Hẹn ngày gặp lại, Thụy Sĩ…

18/06/2008 07:10 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Thụy Sĩ là một nơi thanh bình, đẹp đẽ và nên thơ, một nơi đáng sống và đáng dừng lại lâu hơn để chiêm nghiệm cuộc sống. Nhưng vì trái bóng EURO vẫn lăn, chúng tôi phải đi.

Khi tôi viết những dòng này để gửi về tòa soạn, chúng tôi đang ở Zurich, điểm dừng chân cuối cùng của nhóm phóng viên TTXVN tại EURO trên đất Thụy Sĩ trước khi sang Áo tiếp tục cuộc hành trình. Đêm trước, chúng tôi ngủ đêm cuối ở Luzern, trong một khu cắm trại của những người thích khám phá và du lịch. Khu trại nằm bên hồ Luzern ấy chính là nơi chúng tôi đã ở lại lâu nhất trên đất Thụy Sĩ, một tuần, sau khi đã nằm lại 5 ngày ở Geneve, và vài đêm ngủ qua đêm ôtô, không phải chỉ tại giá thuê phòng ở Luzern rẻ (một căn phòng bằng gỗ cũ kĩ có 6 giường, không có toilet, nhưng có internet, dù tốc độ cực chậm), mà vì vị trí thuận lợi của nó, khi từ đây phi xe lên Zurich, Basel hay xuống Berne chỉ hơn 100 km. Từ đó, gần 3 nghìn cây số đã trôi qua dưới 4 bánh xe, những hộp mì ăn liền mang theo cũng đã hết, nhưng những đêm gần như không ngủ để viết bài vẫn sẽ còn tiếp tục.
 
Các đặc phái viên TT&VH chia tay Thụy Sỹ

Cuộc phiêu lưu trên đất Thụy Sĩ giống như một trải nghiệm về cuộc sống. Những thành phố, những con đường, những khu FanZone dành cho CĐV, những ngóc ngách trong cuộc sống của nó nơi chúng tôi qua, những người mà chúng tôi đã tiếp xúc đã để lại dấu ấn trong cuộc đời của chúng tôi, mà trước hết đã thể hiện ra trong những bài viết, mà nếu như không bị giới hạn về khuôn khổ trang báo, chắc chắn sẽ còn dài nữa, vì những gì đã được viết ra không thể nói hết những gì đã cảm nhận được.Geneve buồn và thanh bình, không có không khí bóng đá, nhưng đó là nơi những người đồng nghiệp ở phân xã Geneve đã tặng chúng tôi những bữa cơm và phở ngon nhất trên đời; Basel nhộn nhịp và cổ kính nhưng chúng tôi chỉ đặt chân đến 1 lần, vì nó quá xa lạ; Sankt Gallen như một thành phố chết bởi chúng tôi qua đó vào một sáng Chủ nhật, nơi cuộc sống như dừng lại; Zurich mang đúng tầm vóc của đô thị lớn nhất Thụy Sĩ, ồn ã và đầy chất Đức, năng động, hiệu quả và hơi lạnh lùng; Montreux nhỏ bé bên hồ Leman mà lãng mạn và nên thơ; còn Berne lại cho chúng tôi sự thanh thản, không chỉ là thủ đô Thụy Sĩ mà chính ở đó, chúng tôi coi như là nhà.

Bóng đá và EURO chỉ là một phần trong cuộc sống mà chúng tôi đã cảm nhận nơi đây. Những CĐV chúng tôi đã gặp không chỉ là những người yêu bóng đá hết mình và muốn biến tháng 6 thành những bữa tiệc thâu đêm, mà trước hết là những người bạn. Các tifosi Italia hơi lạnh lùng (nhưng các nữ tifosi thì không), khác hẳn với sự gần gũi, thân thiết và điên cuồng của các fan Hà Lan, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha hay Thổ Nhĩ Kỳ. Các fan Pháp thì lúc nào cũng có vẻ tư lự và số lượng ít hơn fan đối thủ rất nhiều; những fan Đức vui tươi và hay hát; nhưng fan nữ Croatia thì chắc chắn phải là số 1 về độ trẻ, xinh và cởi mở... Hết vòng đấu bảng, sẽ chỉ còn một nửa số đội bóng còn tồn tại, số lượng CĐV và sự đa dạng trong cuộc sống của họ như một phần đáng yêu nhất của giải đấu cũng sẽ bớt đi, nhưng những ngày sống bên họ, ăn cùng họ, uống cùng họ và hạnh phúc rồi đau khổ cùng họ đã và sẽ là một phần đời của những người phóng viên thích tìm hiểu, hay lăn lộn và có máu phiêu lưu như chúng tôi, những người cũng sống một cuộc đời CĐV bóng đá như họ.

Khi bạn đọc những dòng này, chúng tôi đã ở trên đất Áo. Chúng tôi đi ngay trong đêm sau khi trận Italia-Pháp kết thúc, sau khi ghi lại không khí và cảm nhận những gì đã xảy ra ở Zurich, trong tình cảm, suy nghĩ và thái độ của các CĐV. Không thể kiếm đâu ra một khu camping rẻ tiền trong đêm muộn. Chắc chắn là lại dừng để ngủ qua đêm ở một trạm xăng dọc đường, ngả ghế ra, lấy gối, đắp chăn, chốt xe thật kĩ, mở hé cửa sổ cho chút gió trời. Nhưng những kẻ thích phiêu lưu phải biết chấp nhận những điều kiện sống không bao giờ là lí tưởng và mọi khó khăn trên những con đường chỉ hướng về phía trước, và không ai biết điều gì có thể xảy ra. Ăn bóng đá, ngủ (dọc đường vì) bóng đá như những CĐV, balô với máy ảnh, máy tính, sổ sách, bản đồ, sách hướng dẫn du lịch trên vai và chân bước không nghỉ trên những chặng đường qua. Chúng tôi cũng đã quen thế rồi. Nghiệp phóng viên là vậy, và EURO này là một ví dụ cho chúng tôi thấy đôi khi một người làm báo phải là một hoa tiêu, một kẻ phiêu lưu, một người thích khám phá tìm hiểu. Và đôi khi, một thi sĩ.
 
Tạm biệt những CĐV mới quen ở Thụy Sỹ

Chúng tôi ghé qua Berne một ngày trước chuyến đi mới. Trời đầy mây và mưa giăng khắp nẻo. Không biết vô tình hay cố ý, mà đài FM Central phát bài “November Rain” (Mưa tháng 11) của Guns ‘N Roses. Bây giờ ở Thụy Sĩ mới là tháng 6, nhưng có nơi trời đã lạnh như tháng 11. Nước Áo nơi tôi đang đến có thể sẽ ấm áp hơn, ánh nắng sẽ nhiều hơn, nhưng chính Thụy Sĩ là nơi chúng tôi đã sống những ngày sôi động, đẹp đẽ và nhiều kỉ niệm nhất trong mùa hè 2008, nơi chúng tôi đi trên những con đường của xứ sở đẹp đẽ với biết bao sông hồ và những rặng núi của dãy Alpes trắng tuyết phủ, nơi những thành phố lớn nhất đã in những dấu chân chúng tôi qua, để sống, để cảm nhận và để chia sẻ với tất cả mọi người.

Chúng tôi rẽ qua quán Internet Cafe trên con phố Aabergergasse, cái tên khó đọc mà nay đã trở nên vô cùng thân thuộc. Hôm nay, Aabergergasse vắng vẻ. Cơn mưa lớn ban chiều đã làm nguội lạnh bầu không khí EURO ở chốn này. Hết EURO, có lẽ Aabergergasse sẽ trở lại cái vẻ thanh bình và yên ả vốn có. Joana đang ở đó và mỉm cười khi tôi đến. Nàng đứng bar tóc vàng trẻ trung ấy chính là nhân vật trong một bài báo của tôi về Berne và EURO, cho một khía cạnh khác của cuộc sống nơi này, nơi không chỉ có bóng đá, bia và EURO. Nhờ bóng đá, EURO và Berne, tôi có thêm một người bạn, người mà tôi thích gọi là Joana, dù tên thật của nàng là Nicole. Rồi cũng đến lúc chia tay. Một cái hôn nhẹ lên má, một cái bắt tay, một lời cho tái ngộ. Chào Nicole “Joana”, chào Berne, chào Thụy Sĩ. Vì EURO chưa kết thúc, tôi phải đi.

Tôi biết, một ngày kia, trong một quãng đời khác của mình, có thể gần, có thể xa, tôi sẽ trở lại nơi này, không phải với tư cách của một du khách bình thường. Chắc chắn là vậy. Hẹn ngày gặp lại…
 
Bài Anh Ngọc - Ảnh: Chí Thành (từ Zurich, Thụy Sĩ)
 
 
Nhà hàng Minh Hoài của anh Quốc.
 
Có một góc Việt Nam ở EURO

Không thể nghĩ được rằng, có một chút gì đó của Việt Nam ở EURO này. Chúng tôi gặp được một quán cơm Việt Nam trong dãy những kiốt đồ ăn phục vụ các CĐV trên con phố chính dẫn đến khu FanZone mà Zurich dành cho người hâm mộ dọc bờ sông Limmat. Đấy là một hàng cơm nhìn bề ngoài rất bình thường, không có màn hình lớn, không biển quảng cáo to tát, không mở nhạc ầm ỹ để thu hút những người đi qua, cũng không có các em ăn mặc sexy và giọng nói uốn éo, nhưng lúc nào cũng đông khách.

Nhà hàng Minh Hoài của anh Quốc, một Việt kiều trẻ đã có nhiều năm sống ở Pháp, nhưng sau khi lập ra đình thì lên Sankt Gallen sinh sống, chỉ bán cơm rang, mì xào và xúc xích nướng cùng với đồ uống, nhưng đồ ăn ngon và rẻ, nên các CĐV xếp hàng đứng mua. Khách đông đến mức, anh phải huy động thêm cả chị dâu, chị của chị dâu và ông bố mới sang Thụy Sĩ thăm con đứng hàng. Cảm giác gặp được một Việt kiều ở Thụy Sĩ trong dịp EURO này thật đặc biệt. Gần 10 nghìn Việt kiều mình ở Thụy Sĩ đã học tập, làm ăn và sinh sống ở nơi đây bao năm, đã trở thành một cộng đồng tốt trong mắt những người bản xứ nhờ tính chịu khó và cần cù. Anh Quốc bảo, anh vẫn nhớ Việt Nam, mỗi năm vẫn về thăm quê hương một lần, đồng bào mình vẫn hướng về Tổ quốc và không quên nguồn cội. Anh sung sướng vì gặp những người Việt như chúng tôi ở đất này. Anh nói: “Dù đi đâu về đâu, xa quê hương, mà gặp một người Việt Nam là hạnh phúc lắm rồi”.

Chúng tôi ăn ở chỗ anh một đĩa cơm, đứng nói chuyện với anh như những người bạn lâu ngày gặp lại trong những tiếng reo hò ầm ỹ của các CĐV tại quán bên cạnh. Rồi anh quay lại với quầy cơm nhỏ mà vẫn nườm nượp khách đứng ăn. EURO rồi sẽ qua đi, nhưng những ấn tượng về một góc EURO có Việt Nam trong đó vẫn sẽ còn mãi.

A.N

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm