U23 Việt Nam: Giữa đẹp và hiệu quả

31/03/2015 15:30 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ ai cũng thích một đội bóng thi đấu vừa đẹp vừa hiệu quả, kiểu như Barcelona chẳng hạn. Nhưng với U23 Việt Nam, hay thậm chí bất kỳ đội bóng nào của Việt Nam, đều chưa đạt đẳng cấp để đòi hỏi vừa đẹp vừa hiệu quả khi bước ra đấu trường quốc tế. Trận thua U23 Nhật Bản đã phần nào nói lên điều đó.

1. Trong quá khứ gần, chúng ta từng sướng mắt khi xem U19 Việt Nam mà nòng cốt gồm những cầu thủ HAGL thi đấu. Một thứ bóng đá tử tế, đẹp mắt đã được bầu Đức định hướng cho lứa cầu thủ của mình ngay khi mới ra lò, thậm chí đến lúc tham dự V-League. Đúng là xem các cầu thủ HAGL thi đấu sướng mắt thật, nhưng không phủ nhận rằng các cầu thủ trẻ phố núi phải chịu nhiều áp lực, thậm chí cả thiệt thòi với lối chơi còn hiền lành.

HLV Lê Thụy Hải từng nói: “Bóng đá đẹp mà không thành tích thì vứt đi”. Bầu Đức đã phản biện: “Bóng đá thành tích mà không có khán giả cũng vứt đi”. Chung quy lại, trong tiêu chí thành công của một đội bóng thì phải đá đẹp, giành thành tích và có khán giả. Quá khó với bóng đá Việt Nam hiện nay.

2. Trở lại với trận thua của U23 Việt Nam trước U23 Nhật Bản, không bàn về kết quả mà chỉ trên lĩnh vực lối chơi. Rõ ràng, lối chơi của U23 Việt Nam là chưa đẹp. HLV Miura sử dụng sơ đồ “tử thủ” 5-4-1 với mũi nhọn Công Phượng.



Phòng ngự cũng là chiến thuật để U23 Việt Nam áp dụng khi đối đầu đối thủ mạnh. Ảnh: Phạm Tuân

Mục tiêu của U23 Việt Nam là một trận hòa hoặc thua càng ít bàn càng tốt. Chính vì thế, để hạn chế năng lực tấn công của đối phương, U23 Việt Nam không ngần ngại sử dụng nhiều pha phạm lỗi, trong đó có những tình huống trên mức quyết liệt.

Trong bóng đá, phạm lỗi cũng là chiến thuật, nhưng cầu thủ vượt quá mức quyết liệt thì trở thành thô bạo. Và, U23 Việt Nam ở trận đấu với U23 Nhật Bản đã có nhiều pha bóng "quá chân". Điển hình trong số đó là pha phạm lỗi của hậu vệ Lê Đức Lương ở phút 58. Pha bay người vào bóng của Đức Lương khiến đối phương bị đau, rất may không dính phải chấn thương nặng, khiến người hâm mộ không hài lòng. Tất nhiên, Đức Lương phải nhận thẻ vàng một cách xác đáng. Điều đáng nói, Đức Lương là hậu vệ thuộc biến chế của HAGL, một đội bóng luôn đề cao tiêu chí đá đẹp.

Cú vào bóng quyết liệt trên mức cho phép của Đức Lương đáng chê trách. Nhưng ở khía cạnh thành tích, chúng ta có thể thông cảm cho cầu thủ này. Người đời thường nói “hoàn cảnh đẩy đưa”. Trong trường hợp của Đức Lương, có thể anh cũng như bao đồng đội, phải gánh chịu áp lực quá lớn từ kết quả trận đấu nên đã không giữ được sự bình tĩnh.

Hay nói cách khác, áp lực thành tích của U23 Việt Nam, áp lực từ lối chơi tử thủ của HLV Miura đã không cho phép Đức Lương và đồng đội đá đẹp.

3. Giữa đẹp và thành tích, nếu được chọn thì bất kỳ đội bóng, chiến lược gia và cầu thủ nào cũng “ham” cả 2. Thế nhưng, với U23 Việt Nam trong bối cảnh áp lực thành tích (tấm vé dự U23 VCK châu Á) đè nặng, cộng với thực lực không phải mạnh, họ buộc phải chọn sự hiệu quả, đó là sử dụng nhiều pha phạm lỗi khá thô bạo để ngăn cản đối phương. Đó là lối chơi không được người hâm mộ ủng hộ, nhất là khi kết quả thầy trò HLV Miura thua 0-2.

Giấy mực đã tốn khá nhiều vì tranh luận về bóng đá đẹp và thành tích. Ai cũng thích bóng đá đẹp nhưng nếu có thành tích thì bóng đá đẹp mới đáng tôn vinh. Trong trường hợp này, U23 Việt Nam chưa đẹp mà cũng chưa chắc có thành tích nên khó được người hâm mộ ủng hộ. Đơn giản, bởi lâu nay người hâm mộ coi  lối chơi duy mỹ của U19 HAGL, của U23 Việt Nam như là "cứu cánh" cho một cuộc giảm thiểu vấn nạn bạo lực ở V-League, và một bộ phận cầu thủ các ĐTQG.

Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm