Trưởng đoàn Hoàng Vĩnh Giang: Không phải “Thi xong tất cả lại về”

25/08/2008 09:35 GMT+7 | Olympic 2008

(TT&VH) - Olympic đã khép lại tối qua và kết thúc với TTVN trước đó 1 ngày. Trưởng đoàn Hoàng Vĩnh Giang đã trao đổi với TT&VH ngay tại Làng Olympic Bắc Kinh.

TTVN có một mâu thuẫn lớn: Giành vé rồi là hết sức

*Điều đầu tiên tôi muốn hỏi, ông nhìn nhận thế nào TTVN tại Olympic 2008?

- Cũng thật khó nói là thành công hay thất bại. Xét về thành tích thì chúng ta chỉ lặp lại được kết quả ở Olympic Sydney 2008 thôi. Nhưng có một điều khác biệt là chúng ta đã có một số lượng VĐV tham dự đông hơn với các số môn cũng nhiều hơn, 13 VĐV ở 8 môn.

*Nhưng thưa ông, có một thực tế là: các VĐV đặc cách của chúng ta hầu hết đều gây thất vọng rất lớn. Họ thi đấu tồi xét trên phương diện tinh thần và cả phương diện kết quả.

- Đúng là có những VĐV đã không đạt kết quả tốt. Như Hữu Việt (bơi), kết quả của Việt rất kém so với trước kia. Nguyễn Đình Cương cũng vậy. Nhưng Vũ Thị Hương, dù thời gian thì không tốt, nhưng Hương lại lọt vào đến vòng loại thứ hai. Nguyễn Thị Thiết ở môn cử tạ nữ cũng đã thi đấu tốt. Kiến Quốc (bóng bàn) rất đáng khen với 2 trận thắng.

*Có nhữngVĐV đi theo diện vé vớt đã không đánh bóng được hình ảnh của TTVN, mà trái lại?

- Sự hiện diện của các VĐV này còn có một ý nghĩa: cho thế giới biết, à ở đất nước Việt Nam này có một VĐV như thế, tham dự một môn như thế. Ngay cả Ngân Thương, sự hiện diện của em cũng rất tự hào chứ. Tiếc là Thương vì thiếu hiểu biết, nên mắc tai nạn thôi. Viên thuốc giảm béo có chứa chất bị cấm mà Thương uống ấy chỉ có giá 400 đồng thôi. Còn những VĐV như xạ thủ Mạnh Tường, tôi nghĩ có được tấm giấy mời thì cũng là tốt rồi. Vả lại, chúng ta hô hào hội nhập, không ai cứ ngồi nhà mà hội nhập được cả.

Còn các VĐV khác đến Olympic Bắc Kinh 2008 là nhờ chính sự nỗ lực của họ, đến bằng cửa chính, song đã không giành được kết quả tốt, thì tôi nghĩ thế này: Như Tiến Minh chẳng hạn, bao nhiêu sức lực anh đã dồn hết vào việc giành vé rồi, nên đến Bắc Kinh thì Tiến Minh đã cạn kiệt. Mà thực tế, Tiến Minh đứng hạng 24 thế giới cũng là nhờ thi đấu nhiều, chứ xét về mặt thể thao, Tiến Minh không có ưu thế, vì thấp hơn và yếu (về sức khỏe) so với đối phương. TTVN có một mâu thuẫn rất lớn, chúng ta tập trung đầu tư hết vào để giành vé đi Olympic rồi nên sau đó gặp nhiều khó khăn.

Chúng tôi không thi xong xuôi tất cả lại về

*Vậy ông nhìn nhận thế nào về việc chúng ta chỉ giành được 1 HCB và đứng ở vị trí thứ 71 trên bảng tổng sắp (năm 2000 là 64)?

- Cũng khó có thể nói là đại thành công. Nhưng có thể coi là đạt chỉ tiêu. Vì trong lần được Chủ tịch nước tiếp, Chủ tịch có căn dặn rằng đoàn TTVN không nhất thiết phải đoạt được huy chương. Thực ra thì trong lòng ai cũng mong huy chương cả. Và cuối cùng thì chúng tôi cũng có 1 cái huy chương chứ không phải “thi xong xuôi tất cả lại về” như các nghệ sĩ hài từng nói.

*Nhưng chúng ta chờ đợi không chỉ 1 chiếc HCB?

- Taekwondo đã thi đấu không thành công. Sự đầu tư cho Taekwondo có thể chưa bằng các nước khác nhưng có thể nói là tốt nhất cho mục tiêu Olympic 2008. Có lẽ là đã có một vấn đề gì đó từ BHL Taekwondo chăng, tại sao chúng ta đăng cai vòng loại Olympic mà lại chỉ có 3 VĐV được đi Olympic. Giá như chỉ cần có 1 tấm HCĐ, chúng tôi sẽ vượt lên so với Sydney 2000 ngay. Nhưng tôi cũng khẳng định lại một lần nữa là các VĐV Taekwondo đã chơi hết sức mình, rất quyết tâm. Có người nói các võ sĩ của chúng ta đánh yếm thế. Nhưng vì chiến thuật Taekwondo nó thế, tấn công là dễ bị phản đòn ngay.

*Chúng ta đã không thể cải thiện thành tích của mình so với Sydney 2000 dù số lượng VĐV tham dự nhiều hơn. Việc chuẩn bị không tốt phải chăng chính là nguyên nhân lớn nhất?

- Có một số nước thì lên kế hoạch 4 năm. Nhưng có một số nước thì quá trình chuẩn bị của họ kéo dài chục năm. VĐV Ngân Thương của chúng ta cũng đã tập luyện tới 10-12 năm rồi. VĐV Ngọc Trúc của taekwondo thì nằm trong chương trình Thế hệ vàng của thể thao TP HCM. Xạ thủ Mạnh Tường cũng có mấy chục năm thi đấu, được tham dự Olympic cũng không phải là điều đơn giản đâu. Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Văn Hùng cũng tập từ lâu rồi.

Lực sỹ Hoàng Anh Tuấn giành huy chương duy nhất cho Đoàn TTVN

Bao giờ có HCV: Câu hỏi chưa lời đáp

*Vâng. Nhưng ý tôi muốn nói chuẩn bị cho Olympic là chuyện chiếc lược, chương trình đầu tư, chế độ… chứ không phải là việc tính từ khi họ bắt đầu tập luyện thể thao và tập theo chế độ bình thường rồi tới đầu năm nay họ mới được hưởng một vài sự thay đổi.

- Chuẩn bị cho Olympic là rất phức tạp. Nếu chúng ta tham dự để cạnh tranh, sánh vai với các cường quốc thì không thể chỉ ăn với mức độ 60.000 đồng/người/ngày, rồi tăng lên là 120.000 hay 150.000 và trong một vài ngày tăng lên 200.000 đồng. Cái đó không phải là lỗi của ngành thể thao. Cái chính là cơ chế đã thay đổi hơi chậm so với sự tiến bộ (sự đòi hỏi) của các VĐV. Cũng có một yếu tố khách quan là ảnh hưởng từ sự trượt giá rất ghê gớm. 60.000 đồng ở một số nơi chỉ đủ ăn 1 bát phở thì các VĐV làm sao có thể ăn được. Lần này chúng ta cũng đã rất cố gắng, liệu cơm gắp mắm, nhưng so với các nước thì không thể.

*Như ông nói là các nước đầu tư cho Olympic tới cả chục năm. Vậy với cách làm hiện nay, nói đúng ra là không có sự chuẩn bị dài hơi, liệu bao giờ chúng ta mới có thể cải thiện thứ hạng của mình ?

- Có lẽ là thông tin của anh không chuẩn xác. Vì hiện nay, như ở Hà Nội đã có chương trình đầu tư tập huấn rồi. Các địa phương cũng đã chuẩn bị cho Đại hội TDTT 2010 cũng rất quan trọng. Ngành thể thao, các vụ cũng nhận thức được điều đó. Chúng ta phải xác định các môn mũi nhọn, phù hợp với tố chất, thể trạng. Chúng ta cũng phải tìm những địa điểm tập huấn mới phù hợp, vừa rẻ vừa chất lượng. Nhưng quan trọng nhất là tìm kiếm nhân tài. Jamaica đấy, họ có những tài năng đặc biệt nên vượt lên trên cả Mỹ ở điền kinh cự ly ngắn. Biết đâu, ở nơi nào đó của Việt Nam chúng ta cũng có các tài năng. Việt Nam không thể chỉ có một Hoàng Anh Tuấn, một Nguyễn Văn Hùng được.

*Xin cảm ơn ông!
 
Phạm Tấn (từ Bắc Kinh)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm