10 năm gió ngoại phim nội

03/02/2011 07:05 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Như TT&VH đã từng đề cập trong chuyên đề xuất nhập khẩu điện ảnh, lịch sử phim Việt luôn gắn liền với việc nhập khẩu nhân lực, vật lực và kỹ thuật. Trong 10 năm qua, việc xuất hiện của những nhân tố Việt kiều, vừa là một dấu vết của nhập khẩu, vừa là một chất xúc tác quan trọng để thị trường phim nội địa thay đổi và phát triển.

Cột mốc bắt đầu 10 năm có thể được đánh dấu bằng phim Mùa Hè chiều thẳng đứng (A La Verticale De L’été) của Trần Anh Hùng, ra mắt ngày 18/5/2000 tại LHP Cannes, rồi công chiếu tại Pháp 24/5/2000.

“Gió” đổi chiều

Trước cột mốc 2000, khi về nước làm phim, dù các đạo diễn như Hồ Quang Minh, Trần Anh Hùng, Tony Bùi… đã quy tụ được sự cộng tác của giới làm nghề tại chỗ, nhưng họ đặt tư duy của mình vào vị trí của “khách”, chỉ đến mượn địa điểm và nhân lực thực hiện. Phim làm ra, chiếu trong nước cũng được, mà không chiếu cũng chẳng sao. Trong khi các phim sau này, thị trường trong nước lại là thị phần chính để thu hồi vốn, nên tư duy và cách thức làm phim phải thay đổi.

Vì lấy thị phần Việt Nam làm trung tâm, nên từ kịch bản cho đến các biến cố, hành động liên quan đến chính trị, bạo lực, sex… cũng được điều tiết cho hợp lý. Xem các phim được khởi động và hoàn tất trong nửa đầu của thập niên này như Mê thảo - Thời vang bóng (ĐD: Việt Linh, 2003), Thời xa vắng (Hồ Quang Minh, 2004), Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh, 2004), Hạt mưa rơi bao lâu (Đoàn Minh Phượng - Đoàn Thành Nghĩa, 2005), 1.735km (Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn, 2005), Chuyện tình Sài Gòn (Ringo Le, 2005)… cũng đủ thấy sự đổi chiều của làn gió. Nếu so với thời Trần Anh Hùng làm Cyclo (1994-1995) thì rõ ràng các đạo diễn vừa kể ở trên đã nghĩ nhiều hơn tới môi trường điện ảnh và khán giả nội địa.


Dustin Nguyễn và Kathy Uyên trong phim Để Mai tính

Điều này cũng dễ thấy, LHP Venice kỷ niệm 100 năm điện ảnh thế giới vào năm 1995 và trao Sư tử vàng (Leone d’Oro) cho phim Cyclo, thì trong nước phim này lại gặp phải một luồng dư luận khác, chê nhiều hơn khen. Sự chê này do Trần Anh Hùng đặt mình vào vị trí của khách.

Từ năm 2006 đến nay, điểm lại các phim như Áo lụa Hà Đông (ĐD: Lưu Huỳnh), Sài Gòn nhật thực (Othello Khanh), Bụi đời (Lê Văn Việt), Dòng máu anh hùng (Charlie Nguyễn), Huyền thoại bất tử (Lưu Huỳnh), Chuyện tình xa xứ (Victor Vũ), 14 ngày phép (Nguyễn Trọng Khoa), Bẫy rồng (Lê Thanh Sơn), Để Mai tính (Charlie Nguyễn), Giao lộ định mệnh (Victor Vũ)… thì càng thấy rõ hơn sự đổi chiều này. Hình như chỉ có 1-2 phim bị yêu cầu cắt bỏ một vài đoạn ngắn liên quan đến bạo lực, sex, còn lại khá phù hợp hoàn cảnh.

Nhiều trường hợp về nước làm phim theo kiểu thăm dò, sau đó thì gắn bó mật thiết hoặc ở lâu dài như Johnny Trí Nguyễn, Victor Vũ, Dustin Nguyễn, Charlie Nguyễn, Vincent Ngô, Kathy Uyên…

Phim nội thay đổi

Từ năm 1993, tại chương trình chấn hưng điện ảnh cấp quốc gia, chính các đại diện từ phía Nhà nước đã công nhận rằng hầu hết phim do Việt Nam sản xuất có tư duy làm phim cũ, liên tục thua lỗ vì không kéo được khán giả tới rạp. Họ đã kêu gọi sự hợp tác từ bên ngoài.

Chính vì vậy, các nhà làm phim tư nhân hoặc liên doanh tỏ ra nhanh nhạy hơn, họ muốn tìm một lối đi khác, mà trước mắt là cân bằng thu chi, kiếm lãi. Người có công đầu là Lê Hoàng với Gái nhảy (2003), đạt kỷ lục về doanh thu, khoảng 12 tỷ đồng. Năm 2004, Hãng phim Thiên Ngân tung ra Những cô gái chân dài của Vũ Ngọc Đãng, không chỉ thành công về thương mại, mà còn đoạt giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 14 (2005) - xóa dần khoảng cách giữa phim thương mại và nghệ thuật.

Các nhà phân tích cho rằng chính cách làm ăn mới, được du nhập từ hải ngoại, đã kích thích các nhà đầu tư mạnh dạn “bơm tiền” vào việc làm phim để kiếm lãi.

Riêng các nhà làm phim Việt kiều thì cũng bớt ước mơ “thuần nghệ thuật” để hướng đến một sự kết hợp giữa nghệ thuật và bán vé. Có thể nói, từ thay đổi cách nhìn, họ đã có khoảng 5 năm để tìm hiểu thị trường nội địa, để từ 2006, họ chọn một lối đi an toàn và vui vẻ hơn. Các phim họ làm ra không còn bị “lạc quỹ đạo”, mà trở thành tiêu điểm được mong đợi của khán giả trong nước. Việc Bẫy rồng, Để Mai tính, Giao lộ định mệnh… đạt doanh thu cao tại thị trường nội địa là ví dụ tốt cho việc kết hợp này.

Hết e dè với “ngoại lực”

“Theo tôi thấy thì Nhà nước ngày càng mở rộng cửa để đón chào những tài năng và kỹ thuật hiện đại từ nước ngoài, nhằm nâng cao chất lượng phim, điều này sẽ tác động đến việc xuất nhập khẩu điện ảnh trong tương lai. Đây cũng là dịp để các nhà làm phim Việt kiều và các nhà làm phim nội địa học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, để một lúc nào đó chúng ta thay cụm từ phim Việt kiều bằng phim Việt. Phải thấy rằng, sự kết hợp giữa câu chuyện địa phương và kỹ thuật quốc tế làm cho điện ảnh Việt có nhiều yếu tố lạ, sẽ thu hút được khán giả nước ngoài”, ông Jimmy Nghiêm Phạm (GĐ, Chủ tịch HĐQT Hãng phim Chánh Phương) cho biết.

Đúng là về cái nhìn, ban đầu sự xuất hiện của các nhà làm phim Việt kiều luôn đi kèm với sự e dè của phía đối tác nội địa. Nhưng lần lần, sự xuất hiện của họ gần như là đương nhiên, trở thành một móc xích hữu cơ của nhiều đoàn phim. Thật khó để “điểm mặt” hết các anh tài về từ hải ngoại, vì có những bộ phận ít khi được nhắc tên rộng rãi như âm thanh, ánh sáng, hóa trang, hậu kỳ, dựng phim, biên tập kịch bản… nhưng đóng góp của họ thì rất lớn. Ví dụ như Vincent Ngô là một “bác sĩ” kịch bản cao tay nghề tại Hollywood, trong mấy năm qua anh đã giúp sửa một số phim ở trong nước khá thành công; hay như Hàm Trần đã giúp dựng một số phim… thế nhưng ít khi được nhắc tên đến. Hoặc ví dụ khác, việc Johnny Trí Nguyễn đạo diễn võ thuật và Charlie Nguyễn viết kịch bản Khát vọng Thăng Long có thể xem là một minh chứng của liên doanh “gió ngoại phim nội”. Và đương nhiên, phim nội cũng thay đổi.

Việt kiều và du học sinh có thể đem về nhiều cái hay cho điện ảnh Việt Nam. Chính những sự góp sức này sẽ còn làm cho điện ảnh Việt Nam thay đổi mạnh trong thời gian tới.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm