Từ Bắc Kinh 2008 tới London 2012: Người Anh đã bắt đầu đếm ngược

26/08/2008 16:11 GMT+7 | Olympic 2008

(TT&VH) - Xếp thứ 4 toàn đoàn, với 19 HCV, con số kỷ lục tại một kỳ TVH trong vòng 100 năm qua, những VĐV Anh đã được chào đón như người hùng khi họ trở về London ngày hôm qua. Tất nhiên, bên cạnh đó còn là những sự kỳ vọng lớn lao.

Chiếc Boeing 747 sang trọng của hãng British Airways đã được sơn toàn bộ phần mũi màu vàng để chúc mừng chiến thắng của đoàn thể thao xứ sở sương mù. Đích thân thủ tướng Gordon Brown đã ra tận phi trường Heathrow để đón tiếp và chúc mừng các VĐV, HLV trở về sau 10 tiếng đồng hồ bay. Nữ hoàng Elizabeth phát biểu "Chiến thắng vàng ngày hôm nay là một động lực lớn lao để những con người của 4 năm tới thêm cố gắng để thể thao Anh tỏa sáng ở London 2012". Trong khi đó, báo chí Anh không ngớt lời ca ngợi khi giật những dòng tít như "Luồng gió mới ở Trung Quốc" hay thần "Midas là người Anh".
 
Chris Hoy (trái, xe đạp lòng chảo) và Rebecca Adlington (bơi lội)
là những người hùng của đoàn thể thao Anh

Với 14 huy chương, trong đó có 8 HCV, xe đạp là niềm tự hào của người Anh ở kỳ TVH lần này, song họ cũng phải đối mặt với không ít sức ép để ít nhất duy trì được thành tích vừa giành được. Trả lời trên tờ Scotsman, Chủ tịch UB Olympic Anh Colin Moynihan khẳng định "Các quốc gia khác đang cố gắng câu kéo các HLV giỏi của chúng ta. Cần phải có những sách lược để giữ chân họ". Ví dụ đầu tiên chính là trường hợp của Brailsford, trưởng đoàn của đội đua xe đạp Anh đã nhận được những lời đề nghị hấp dẫn từ nước ngoài. song ông tuyên bố thẳng thừng sẽ không có chuyện dẫn dắt một đội nước ngoài khi London đăng cai TVH 2012.

Theo Moynihan, chỉ có lòng tự tôn dân tộc thôi cũng không đủ, và ông đang xúc tiến việc thưởng hậu hĩnh cho các HLV và VĐV giành thành tích xuất sắc ở TVH vừa qua. Thậm chí thủ tướng Brown còn khẳng định rằng Hoàng gia Anh sẽ phong tước hiệp sĩ cho những người có đóng góp lớn cho thành công của thể thao nước nhà.

Về công tác tổ chức, 4 năm nữa, người Anh không hy vọng đạt được quy mô lớn như Trung Quốc. Về mặt cơ sở vật chất, Trung Quốc có nhiều tiềm lực hơn hẳn. Số bộ môn thi đấu ở Olympic 2012 đã giảm từ 32 xuống còn 30 môn. Tuy nhiên, người Anh thì cam kết rằng các VĐV đến nước này sẽ có cảm giác như ở nhà bởi London là một thành phố với nhiều nền văn hóa khác nhau.

Xếp thứ 3 ở London 2012?

Với 19 HCV trong tổng số 47 huy chương giành được, Anh chỉ kém Trung Quốc (51/100), Mỹ (36,/110) và Nga (23/72). Và theo Chủ tịch Ủy ban Olympic Anh Moynihan thì mục tiêu của nước này ở London 2012 là xếp thứ 3 bảng tổng sắp huy chương. Nếu dựa theo thành tích đã giành được ở Bắc Kinh vừa qua thì phải chăng đây là một mục tiêu quá khiêm tốn của xứ sương mù?

Thực ra, đây là một cái nhìn hoàn toàn thực tế của Moynihan sau khi đã tham vấn các liên đoàn thể thao thành viên cũng như đánh giá tình hình của những đối thủ chính. Kể từ năm 1912 đến trước TVH Bắc Kinh này, Anh chưa bao giờ vượt quá vị trí thứ 4, kể cả khi được đăng cai thế vận hội 1948 (thậm chí, đó còn là thảm họa khi họ xếp thứ 12). Trong khi đó, Nga dù đã sa sút so với chính họ vẫn đủ sức vượt Anh. Việc xác định mục tiêu tốp 3 sẽ khiến các VĐV không phải chịu sức ép quá lớn về thành tích Nhưng có một tấm HCV mà người Anh đang cực kỳ khao khát, đó là ở môn bóng đá bởi đây vốn được coi là quê hương của môn thể thao Vua này. Thủ tướng Brown khẳng định rằng các nhà thể thao của Anh vẫn đang nỗ lực mời Sir Alex Ferguson dẫn dắt ĐT chung cho Vương quốc Anh ở London 2012.
T.C

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm