'Lương công chức không thể thấp như lương tối thiểu'

28/03/2012 08:44 GMT+7 | Thế giới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp trả người lao động 1,1 lần lương tối thiểu, trong khi lẽ ra phải gấp 1,5-2 lần, thậm chí là 6-7 lần mức quy định của Chính phủ.

Chiều 27/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi. Liên quan đến vấn đề tiền lương, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, trước đây có quy định bắt buộc các doanh nghiệp đăng ký thang, bảng lương tại cơ quan quản lý lao động địa phương, nhưng các doanh nghiệp nộp hay không cũng chẳng có cơ quan nào quản lý, kiểm qua và xử phạt. Thống kê cho thấy, chỉ 30% doanh nghiệp thực hiện quy định này.

Do đó, Bộ luật lao động sửa đổi lần này quy định, tiền lương trả cho người lao động là theo thỏa thuận, căn cứ vào năng suất và chất lượng công việc, không phân biệt giới tính và không thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

"Lương tối thiểu là đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Công chức nhà nước là loại lao động đặc biệt nên cần cân nhắc xem có dùng lương tối thiểu không. Tôi nghĩ lương tối thiểu áp dụng cho lao động, còn lương cơ bản dành cho công chức bởi lương cơ bản là mức đã vượt qua mức tối thiểu", bà Mai chia sẻ.



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp trả 1,1 lần lương tối thiểu".

Đồng quan điểm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hiện nay nếu để cho doanh nghiệp tự quyết định thang, bảng lương thì nhà nước khó can thiệp và khiến đời sống công nhân gặp khó khăn.

"Trước đây, làm lương tôi biết, công nhân bị bóc lột nhiều. Đây là nguyên nhân đình công và sau mỗi lần như vậy thì họ lại được lên lương. Không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp trả 1,1 lần lương tối thiểu, trong khi lẽ ra phải gấp 1,5-2 lần, thậm chí là 6-7 lần lương tối thiểu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Sinh Hùng, lương công chức và viên chức cần khác lương công nhân. Mức sống của công chức phải là trung bình của xã hội, không thể thấp như lương tối thiểu. Nếu lao động được trả lương 1 triệu đồng mỗi tháng thì công chức phải được tối thiểu 1,5 triệu đồng.

Chia sẻ bức xúc này, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhìn nhận, khối doanh nghiệp FDI luôn chỉ trả lương cao hơn mức quy định của nhà nước chừng vài chục nghìn đồng và như vậy vẫn không vi phạm luật.

"Sau vài lần điều chỉnh lương của Chính phủ, lương của người vừa vào làm ở các doanh nghiệp này cao bằng lương của người làm 7-8 năm, và đó là nguyên nhân đình công", ông Tùng cho biết thêm.


Thời gian nghỉ sinh của phụ nữ đang được cân nhắc kéo dài 6 tháng.

Dự thảo luật của Chính phủ quy định, phụ nữ được nghỉ sinh 5 tháng, riêng người làm việc nặng nhọc, độc hại sẽ được nghỉ 6 tháng, còn chồng được nghỉ 2 ngày; lao động nữ sau khi sinh con mà bị chết thì chồng được nghỉ để chăm sóc con đến đủ 6 tháng tuổi; Tết âm lịch được nghỉ 5 ngày; thành lập Hội đồng Quốc gia về tiền lương gồm đại diện người lao động, chủ sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước;...

Dù muốn lao động được nghỉ sinh 6 tháng, nhưng Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hải Chuyền lại cho rằng, ý kiến nghỉ thai sản 5 tháng theo đề xuất của Chính phủ là hợp lý, và cần phân biệt lao động nặng nhọc, độc hại khác với lao động hành chính. Và Chính phủ đang giao Bộ Lao động xem xét chủ trương hỗ trợ phụ nữ nông thôn 1 triệu đồng khi sinh con.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn và nhiều ý kiến khác lại cho rằng, cần quy định rõ phụ nữ được nghỉ sinh 6 tháng chăm sóc con nhỏ.

Không khí buổi thảo luận sôi nổi khi các đại biểu liên tục đưa ra các ý kiến quanh việc hỗ trợ người chồng nuôi con dưới 6 tháng tuổi trong trường hợp người vợ mất. Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị chuyển lương của người vợ sang cho chồng chăm con nhỏ.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lại lo lắng sự hỗ trợ này không công bẳng, trong quá trình nuôi con nhỏ, nếu 3 tháng sau người chồng này lấy vợ mới thì "tuần trăng mật sẽ quá dài". Và bà kiến nghị, nếu thấy quy định này chưa "chín" thì nên bỏ ra khỏi dự án luật để quy định trong một văn bản khác.

Ý kiến này lập tức nhận được sự phản đối của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Theo ông, việc hỗ trợ trong trường hợp này mang tính nhân đạo nên nếu có người phụ nữ nào chịu nhận chăm sóc cháu bé thì sẽ vẫn được hỗ trợ.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, năm 1995-2011, cả nước xảy ra 4.142 cuộc đình công. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... chiếm 75,4% với 3.122 cuộc. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng dần qua các năm, nhất là từ 2006. Năm 2011, số vụ đình công đạt mức kỷ lục với 857 cuộc diễn ra trong vòng 11 tháng . Con số này của năm 2010 là 422 vụ, năm 2009 là 218 vụ, năm 2008 là 720 vụ...


Theo VnExpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm