Đại phẫu cho bóng đá VN: Bắt đầu từ nóc?!

24/11/2011 12:44 GMT+7 | SEA Games 26

(TT&VH) - Trao đổi với TT&VH bên lề trận tranh HCĐ SEA Games 26 giữa U23 VN và U23 Myanmar, ông Nguyễn Mạnh Hiền, một CĐV quen thuộc trong các chuyến du đấu nước ngoài của ĐTVN và ĐT U23 VN, bộc bạch: “Tôi nghĩ thất bại của U23 VN ở SEA Games 26 không nên trút hết lên đầu cầu thủ hay HLV mà VFF cũng phải chịu trách nhiệm không nhỏ. Chúng ta có thể lấy Malaysia làm tấm gương vì giải VĐQG của họ không có cầu thủ ngoại và 2 ĐTQG cũng không có HLV ngoại mà Malaysia vẫn đạt được thành tích như thế”.

Quan điểm mà ông Hiền nêu lên tuy rất đáng suy ngẫm, song thực tế cũng không phải là mới, bởi ngay sau khi HLV K.Rajagobal dẫn dắt 2 ĐT Malaysia lập cú đúp vàng trong 2 năm liên tiếp tại SEA Games 2009 và AFF Cup 2010 thì dư luận cũng đã nêu ra vấn đề này rồi, nhưng để đưa được nó vào thực tế lại là vấn đề không đơn giản. Hiện tại, VFF chưa có quan điểm chính thức về việc có thay thế HLV Falko Goetz hay không, nhưng nếu ông thầy người Đức có tự nguyện ra đi hay bị sa thải thì gần như chắc chắn VFF sẽ lại nhắm tới một ông thầy ngoại.


Sau thất bại của U23 VN tại SEA Games 26, BĐVN cần có thêm một cuộc “đại phẫu”? Ảnh: Quốc Khánh

Còn phương án không dùng ngoại binh ở giải VĐQG hẳn cũng là biện pháp mà VFF chưa bao giờ tính đến, bởi nếu làm như vậy thì các ông bầu đã bỏ tiền tỷ làm bóng đá chắc chắn không chấp nhận, mà một khi các ông bầu không chịu bật đèn xanh cho việc hạn chế hoặc cấm ngặt ngoại binh thì đương nhiên VFF cũng sẽ không đi ngược dòng nước. “Chiều lòng” các ông bầu tới độ để giải VĐQG tồn tại tình trạng một ông chủ 2 đội bóng từ mấy năm nay mà VFF còn cho qua thì thật khó nghĩ tới việc V-League một ngày nào đó sẽ sạch bóng ngoại binh.

Người ta vẫn bảo giải VĐQG và ĐTQG có mối quan hệ tương hỗ với nhau, và nếu một bên suy yếu thì chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới bên còn lại. Đặt trường hợp của bóng đá VN ở cấp độ ĐTQG trong vòng 2 năm vừa qua thì rõ ràng chúng ta đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng, khi cả ĐT “lớn” lẫn ĐT “nhỏ” đều thất bại thảm hại ở sân chơi khu vực, trong khi giải VĐQG thì ngày càng phát sinh nhiều sự việc khó kiểm soát tới mức cuối cùng VFF phải chấp thuận trao lại quyền tổ chức giải cho các đội bóng theo đúng như mô hình ở các nước có nền bóng đá phát triển.

Không biết V-League (hoặc là Vietnam Premier League) có tốt hơn lên sau sự ra đời của VPF (hay V-League JSC) hay không, nhưng một khi “cơ thể” của giải VĐQG xuất hiện quá nhiều ung nhọt như thế thì việc phải tiến hành phẫu thuật là điều khó tránh khỏi. V-League đã chuẩn bị bước vào một cuộc thay đổi mang tính chất sâu rộng như thế, và phải chăng đã đến lúc VFF cũng nên có một cuộc cách mạng như vậy,

Đã không có một lãnh đạo nào của VFF tuyên bố từ chức sau những vụ việc gây nổi cộm của bóng đá VN như thất bại thảm hại của ĐT U23 VN tại SEA Games 24 năm 2007, vụ bạo lực trên sân Vinh làm một CĐV Nghệ An thiệt mạng năm 2008 và mới nhất là kỳ SEA Games 26 thảm họa của ĐT U23 VN, phải chăng lần này dư luận cũng sẽ chứng kiến một sự im lặng và kiên định “dũng cảm” như thế của VFF?

Nhật Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm