(TT&VH Online) - Barca đang sở hữu lực lượng cực mạnh. Truyền thống của Barca là tấn công, cống hiến, đẹp mắt và lãng mạn. Nhưng Barca có nhất thiết phải tấn công mọi đối thủ, mọi lúc, mọi nơi? Liệu họ có nên đá thực dụng hơn một chút?
Barca có nên đá thực dụng hơn một chút? - Ảnh: Getty
Một câu nói nổi tiếng về họ: Barca đặt chân đến đâu, ở đó có lễ hội; nhưng Barca ấy lại thường rời lễ hội với những giọt nước mắt. Thời hậu Johan Cruyff, đã có một Barca như thế, đặc biệt khi họ bước ra sân chơi châu Âu. Đá đẹp đấy, cống hiến đấy, giàu cảm xúc đấy, nhưng những gì đọng lại là nỗi buồn của thất bại. Trước năm 2006, một CLB vĩ đại như Barca lại chỉ mới một lần bước lên đỉnh cao châu Âu.
Mãi đến thời Pep Guardiola, bi kịch này mới thực sự kết thúc. Một Barca hoàn hảo ra đời. Cái đẹp đi đôi với chiến thắng, cống hiến đồng nghĩa với danh hiệu. Nhưng họ có thể gặt hái nhiều danh hiệu cao quý hơn nếu chấp nhận đá thực dụng hơn một chút ở một số thời điểm.
Như mùa 2009-10, khi Barca bị loại bởi Inter Milan của Jose Mourinho. Trận lượt đi ở San Siro, Barca từng vươn lên dẫn trước với bàn thắng của Pedro. Đá ở Champions League, trước một đối thủ mạnh, lại ở sân khách, không phải vòng bảng mà là bán kết, nhiều đội bóng sẽ hài lòng với 1 bàn thắng sân khách. Nếu là Real Madrid, M.U hay Chelsea, họ sẽ kéo đội hình xuống, chuyển sang chiến thuật phòng ngự phản công. Nhưng Barca lại chọn giải pháp tiếp tục tấn công, để rồi lại hứng chịu thất bại bởi những đòn phản công của đối phương. Thật không bình thường khi đội dẫn trước lại bị đánh bại bởi những đòn phản công.
Mùa trước, một lần nữa Barca bị loại bởi sự "bất thường" như thế. Trong hiệp 1, họ đã dẫn trước Chelsea 2-0 và được chơi hơn người. Khi ấy, nếu Barca chấp nhận kéo thấp đội hình hơn, đá chậm lại, chơi trò "đá ma" thì còn lâu Chelsea mới chạm được chân vào bóng. Khi tỷ số là 2-0, Chelsea cần phải đẩy cao đội hình chứ không phải Barca. Thế mà Barca lại hứng chịu bàn thua từ một đợt phản công đơn giản.
Rồi gần nhất là trận làm khách ở Celtic. Đã toàn thắng 3 trận đầu tiên của vòng bảng, nhiều đội bóng khác sẵn sàng chấp nhận một kết quả hòa. Nếu Barca chủ trương đá hòa, các tiền vệ đá thấp hơn để hỗ trợ cho hàng thủ bị rách nát bởi vấn nạn chấn thương, Celtic làm sao mà ghi bàn được. Nhưng vì muốn thắng, muốn thể hiện sức mạnh vượt trội của mình, Barca đã hứng chịu thất bại gây sốc.
Barca là đội duy nhất trên thế giới đá sân khách cũng như sân nhà. Trước mọi đối thủ, ở mọi thời điểm, trên mọi sân đấu, họ đều kiểm soát bóng vượt trội, tấn công liên tục để tìm kiếm chiến thắng. Nhưng không ai bắt họ phải đá như thế. Họ được quyền đá phòng ngự, đá phản công, cầm ít bóng nếu họ muốn. Đành rằng phong cách cống hiến, tấn công đã làm nên thương hiệu của Barca. Nhưng mỗi mùa có 50 hoặc 60 trận, đá 2, 3 trận hoặc 20, 30 phút thực dụng cũng chẳng ảnh hưởng đến thương hiệu, truyền thống của họ.
Đừng nghĩ rằng thực dụng là phải như Chelsea mùa trước, kéo cả đội hình về dựng xe bus trước khung thành. Ở EURO 2012 vừa qua, Tây Ban Nha đã đá rất thực dụng dù cầm bóng nhiều, kiểm soát bóng vượt trội so với mọi đối thủ. Đội hình vẫn đẩy lên cao, nhưng các cầu thủ chỉ chuyền đi chuyền lại, chờ đối phương sơ hở. Có sơ hở thì tấn công, không thì sẵn sàng đá kiểu "đong đưa", như trận gặp Bồ Đào Nha ở tứ kết.
Barca hoàn toàn có thể đá như thế nếu họ muốn. Và có thể tin rằng, nếu chấp nhận đá thực dụng ở một số thời điểm, Barca sẽ đoạt nhiều danh hiệu cao quý hơn.
Tuy nhiên, khi đã "nhiễm" tính thực dụng, Barca sẽ không có được nhiều thứ như Barca hiện tại. Khẩu hiệu của Barca: "Còn hơn một CLB". Điều đó có nghĩa, những chiếc Cúp chưa phải là tất cả. Hãy nhớ lại hình ảnh ở sân Camp Nou sau khi Torres ghi bàn ở phút cuối trong trận bán kết mùa trước. Dù đội bóng bị loại, CĐV khắp các khán đài vẫn hát vang với niềm tự hào vô bờ bến.
Có thể một số người cho rằng, Barca đã quá cứng nhắc, quá "sĩ diện", trở thành "tù nhân" của chính mình. Nhưng với Barca, trung thành tuyệt đối với triết lý của mình thì mới giành được tình yêu tuyệt đối từ người hâm mộ.
Lê Đồ
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, Barca có nên đá thực dụng hơn?