Tai nạn thảm khốc ở Japanese Grand Prix: F1 phải thay đổi

07/10/2014 14:35 GMT+7 | Tốc độ

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 5/10, Lewis Hamilton đăng quang chặng đua Japanese Grand Prix. Khác với những lần về nhất trước, Hamilton không thể nở nụ cười khi đứng trên bục podium và nhận phần thưởng cho tay đua xuất sắc.

Chiến thắng của anh ở chặng đua đã bị bao trùm bởi bầu không khí ảm đạm do tai nạn thảm khốc của tay đua Jules Bianchi (đội Marussia).

Cầu nguyện cho Bianchi

Vụ tai nạn của Bianchi tại đường đua Suzuka (Nhật Bản) là nghiêm trọng nhất trong các tai nạn ở giải đua F1 kể từ khi Felipe Massa bị đe dọa tính mạng sau tai nạn ở Hungary Grand Prix năm 2009. Massa đã phục hồi sau ca phẫu thuật hộp sọ năm đó. Bây giờ, cả thế giới cũng đang cầu mong Bianchi có được may mắn như bậc tiền bối. Tay đua người Pháp đã trải qua ca phẫu thuật điều trị chấn thương đầu nghiêm trọng trong đêm Chủ nhật. Đội đua Marussia cho biết tất cả cần bình tĩnh và đợi chờ 24h nữa mới biết được tình hình cụ thể của Bianchi.

F1 may mắn không chứng kiến thêm cái chết thảm khốc nào kể từ khi Ayrton Senna thiệt mạng ở San Marino năm 1994. Đó cũng là thời điểm người ta tiến hành một loạt những cải cách ở F1. Xe được sản xuất với yêu cầu an toàn cao, mũ bảo hiểm được thiết kế theo quy định nghiêm ngặt, hàng rào lốp xe được thay đổi bằng hàng rào can nước… Tuy nhiên, cho tới tai nạn của Bianchi, người ta mới vỡ lẽ ra rằng, điều ban tổ chức F1 cần làm trước tiên là… đổi thay chính mình.

Dù có nhiều ý kiến lo ngại về sự an toàn, chặng đua F1 tại Suzuka vẫn diễn ra đúng lịch dưới điều kiện mưa lớn, mặt đường trơn trượt do ảnh hưởng của cơn bão Phanfone sắp đổ bộ vào Nhật Bản. Cuộc đua bắt đầu vào 3h chiều (giờ địa phương) chủ yếu với mục đích tạo tính hấp dẫn đối với thị trường truyền hình châu Âu. Tại Suzuka, nơi bóng tối buông xuống nhanh chóng vào lúc 5h30 chiều, bất kỳ sự chậm trễ liên quan nào đều kéo cuộc đua vào lúc hoàng hôn, thời điểm hạn chế tầm nhìn của các tay lái.

Hiểm họa trong giông bão

Những gì xảy ra trên đường đua đúng như người ta lo ngại. Điều kiện thi đấu tồi tệ khiến cuộc đua bị ngắt quãng nhiều lần. Các tay đua ba lần phải thi đấu sau xe an toàn với tổng cộng 12 vòng đua, hai lần cờ đỏ được phất lên để tạm dừng cuộc đua do mưa quá nặng hạt. Càng về cuối chặng, mưa càng lớn. Trời tối, đường trơn khiến nhiều pha mất lái diễn ra ở các khúc đua. Adrian Sutil là người đầu tiên phải bỏ cuộc do tai nạn khi mất lái và lao vào hàng rào chắn tại góc cua Dunlop ở vòng 43. Đúng một vòng sau đó, đến lượt Bianchi gặp nạn cùng địa điểm với Sutil. Tuy nhiên, không may cho tay đua người Pháp là xe cẩu xuất hiện tại đó để đưa chiếc C33 của Sutil ra khỏi khu vực đường đua khiến chiếc MR03 của anh đâm thẳng vào xe cẩu. Bianchi bất tỉnh, được đưa đến bệnh viện bằng xe cứu thương.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nguy cơ cuộc đua xảy ra vào lúc xế chiều, tại sao ban tổ chức không dời thời điểm bắt đầu sớm hơn? Dẫu biết rằng những giao kèo tài chính và hợp đồng bản quyền truyền hình là phức tạp để hủy bỏ nhưng an toàn là điều quan trọng trong một cuộc đua. FIA không phải lần đầu tiên rơi vào sự cố này nhưng những ràng buộc về tiền bạc khiến họ không (không thể) đưa ra quyết định sáng suốt.

Năm 1976, Niki Lauda từng kiến nghị hoãn cuộc đua ở Nurburgring (Đức) vì thời tiết xấu. Đề xuất không được FIA chấp thuận cũng vì vấn đề bản quyền truyền hình. Một tai nạn thảm khốc đã xảy ra, chiếc xe Ferrari mà Lauda điều khiển đã trở thành một quả cầu lửa. Lauda may mắn thoát chết nhưng bị bỏng nặng phần mặt và giải nghệ không lâu sau đó.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm