V-League 2023-2024: Lấy thước mà đo…

16/05/2024 08:11 GMT+7 | Bóng đá Việt

V-League vẫn còn hơn 1/4 chặng đường, và về lý thuyết thì chưa đội nào chính thức vô địch nên cũng chưa biết cách mà họ lên ngôi như thế nào, thuyết phục hay tẻ nhạt. Đến thời điểm này mà hỏi đội bóng nào gây ấn tượng lớn nhất mùa bóng thì đó chính là Hà Nội FC với những gì mà họ đã trình diễn ở sân chơi châu Á cuối năm ngoái.

Chúng ta hay nói các CLB chính là phần móng của nền bóng đá còn giải VĐQG chính là xương sống. Cả hai thành phần này nếu vững chắc thì sức vươn lên của bóng đá quốc gia mới ổn định. Nói cách khác, đó là thước đo năng lực.

Nhưng qua sự việc thay HLV ở CAHN vừa qua, lại không biết phải "đo" trình độ của V-League như thế nào cả. Một đội bóng vừa mới thăng hạng, "gom" người từ mọi nơi có thể về và cứ thế vô địch mà thậm chí chẳng cần đến một dấu ấn của HLV nào cả.

Họ vừa vô địch, lực lượng chỉ có thêm chứ không bớt, ấy vậy mà lại liên tục thay HLV trong khi trình độ thì không nhích lên bao nhiêu. Hết lượt đi mùa trước, CAHN thắng 7 thua 3 sau 13 vòng đấu trong khi mùa này, sau 18 vòng họ thắng 9 thua 5. Tức là dậm chân tại chỗ.

V-League 2023-2024: Lấy thước mà đo… - Ảnh 2.

Chiến thắng của CLB Hà Nội trước ĐKVĐ AFC Champions League là CLB Urawa Red Diamonds xứng đáng được coi là một trong những điểm nhấn đáng nhớ của bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB trong mùa giải 2023/24. Ảnh: Minh Dân

Điều đáng nói là các đối thủ của CAHN ở mùa trước như Hà Nội FC, Thanh Hóa, Thể Công Viettel, Bình Định … đều có kết quả tương tự nếu xét về tỷ lệ trung bình. Như vậy, về lý thuyết thì lẽ ra năm nay CAHN phải chơi tốt hơn, ổn định hơn mới đúng.

Nhưng ngược lại, nhà đương kim vô địch lại đang "chứng minh" cho người ta thấy việc họ lên ngôi năm ngoái là một kiểu… bất ngờ. Đội bóng có sự thăng tiến tốt nhất chính là Nam Định. Hết 13 trận đầu tiên mùa trước họ chỉ thắng 4, còn bây giờ sau 18 trận họ đã thắng đến 12. Điều này cũng phù hợp với mức độ chi tiêu của họ trên thị trường chuyển nhượng.

Vấn đề là nếu Nam Định vô địch thì cũng tương tự như CAHN năm ngoái, tức là chẳng chứng minh được cái gì cả. Hay nói cách khác, là chẳng "đo" được gì ở V-League ngoài yếu tố "mạnh gạo, bạo tiền", hay nói một cách lạc quan là "V-League vẫn thu hút được các nhà đầu tư sẵn sàng chi đậm để có chức vô địch".

Nhưng vậy thì rất ít ý nghĩa đối với sự phát triển của nền bóng đá. Vì vậy mà nếu chọn một đội bóng gây ấn tượng của mùa này, thì vẫn là Hà Nội FC, kể cả khi họ tắt hy vọng vô địch, thậm chí còn đang trên đà sa sút ở mùa giải này.

Năm 2022, họ là nhà vô địch. Năm 2023, họ bị CAHN qua mặt chỉ bằng hiệu số khi 2 đội cùng điểm. Tính đến thời điểm nay, sau 18 vòng Hà Nội FC mới thắng có 7 trận, nhưng con số này không kém quá xa so với mùa trước khi họ kết thúc giải với 11 trận thắng sau 20 vòng đấu.

Sự sa sút về thành tích của Hà Nội FC có thể được lý giải thông qua việc họ phải đá AFC Champions League và ở đó, họ có đến 2 trận thắng thuyết phục trong một bảng đấu rất nặng.

Đó mới là thứ có thể "đo" được. Ngay đầu mùa, Hà Nội FC đã "bỏ" đấu trường V-League khi thuê HLV ngoại, tăng thêm ngoại binh, để cố gắng chinh phục sân chơi châu lục.

Họ không đạt được mục tiêu là vượt qua vòng bảng, nhưng cái cách mà Hà Nội FC nỗ lực để tạo ra những chiến thắng vang dội trước những đội từ Nhật Bản, Trung Quốc khiến cho những khoản đầu tư về nhân sự có được những kết quả nhất định.

Đó mới chính là điều mà bóng đá Việt Nam cần từ V-League và các CLB. Bởi vì thật đơn giản, mục tiêu lớn nhất để làm bóng đá chuyên nghiệp là vươn tầm quốc tế. Thuê HLV và cầu thủ ngoại để làm gì nếu không phải là để mùa sau mạnh hơn mùa trước, tạo ra sự cạnh tranh của nhiều CLB chứ không phải là tất cả cùng dậm chân một chỗ và lùi lại "nhường" cho một đội mới toanh tiến đến chức vô địch V-League quá dễ dàng, khiến cho có muốn đánh giá về những tiến bộ của V-League thì cũng chẳng lấy đâu ra các thang điểm tiêu chuẩn.

Thế nên, có lấy thước mà đo thì cũng khó mà biết V-League đang ở đâu trong tiến trình phát triển của bóng đá Việt Nam. Còn theo Opta Power thì giải đấu số 1 của chúng ta đang đứng thứ 4 Đông Nam Á sau Thai-League, Liga 1 (Indonesia) và Super League (Malaysia).

Tóm lại, cần phải có những thước đo về mặt kỹ thuật cho V-League. Nó không thể là việc tập hơp các tuyển thủ quốc gia về một CLB rồi vô địch, mà phải là tỷ lệ cầu thủ U23, cầu thủ tự đào tạo, thành tích qua từng mùa, tổng chi ròng cho chuyển nhượng… Làm bóng đá mà không "đo" bằng các con số đó thì sao biết được tiến hay lùi.


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm