Ngăn chặn đèn lồng in chữ Tam Sa: Không thể coi là chuyện nhỏ

20/02/2013 14:44 GMT+7

Liên quan đến việc nhiều người dân ở các địa phương thuộc Hải Dương, Hải Phòng, đặc biệt là ở thị xã Chí Linh (Hải Dương) vô tình mua và treo đèn lồng Trung Quốc có chữ Tam Sa, Nam Sa trong dịp Tết Quý Tỵ khiến nhiều người giật mình về những nguy cơ, thậm chí là dã tâm... tiềm ẩn đằng sau sự hào nhoáng của những món hàng ngoại rẻ tiền.

Những ngày cận Tết, thị xã Chí Linh xuất hiện hàng ngàn chiếc đèn lồng trên các tuyến phố, thậm chí khu vực nông thôn cũng đỏ rực những “quả cầu lửa”.



Đèn lồng được người dân dán cờ đỏ sao vàng ở khu dân cư Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Ảnh: Hải Thanh

Được biết, việc cả thị xã treo đèn lồng là do người dân vận động nhau góp tiền mua đèn với mục đích trang trí đẹp nhà, đẹp phố. Phố này có, phố kia chẳng lẽ lại không... Giá mỗi chiếc đèn chỉ khoảng 70.000- 100.000đ, thậm chí nhà nào khó khăn còn được hàng xóm tặng 1 chiếc để không “kém miếng” với phố bên.

Đèn lồng TQ chứa chất độc hại Cd gấp 123 lần cho phép

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học đối với 2 mẫu đèn lồng Trung Quốc đang bán trên thị trường cho thấy muối cadimi (Cd) sử dụng như là chất tạo màu trong nhiều loại nhựa (một trong ba kim loại nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người) trong sơn phủ có hàm lượng cao gấp 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em của Bộ Khoa học - công nghệ Việt Nam. Cd là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, thiếu máu và tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi (đối với phụ nữ có thai). Giới chuyên môn cho biết, chỉ cần tiếp xúc, cầm nắm đèn lồng là có thể bị thôi nhiễm Cd. Đèn lồng nhiễm Cd với hàm lượng quá cao sẽ tích lũy nhiều trong thận và chỉ phát bệnh sau nhiều năm tiếp xúc.

Sau khi có thông tin đèn lồng có chữ Tam Sa (đơn vị hành chính do Trung Quốc lập trái phép, gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), nhiều gia đình đã tự giác tháo bỏ, hoặc sử dụng hình cờ đỏ sao vàng dán đè lên các chữ Trung Quốc...

Tuy nhiên, do quá cận Tết, nên việc tuyên truyền, tháo bỏ loại đèn lồng phi pháp, nội dung độc hại chỉ mới thực hiện triệt để ở một số tuyến phố chính (Hùng Vương, Hưng Đạo).

Một số khu vực vẫn còn treo đèn lồng, người dân lý giải... những chữ in trên đèn không phải là chữ Tam Sa mà các cơ quan chức năng đã in ra cho nhân dân so sánh. Không phải chữ Tam Sa, hay Nam Sa... nhưng là chữ gì... thì người dân lại không biết.

Theo ông Vũ Đức Cử ở phố Thái Học 3, gia đình ông cũng được hàng xóm vận động góp tiền mua đèn về treo nhưng vì có kế hoạch ăn Tết ở tỉnh ngoài nên ông từ chối. Cũng theo ông Cử, khác với một số địa phương ở Hải Dương, Hải Phòng “đèn lồng” Trung Quốc đỏ đường phố, thôn xóm thì các địa phương ở Quảng Ninh lại không treo đèn lồng.

Hỏi vì sao “hội chứng đèn lồng” không bị lây lan khi ở gần nhau... những người dân ở Quảng Ninh cho biết ngay từ Tết Trung thu 2012, người dân ở địa phương này đã được tuyên truyền, vận động về những nguy cơ xấu tiềm ẩn đằng sau chiếc đèn lồng nhập lậu trái phép. Công tác tuyên truyền đã giúp người dân nâng cao ý thức, đề cao cảnh giác nên đã tránh xa những món đồ rẻ tiền độc hại.

Trước sự phẫn nộ của dư luận với những chiếc đèn lồng có chữ Tam Sa, nhà dân tộc học Tạ Đức nói: “Từ xa xưa, người dân VN cũng đã treo đèn lồng trong những dịp lễ, tết, đặc biệt là đối với các gia đình quyền quý. Thực chất, đó chỉ là một hình thức trang trí có tính chất làm đẹp.

Hiện nay, việc treo đèn lồng khá phổ biến tại Hội An cũng với mục đích tạo sức hấp dẫn cho những khu phố cổ nhằm thu hút du khách. Cho thấy, nhu cầu trang trí, làm đẹp nhà cửa, đường phố là nhu cầu chính đáng của người dân... và việc này vẫn sẽ được người dân chú trọng.

Vậy nên, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, không tùy tiện dùng hàng ngoại nhập có in chữ nước ngoài mà không biết ý nghĩa, đặc biệt là đối với đèn lồng và các loại vật dụng trang trí có nguồn gốc Trung Quốc nhập lậu”.

Khẳng định sẽ triệt để tháo bỏ các loại đèn lồng độc hại trên địa bàn, ông Mạc Văn Vững, Phó Bí thư thường trực thị xã Chí Linh cho biết, các cơ quan chức năng ở địa phương vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tháo bỏ, tiêu hủy các loại đèn lồng Trung Quốc nhập lậu phi pháp.

Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền sẽ được tăng cường để người dân nâng cao ý thức cảnh giác với tất cả những mặt hàng nhập lậu phi pháp ẩn chứa những nguy cơ xấu như dạng đèn lồng dịp Tết Quý Tỵ vừa rồi.

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Đừng coi đó là chuyện nhỏ

Thật ra treo đèn lồng như một hình thức trang trí ở trong làng, xóm thì không vấn đề gì, nó tạo nên sự ấm cúng, yên bình. Hơn nữa, dân mình thấy đẹp, bắt mắt và rẻ nên cứ mua về treo chứ chưa có nhiều hiểu biết, nhất là những chữ nước ngoài được in trên đèn lồng. Nhưng khi biết những chữ nước ngoài đó là “Tam Sa” hay “Nam Sa” thì dân mình tự ý tháo bỏ, tiêu huỷ là điều rất mừng, nó thể hiện tính tự tôn dân tộc nhằm khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đây, người dân cũng nên hết sức cảnh giác trước những hành vi thâm độc của Trung Quốc.

Còn việc Trung Quốc cho in chữ “Tam Sa” hay “Nam Sa” bằng tiếng Hoa lên đèn lồng rồi bán sang cho người tiêu dùng Việt Nam là hành động có thể nói là thâm độc. Không chỉ đèn lồng mà trên một số mặt hàng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc cũng có những hành động tương tự như bản đồ hình lưỡi bò. Đừng xem đây là chuyện nhỏ, nếu không cảnh giác sẽ để lại hậu quả nguy hiểm.

Hướng dẫn cách nhận biết đèn lồng in chữ Tam Sa 








Ngay sau khi có thông tin Trung Quốc tuồn đèn lồng có chữ “Tam Sa” vào địa bàn, lực lượng chức năng Hải Phòng đã phối hợp với các tổ dân phố vận động người dân gỡ bỏ các loại đèn phi pháp. Công an các phường cũng đưa mẫu những chữ phạm pháp về từng tổ dân phố trực thuộc để người dân có thể chủ động nhận biết đâu là loại đèn lồng phi pháp. Được biết, Công an thị xã Chí Linh (Hải Dương) đã có văn bản hướng dẫn người dân nhận biết đèn lồng TQ in chữ Tam Sa. Trong ảnh: Mẫu chữ Trường Sa, Hoàng Sa, Trung Quốc, Tam Sa, Tam Sa Thị do Công an phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng gửi đến Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 phường Lạch Tray).


Theo Nguyệt Nhi
Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm