Nhà báo Nguyễn Lưu: SEA Games cũng là sân khấu bốn mặt

22/11/2011 12:03 GMT+7 | SEA Games 26

(TT&VH) - Nhà báo Nguyễn Lưu từng nhiều lần tham dự trực tiếp hoặc “ăn ngủ” với các đấu trường SEA Games, ASIAD, Olympic. Ngay tại trung tâm báo chí ở Palembang, khi SEA Games 26 đang tàn cuộc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà báo lão làng này về những vấn đề liên quan.

Chuyện Palembang

* Thưa nhà báo Nguyễn Lưu, chúng tôi thực sự kính nể ông, ở tuổi 70, ông vẫn còn rất vâm váp và mẫn tiệp, lên truyền hình rồi viết bài ầm ầm. Ông có suy nghĩ gì về lực lượng phóng viên ta ở SEA Games.

- Tôi lạc quan về các bạn. Lực lượng không những đông mà còn còn rất tinh, tính chuyên nghiệp và nhanh nhạy cao. Tôi thấy phóng viên thể thao bây giờ nhiều bạn trẻ đã được đào tạo bài bản, có phông văn hóa rất tốt nên bài vở các bạn rất có hồn. Tôi nghĩ đấy là đích đến của những người làm báo thể thao chân chính.

* Trong những lần chinh chiến SEA Games, một giải đấu được coi là  “ao làng”  với bao chuyện hài hước, ông có ấn tượng với SEA Games nào nhất?

- Đấy vẫn là kỳ SEA Game 21 tại Malaysia. Tôi nghĩ đó là quốc gia tổ chức SEA Games đàng hoàng, tử tế nhất. Không có tắc đường, các dịch vụ tốt, văn minh. Hệ thống hiển thị các môn tốt nhất. Nhưng là dân làm nghề, tôi muốn nói đến những khoảnh khắc đáng nhớ khác. Đấy là năm đó, bóng chuyền Việt Nam lần đầu tiên giành ngôi á quân, sau trận thắng đầy nghẹt thở trước Philippines. Trận đó dấu ấn của chuyền hai Đặng Thị Hồng chói lòa như thánh sống. Thương hiệu Hồng “chuột”  phát tiết từ đó. Năm đó điền kinh Việt Nam cũng thành công rực rỡ với hàng loạt tên tuổi như Khánh Đoan (2 HCV), Bích Vân (nhảy 3 bước), Thu Lan (nhảy xa), Phan Văn Hóa (800m).  Chưa bao giờ lãnh đạo đoàn TTVN có sự đồng thuận và tập trung được chất xám như thế, Trưởng đoàn Đoàn Thao, phó Đoàn Nguyễn Hồng Minh và trưởng lão Nguyễn Đình Khoái, những ông tướng thế thao đúng nghĩa. Thể thao VN trong ba năm trở đây đang thiếu những lãnh đạo kỳ tài. Khổng Minh khi thấy Khương Duy đánh Thục ở Thành đô đã nói rằng : “Quân có cần nhiều hay ít đâu. Cần có tướng tài để chỉ huy họ”.

Nhà báo Nguyễn Lưu khi cùng cựu HLV Henrique Calisto
trong một trận đấu tại V-League. Ảnh : V.S.I

* Còn tại Indonesia và Palembang nói riêng, cảm nhận của ông thế nào?

- Các bạn nhìn nhận thế nào, còn tôi thấy mảnh đấy này cũng thú vị. Đây là mảnh đất trù phú, có chiều sâu văn hóa.  Không ngẫu nhiên mà lãnh đạo nhà Indonesia chọn đây là địa điểm thứ hai tổ chức SEA Games. Xu hướng tổ chức các hoạt động thể thao sau này sẽ kéo về Palembang. Dĩ nhiên, mỗi vương quốc xưa nào cũng khó phát triển về kinh tế thời hiện đại, ở ta cũng thế.  Palembang chưa được kích cầu vì nơi đây khá cách trở. Nhưng tôi tin sau SEA Games này, nơi đây sẽ thay da đổi thịt. Tôi nhìn thấy ở Palembang những bóng dáng của tuổi trẻ, có một chút của các tỉnh nam miền Trung, có chút của Tây Nguyên. Đành rằng công tác tổ chức ở Palembang có phần thiếu chu đáo, nhưng đấy là đặc điểm tính cách của họ, rất hướng nội chứ không thích phô ra ngoài và chú ý làm hình ảnh.

Chuyện thành tích của đoàn TTVN

* Ông có bất ngờ khi TTVN nằm trong tốp 3 đội mạnh nhất? Và thành tích đó liệu đã khẳng định trình độ của TTVN đã đạt một tầm cao mới.

- Không bất ngờ về vị trí của chúng ta, nhưng SEA Games cũng là sân khấu có bốn mặt cả Đông Nam Á sẽ nhìn vào đó. Tôi thấy Thái Lan vẫn là cường quốc thể thao của khu vực, bằng chứng là họ vẫn cực mạnh ở những môn mũi nhọn.  Họ đầu tư rất mạnh vào các nội dung trọng điểm một cách chuyên nghiệp. Tôi ví dụ, bóng chuyền nam có hai trợ lý chuyên ghi chép, quay video clip để phục vụ công tác chuyên môn. HLV trưởng chỉ mõi nhiệm vụ chỉ đạo trên sân. Bạn có thấy buồn cười không khi HLV thấy cảnh ông Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam Nguyễn Bá Nghị lại lại phụ trách môn ...leo tường.

* Chúng ta vẫn mắc cái bệnh đầu tư dàn trải quá. Có cần nhất thiết phải kéo đại quân  đông và tốn kém như thế, nhiều môn như thế không?

- Tôi nghĩ là không cần thiết. Những môn đi theo hình thức xã hội hóa thể thao cũng cần xã hội hóa đến nơi đến chốn, không thể thao kiểu khoán trắng. Tôi tìm hiểm thì được biết, Malaysia các suất đi theo dạng xã hội hóa thể thao, nếu  VĐV đoạt HCĐ trở lên thì chế độ sẽ được tính từ quá trình VĐV đó tập luyện chuẩn bị. Thế mới tạo được sự kích thích và giúp VĐV yên tâm cống hiến. Tôi rất thương các VĐV đi theo kiểu xã hội hóa của ta. Ngay cả chế độ của VĐV các bộ môn khác cũng rất thấp so với cầu thủ bóng đá. Cầu thủ ăn mặc quần áo sang trọng, ở khách sạn 5 sao, có trưởng đoàn riêng và tiền thưởng thì cao ngất. Đấy là sự vô lý, quá bất công.

Hiện tượng quân anh quân tôi đã trở thành một nỗi hiểm họa từ lâu với TTVN trước và trong kỳ SEA Games này đã có, như ở quần vợt, điền kinh, vật, cử tạ.

Kình ngư Hoàng Qúy Phước là một tài năng hiếm có của TTVN
rất cần được đầu tư có trọng điểm. Ảnh : Quang Nhựt

* Có những cú ngã rất kỳ khôi tại SEA Games 26. Đầu tiên là Nguyễn Tiến Minh. Ông có bất ngờ?

- Theo dõi nhiều khi Tiến Minh thi đấu quốc tế, tôi thấy VĐV này thể trạng và bản lĩnh chưa hoàn hảo. SEA Games là đấu trường áp lực và ảnh hưởng đến vị trí, thương hiệu nên Tiến Minh đã không chiến thắng được bản thân mình. Tôi nghĩ vai trò và trách nhiệm của những người quản lý anh cần phải được đề cập rạch ròi hơn. Cũng như Vũ Thị Hương thất bại  mới thấy cảnh người lớn đổ lối cho nhau, mà không nhận cái sai của mình trong việc tập huấn làm sao để Hương chấn thương nặng.

Thạch Kim Tuấn bị cho là ngôi sao, vậy các thầy cô đã làm sao để Tuấn bị bệnh sao như dư luận đang rỉ tai. Thú thực, tôi không mấy ấn tượng và hy vọng Thạch Kim Tuấn sẽ tiến xa bằng Trần Lê Quốc Toàn. Vóc dáng của Thạch Kim Tuấn không phải là VĐV cử tạ. Nên nhớ VĐV số một thế giới người Thổ Nhĩ Kỳ ở hạng 56kg chỉ cao 1m62. Hoàng Anh Tuấn dưới 1m60.  Đô cử kỳ tài phải có tướng ngũ đoản, trong tâm tốt để rút ngắn tối đa sức mạnh cơ bắp tạo điều kiện để đường đi của tạ sẽ ngắn hơn. Thạch Kim Tuấn người cao, có thể anh chơi ở hạng kg nặng hơn sẽ tốt hơn. Trần Lê Quốc Toàn thì khác, anh đúng là sinh ra cho cử tạ. Toàn rất biết mình biết ta, rất thông minh, nhạy cảm. Đô cử giỏi phải phát triển cả tri thức hiểu biết, bên cạnh sức mạnh cơ bắp.

U23 VN thua không thể đổ hết trách nhiệm cho ông HLV Falko Goetz và các cầu thủ, VFF, Tổng cục TDTT, Bộ Văn Hóa- TT&DL phải nhận trách nhiệm trước nhà nước và nhân dân. Nếu không, sẽ có ông Goetz B, C, D...và bóng đá VN không thể ngóc đầu lên nổi. Tôi nghĩ nếu dùng HLV ngoại, thì cần phải dùng cho tới, tức là trả lương thật cao và thuê HLV thật giỏi.

Chuyện U23 và VFF

* Theo ông, U23 thua do đâu ? Do HLV hay là vấn đề nào?

- Tôi nghĩ do cách làm. Tôi không tin hơn 85 triệu dân bóng đá Việt Nam thiếu người tài. Cầu thủ Việt ai cũng thừa nhận có kỹ thuật cá nhân tốt. Có giải VĐQG như thế nhưng tâm lý kém, không có tiền đạo thì  là do cách làm của VFF có vấn đề.  Thái Lan cũng vậy, do cách làm đang bế tắc. Hãy xem sự phát triển ngày càng đi lên của Malaysia, đấy là sự khác biệt về cách làm. Rất nhiều VĐV đã tỏa sáng ở SEA Games một cách bất ngờ, như Dương Văn Thái, Dương Việt Anh (điền kinh), Thanh Phúc (đi bộ), Hoàng Quý Phước (bơi)..Điều đó chứng tỏ chúng ta không thiếu người tài đâu. Nhưng nếu các em không được đầu tư, thì tôi sợ vẫn không thể vượt ngưỡng.

* Tôi tâm đắc với chuyên gia Vũ Mạnh Hải khi ông nói rằng, hãy trả bóng đá về cho bóng đá. Ông Lê Thế Thọ thì nói VFF cần có người vừa hồng vừa chuyên. Ai cũng thấy lãnh đạo VFF hiện nay đa số không phải xuất thân từ bóng đá.

Đây là lúc nên tiến hành Đại hội bất thường, để tái cấu trúc lại VFF trước khi quá muộn.  11 năm qua, bóng đá hoạt động trái với Pháp lệnh nhà Nước, trái với luật Thể dục thể thao. Những người quản lý về bóng đá giàu trông thấy. Giá trị và giá trị sử dụng cầu thủ không tương thích. Lãng phí chất xám và năng lực tài chính của các doanh nghiệp. Bóng đá luôn làm đau lòng nhân dân, chẳng lẽ không ai có thể quản lý và uốn nắn được nền bóng đá thoát ra khỏi sự trì trệ trầm kha? Tôi không tin là thế.

Tôi không tin với thành tích tốp 3, thể thao VN đã tiến về đẳng cấp. SEA Games cũng là sân khấu bốn mặt ai cũng thấy rõ và chưa bao giờ người hâm mộ thấy rõ thực trạng của TTVN, và bộ mặt thật của BĐVN và VFF, cơ quan đầu não đang cần phải thay đổi triệt để. Lâu nay, cả đất nước bất lực với bóng đá và với VFF, một thành trì kiên cố và bảo thủ hơn cả thời bao cấp.* Cảm ơn nhà báo Nguyễn Lưu và chúc ông tiếp tục sát cánh cùng TTVN.

Ngọc Hòa (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm