“Siết” chỉ tiêu tuyển sinh - Động lực cho các trường di dời

19/02/2011 14:38 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Bộ GD&ĐT vừa đưa ra nguyên tắc xác định chỉ tiêu cho các trường ĐH, CĐ năm 2011. Theo đó, các trường nếu có đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên nhưng không đủ điều kiện về tiêu chí cơ sở vật chất sẽ không được tăng chỉ tiêu hệ chính quy, đồng thời các chỉ tiêu còn lại (vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai, cao đẳng nghề và trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề) sẽ giảm so với năm trước.

Tiêu chí về điều kiện cơ sở vật chất là diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học tính trên 1 sinh viên, học sinh quy đổi tối thiểu là 2m2.

Chiếu đúng theo quy định này, nhiều trường sẽ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là các trường khu vực nội thành các thành phố lớn như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp TP.HCM.

Phóng viên TT&VH đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Ông Bùi Văn Ga tại Hội nghị Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011

* Thưa ông, vì sao năm nay Bộ lại có điều chỉnh này?

- Chúng ta muốn có các trường đại học tầm cỡ khu vực và thế giới thì phải nâng cao chất lượng. Trong khi đó, cùng với đội ngũ giảng viên thì cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo. Trước đây, yêu cầu về diện tích sàn quy đổi trên sinh viên vẫn là một trong hai tiêu chí để xác định chỉ tiêu, nhưng nguyên tắc xác định chỉ tiêu chưa rõ ràng.

Với nguyên tắc mới này, dù trường có số lượng giảng viên nhiều, chất lượng giảng viên tốt đến đâu mà cơ sở trường lớp không đảm bảo vẫn không thể tăng quy mô. Theo đó, mùa tuyển sinh năm nay sẽ có nhiều trường không được tăng số lượng chỉ tiêu so với năm 2010.

Tầm nhìn của lãnh đạo trường

* Nhưng với diện tích đất chật hẹp, việc tăng cường diện tích sàn là bài toán không đơn giản với các trường, thưa ông?

- Điều này đòi hỏi sự linh hoạt, chủ động và tầm nhìn của lãnh đạo trường. Nếu trường thấy chật chội thì phải tìm cơ sở mới. Ví dụ như ĐH Luật TP.HCM, lãnh đạo trường đã sớm nhận thấy nhu cầu phải mở rộng quy mô đào tạo, phải phát triển trường hơn nữa, và điều này đương nhiên đồng nghĩa với việc phải mở rộng diện tích. Họ đã sớm lên kế hoạch xin di dời đến địa điểm mới rộng rãi hơn, và đã được cấp đất.

Hiện nay, Chính phủ đang có kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có yêu cầu, từ tháng 2 đến tháng 8/2011, các trường phải đăng ký di dời. Đây là một cơ hội tốt.

Việc Bộ đề ra nguyên tắc xác định chỉ tiêu như trên cũng là một cách để tạo động lực, buộc các trường phải tính đến chuyện di dời. Nếu không di dời đồng nghĩa với việc không được tăng chỉ tiêu, không thể phát triển quy mô đào tạo.

* Bộ có tính đến những khó khăn cho công tác tuyển sinh và giảng dạy của các trường khi di dời?

- Chúng tôi không nghĩ khi di dời các trường ĐH sẽ khó khăn hơn trong khâu tuyển sinh hay giảng dạy, mà ngược lại việc chuyển trường ra ngoại thành sẽ tạo một quỹ đất rộng lớn để trường có cơ hội phát triển lâu dài. Một trường ĐH không thể chỉ có vài chục mét vuông. Thực tế, trên thế giới đã có những trường rộng hàng trăm hecta. Vì vậy, các trường ĐH của chúng ta cần đổi mới để không chỉ hợp với chuẩn Việt Nam mà còn tiến tới hợp chuẩn quốc tế.

Thí sinh làm bài thi môn Toán tại Đại học Thủy lợi
Giáo viên và những người tham gia giảng dạy cũng nên ý thức được việc di dời các trường là chủ chương đúng. Các trường được di dời thành công sẽ có cơ hội mở rộng quy mô trường, tạo nguồn lực để phát triển lâu dài hơn.

Chúng tôi cũng đã nghe ngóng qua những khó khăn của các trường. Vì thế, về phía Bộ, chúng tôi cũng rất mong muốn Chính phủ có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại cho giáo viên, sinh viên như mở các tuyến xe buýt.

Di dời càng sớm, càng được đất “đẹp”

* Phải di dời nhưng tới thời điểm này, nhiều trường cho biết họ vẫn chưa có thông tin nào từ phía Bộ, thưa ông?

- Chủ chương này là của Chính phủ. Cuối năm 2010, trong cuộc họp của Chính phủ với Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng... do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì đã đặt ra vấn đề di dời các cơ sở giáo dục, y tế từ nội thành ra khu vực ngoại thành. Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành phụ trách các vấn đề liên quan tới ngành mình.

Bộ GD&ĐT được giao việc xây dựng các tiêu chí mang tính chuyên ngành như số lượng sinh viên, diện tích trường, lịch sử phát triển... Các tiêu chí này Bộ vẫn đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thiện trong tháng 3 tới.

Hiện nay Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch giải phóng quỹ đất ngoại thành để chuẩn bị bàn giao cho các trường đại học muốn đăng ký di dời.

* Tiêu chí chưa hoàn thiện nhưng đã có danh sách 12 trường phải đăng ký di dời sớm nhất?

- Đó là theo ý kiến của Thành phố Hà Nội, dựa trên tiêu chí của họ. Bộ GD&ĐT cũng tính đến những trường có lịch sử lâu đời như ĐH Dược, hoặc các trường gắn chặt chẽ với điều kiện cơ sở vật chất như trường y phải đi liền với bệnh viện thì việc di dời là rất khó.

Tuy chưa có quyết định chính thức về việc trường nào phải đi, trường nào di dời trước, trường nào di dời sau, trường nào sẽ tiếp tục cải tạo và phát triển; nhưng tôi cho rằng các trường nên chủ động nhìn nhận lại mình, nếu cần đi thì nên đăng ký sớm. Càng đăng ký sớm, các trường càng có diện tích lớn hơn, vị trí đẹp hơn và đi xa hơn. Điều quan trọng là lãnh đạo trường phải có trách nhiệm cho tương lai chứ không phải chỉ làm cho hết nhiệm kỳ.

* Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm