Tiền đạo Hoàng Đình Tùng: “Nhiều lúc tôi như trẻ con”

26/03/2011 14:21 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Ở xứ Thanh bây giờ, Hoàng Đình Tùng là biểu tượng, là cầu thủ đáng xem nhất. Chắc chắn, khán giả xứ Thanh sẽ cảm thấy hụt hẫng nếu như ra sân mà không được xem Tùng “con” thi đấu. Đình Tùng là một cầu thủ đặc biệt, một tiền đạo nội bất lợi rất nhiều về ngoại hình và môi trường thi đấu nhưng không dễ dàng chịu để đồng nghiệp ngoại làm lu mờ.

Gặp thầy Hải, tôi mới ngộ ra nhiều điều

* Khác với mùa giải trước, anh ghi bàn rất đều đặn và không thiếu những pha dứt điểm đẹp như tác phẩm nghệ thuật. Vậy bí quyết nào giúp Đình Tùng có được phong độ ấn tượng vậy?

- Mọi thứ cũng bắt đầu từ ngày huấn luyện viên (HLV) Lê Thụy Hải về nắm đội. Ngay trong buổi tập đầu tiên, thầy nói thẳng là Thanh Hóa cần có cá tính thực sự. Không chơi kiểu phòng ngự thụ động, mà toàn đội phải thay đổi tư duy đấu pháp rõ ràng. Phòng ngự chơi số đông, còn tổ chức phản công phải có chiến thuật thực sự. Bản thân tôi cũng nhận được những chỉ giáo để hoàn thiện năng lực bản thân.

Một lý do khác, tôi thoát khỏi được sự kỳ vọng, áp lực đeo đuổi cả mùa giải trước. Ngay trong buổi tập, tôi tận lực trau chuốt từng động tác chạy chỗ, lừa bóng rồi dứt điểm, khi nào thuần thục và cảm thấy ưng ý mới thôi. Tôi rút ra kết luận, khi giải phóng được áp lực ghi bàn, tinh thần thoải mái thì bàn thắng sẽ đến như một lẽ tự nhiên. Tôi cũng không quên công sức của đồng đội, khi họ luôn tạo cơ hội và khoảng trống, để tôi có thể ghi bàn dễ dàng nhất.

* Vậy HLV Lê Thụy Hải đã truyền đạt những gì để anh thực sự “lột xác” tới như vậy?

- Xu hướng chung của V-League bây giờ là 2 tiền đạo ngoại đá cắm. Nếu so về thể hình, sức mạnh, thì tôi thật khó có thể đua tranh vị trí với họ. Thầy Hải luôn bảo rằng, con hãy lùi về vị trí tiền vệ mới có đất mà tỏa sáng. Phải tận dụng tốc độ, sự tinh nhạy trước khung thành để biến mình thành “sát thủ” thầm lặng ở phía sau. Ngay những pha dứt điểm cự ly gần cũng phải thực hiện ra sao để nó trở thành bàn thắng. Câu nói quan trọng mà tôi nhớ nhất của thầy là: “Con hãy dẹp đống áp lực và trách nhiệm ra một bên. Chỉ khi nào chơi với đầu óc thanh thản, thì bàn thắng mới xuất hiện”.

Gánh nặng biểu tượng

* Tùng được coi là biểu tượng của bóng đá Thanh Hóa, như các đồng đội Thành Lương (Hà Nội ACB), Tấn Trường (Tập đoàn Cao su Đồng Tháp). Phải chăng áp lực của một biểu tượng khiến anh gặp phải không ít khó khăn?

- Đúng thế. Tôi vì điều đó mà suýt thui chột tài năng. Kỳ vọng như con dao hai lưỡi, khiến con người ta chơi thăng hoa và cũng đôi khi khiến cầu thủ mãi không lớn. Tôi cũng vậy, còn rất trẻ và chưa thực sự quen với quá nhiều áp lực tới cùng một lúc. Mùa trước, tôi ghi bàn rất đều ở 5 vòng đầu. Sau đó, mọi thứ tệ đi, không có bàn nào ở 5 trận liên tiếp. Áp lực quá lớn khiến tôi mất đi bình tĩnh, độ lạnh lùng cần thiết trước cầu môn.

* Phải chăng sức ép đó khiến Tùng ức chế và dẫn tới bị phạt án nguội sau pha vào bóng ác ý với cầu thủ Nam Định ở V-League 2010?

- Đó là pha va chạm 50-50, mà tôi và đối thủ đều quá ham bóng. Nhưng tới khi xảy ra va chạm, tôi mới nghĩ mình đã vào bóng hơi quá đà, hơi “dã man”. Dĩ nhiên trong bóng đá, va chạm rồi chấn thương là chuyện thường xảy ra. Chứ thực tình tôi không bị ức chế tới độ chơi xấu. 2 trận treo giò quả là một án phạt làm tôi cảnh tỉnh. Nhưng đó cũng là bài học lớn để tôi thu mình lại trước khi bật ra như chiếc lò xo, bị kìm nén trong chiếc hộp kín.

* Nghe nói bố của Tùng thường lặn lội tới sân ủng hộ Tùng dù đá xa nhà, một người bố thật tuyệt vời!

- Đó đã thành thói quen của bố tôi. Mỗi khi đội bóng Thanh Hóa thi đấu, dù có xa mấy, ông cũng lặn lội đi cho bằng được. Còn nhớ ở vòng bảng SEA Games 25, tôi ghi bàn thắng quyết định vào lưới Thái Lan từ chấm phạt đền. Tôi mừng rưng rưng nước mắt vì hạnh phúc. Tan trận, tôi gọi điện thoại về nhà báo tin vui thì mẹ cho hay bố đã sang tận bên Lào cổ động cho tôi. Sang đây rất lâu, bố không liên lạc mà chỉ đứng từ xa ủng hộ. Bố thực sự là chỗ dựa lớn nhất và đáng tin cậy nhất của tôi.

Tôi cần chút “duyên” trong màu áo đội tuyển

* Dường như Tùng vẫn chưa thể hiện được năng lực của mình khi lên tuyển, giống như những gì đã làm với Thanh Hóa ở 4 mùa giải qua?

- Ở cấp câu lạc bộ, mọi thứ còn đơn giản hơn. Còn khi lên đội tuyển, tôi ở một môi trường cạnh tranh khốc liệt và không có chỗ cho sai lầm. Bởi khi đá cho đội tuyển, các HLV tập trung những cầu thủ giỏi nhất của cả nước. Môi trường ấy giàu tính cạnh tranh và không dễ cho một người trẻ như tôi hòa hợp, phát tiết ngay lập tức. Tôi cũng có rất ít cơ hội ra sân từ ghế dự bị. Còn thời gian thi đấu cũng rất ít, để tôi tự điều chỉnh và có thể làm quen với đối thủ xung quanh. Đó là hạn chế lớn khiến tôi không thể hiện được mình.

Hoàng Đình Tùng là ngôi sao bình dị và trong sáng bậc nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay

* Theo Tùng, nếu được xếp ở vị trí nào thì anh sẽ phát huy được sức mạnh của chính mình?

- Tôi không có chiều cao lý tưởng, nhưng khả năng tăng tốc và dứt điểm không đến nỗi tồi. Nếu các thầy để tôi lui về đá tiền đạo lùi hay tiền vệ sẽ tốt hơn. Từ vị trí ấy, tôi sẵn sàng băng lên như một tiền đạo “ẩn” thì hợp lý hơn. Nhất là khả năng xuyên phá từ biên trái của tôi thực sự được thực hiện tốt hơn. Bởi khả năng dùng mu chính diện hay má trong, má ngoài, tôi đều có thể thực hiện những pha vẩy bóng chính xác.

* Hàng thủ và thủ môn nào ở V-League hiện nay mà Đình Tùng ngại nhất mỗi lần đụng độ?

- Ở V-League, tôi thực sự hơi run và căng thẳng khi đối diện với những thủ môn vóc dáng đồ sộ như Mykola (The Vissai Ninh Bình) hay Phan Văn Santos (Navibank Sài Gòn). Họ không chỉ to lớn mà khả năng làm chủ cầu môn rất đáng nể. Còn trung vệ Phước Tứ (Sài Gòn Xuân Thành) thuộc diện tôi nể nhất. Anh ấy chơi chắc chắn, mạnh mẽ nhưng cũng đầy kỹ thuật, khiến các tiền đạo cũng phải khâm phục.

Tôi sẽ ở lại Thanh Hóa, nếu...

* Hành động cởi áo rồi bỏ ra ngoài trong trận gặp Sông Lam Nghệ An vừa qua của anh là khó chấp nhận. Anh lý giải thế nào?

- Lúc đó, tôi bức xúc khi đội nhà rơi vào thế thua người, thua tỷ số. Tôi và đồng đội bị cầu thủ đối phương chơi xấu, nhưng trọng tài Ngô Quốc Hưng không có hình thức xử lý thích đáng. Bức xúc bùng phát như ngọn lửa khiến tôi mất đi sự tỉnh táo và xảy ra câu chuyện ấy. Đến lúc hàng trăm cuộc điện thoại tra vấn, mới nghĩ mình dại quá. Đáng nhẽ mình phải tự kiềm chế bản thân tốt hơn và tránh những chuyện trẻ con như thế. Tôi cũng chưa hài lòng với hành động xốc nổi của mình trong trận đấu. Nếu thời gian trở lại, tôi chắc chắn sẽ không để chuyện dại dột tái diễn. Tôi xin lỗi khán giả!

* Anh đã nghĩ tới chuyện tìm môi trường mới để thử sức hay chưa?

- Đúng là bóng đá xứ Thanh cho tôi rất nhiều thứ, bản thân trong 4 năm qua tôi cũng đóng góp rất nhiều vì thành tích chung của cả đội. Vào tháng 10 năm nay, tôi sẽ chính thức trở thành người tự do. Song chưa thấy lãnh đạo đội bàn thảo gì về chuyện giữ chân tôi cả. Về phần tôi vẫn cố gắng thi đấu ghi bàn và thể hiện năng lực bản thân. Trong thâm tâm tôi rất muốn gắn bó và phục vụ lâu dài cho đội bóng. Tuy nhiên, nếu có cơ hội, tôi cũng muốn ra đi tìm môi trường mới và thử thách hơn.

* Nếu anh ra đi, áp lực phải chứng minh sự xứng đáng đồng tiền bát gạo là không nhỏ. Nhiều đồng nghiệp như Sỹ Mạnh, Công Vinh, Quang Hải, Việt Thắng đều đang chơi mờ nhạt...

- Có rất nhiều lý do ảnh hưởng tới thành công của một chân sút nội ở một môi trường mới. Thành công hay thất bại tôi không thể nói trước. Nhưng áp lực từ đồng tiền hay nói cách khác là áp lực dư luận, tôi và nhiều đồng nghiệp đã trải qua và khẳng định được tư cách của mình. Do đó, chuyện thành công hay không cũng tùy hoàn cảnh, cá nhân mỗi người. Tôi tin bản thân mình.

* Nếu Thanh Hóa đáp ứng những yêu cầu, anh sẽ ở lại?

- Tất nhiên. Người hâm mộ xứ Thanh rất thương tôi, tương lai của bóng đá tỉnh nhà thực sự là hạnh phúc của mọi cầu thủ Thanh Hóa. Riêng tôi cũng luôn thi đấu nỗ lực hết mình để trả ơn những tình cảm đó. Hợp đồng cũ gần hết hạn, tôi và gia đình cũng nóng lòng chờ các chú lãnh đạo đưa ra một bản hợp đồng mới. Nhưng tôi mong lần tái ký này là cơ hội để tôi và câu lạc bộ đánh bóng thương hiệu cho nhau. Cũng như việc đội Đồng Tháp chi ra 6 tỷ - một tiền lệ chưa từng có ở đội bóng - để giữ chân Tấn Trường. Sự đãi ngộ của Đồng Tháp chắc chắn khiến tôi không khỏi chạnh lòng, khi so sánh với chính mình thời gian qua.

* Ước mơ của Đình Tùng trong năm 2011, ở sự nghiệp cầu thủ cũng như chuyện tình duyên?

- Ước mơ của tôi đơn giản. Tôi chỉ phấn đấu ghi thật nhiều bàn cho Thanh Hóa trụ hạng mùa giải này. Sau đó là khẳng định tên tuổi và vị trí của mình khi lên tuyển. Còn chuyện tình duyên, tôi chưa thực sự là sát thủ ở chốn tình trường. Cứ coi đó là lẽ tự nhiên, khi nào tới thì tôi sẽ đón nhận và hết mình như thi đấu trên sân vậy.

* Xin cảm ơn Đình Tùng!

Mộc Miên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm