1973, nhà phê bình nhạc jazz ngườ Mỹ là Ralph Gleason viết: “Holiday là ca sĩ jazz vĩ đại nhất mọi thời đại. Nếu bạn là một phụ nữ, muốn hát nhạc jazz, hãy chọn các ca khúc của Holiday”. Lời khuyên ấy của Gleason đến giờ vẫn được nhiều người nghe theo.

Việt Lâm (theo DW)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm