Neverland: Mờ mịt tương lai

22/07/2009 12:16 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) -  Tháng 7/2008 Michael Jackson đã bán Neverland cho Colony Capital để lấy tiền trả nợ. Khu trang trại rộng mênh mông được đổi lại tên cũ là Sycamore Valley Ranch. Dù Jackson rất gắn bó với Neverland song Colony Capital gặp rất nhiều trắc trở trong việc biến nơi này thành khu tưởng niệm Vua pop.


Mặt tiền của Neverland

Năm 1988 Michael Jackson mua một trang trại rộng 2.676 mẫu ở hạt Santa Barbara, bang California, và anh gọi nó là Neverland – tên một hòn đảo không có thực. Vua pop đã sống hạnh phúc ở đây trong gần hai thập kỷ, anh đã đưa nhiều em nhỏ tới đây chơi trong công viên giải trí, ngắm nhìn động vật trong vườn thú, xem phim tại rạp chiếu bóng trong trang trại. Nhưng Jackson đã thề không bao giờ trở lại nơi này sau khi cảnh sát lần tới vào tháng 11/2003 để tìm chứng cứ buộc tội anh lạm dụng tình dục trẻ em. Năm ngoái anh đã bán Neverland để lấy tiền trả nợ. Bây giờ, khi Jackson đã qua đời, ý tưởng biến nơi này thành một điểm hành hương của người hâm mộ, giống như Graceland của Vua rock Elvis Presley, quả là không hề dễ dàng đối với công ty Colony Capital.

Những ý kiến trái chiều


Người hâm mộ chụp ảnh lưu niệm bên ngoài cổng Neverlan có cài hai vòng hoa trắng
Renee Perkins, 24 tuổi, sống ở Washington, là một người hâm mộ Jackson cuồng nhiệt cho biết: “Tôi chưa thực hiện được ý nguyện của mình là gặp Jackson ngoài đời và nếu có cơ hội được tới nơi anh đã gắn bó lâu năm thì thật tuyệt vời. Nhưng tôi không vui nếu Neverland mở cửa đón khách thập phương vì như vậy là xâm phạm đời tư của anh”. Còn Frank Fitzpatrick, một người hâm mộ 37 tuổi ở Knoxville, cũng nói: “Hãy để di sản của anh ấy là âm nhạc chứ không phải tài sản”.

Nhưng nhiều người lại không nghĩ như vậy và họ ủng hộ ý tưởng biến Neverland thành một điểm du lịch. “MJ là Neverland và Neverland là MJ”, ông J. Randy Taraborrelli, nhà viết tiểu sử về Jackson và là tác giả cuốn Michael Jackson; The Magic, the Madness, The Whole Story, khẳng định. Còn gia đình Jackson và chủ sở hữu trang trại Neverland sẽ phải đối diện với sự phản ứng của những người dân sống quanh đó nếu muốn chôn cất thi hài Michael Jackson tại đây. Lý do là Neverland lọt thỏm trong vùng nông nghiệp, nơi người dân không quen sống ồn ào.

Phát triển Neverland ra sao?

Theo quy định của hạt Santa Barbara thì bất cứ dự án nào cũng phải “tương thích với khu vực xung quanh” và “đặc tính nông thôn và phong cảnh” của địa phương. Việc chôn cất thi hài Jackson ở Neverland phải nhận được sự chấp thuận của các cấp chính quyền. Công ty Colony Capital đã tìm hiểu vấn đề này theo yêu cầu của gia đình Jackson và biết rằng họ phải vượt qua hàng rào thủ tục hết sức phức tạp. Cho đến nay nơi an nghỉ cuối cùng của Jackson vẫn chưa được công bố.


Cụm tượng trẻ em múa hát tại Neverland

Trở lại với trường hợp của Vua rock. Ban đầu Presley được chôn cất tại khu nghĩa trang Forest Hills ở Memphis, nhưng sau một vụ ăn trộm mộ cách đó hai tháng thì thi hài ông được đưa về Graceland. Graceland mở cửa vào 1982 và từ đó đến nay mỗi năm thu hút 600.000 du khách. Ông Bob Field, cựu Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quy hoạch Thung lũng, cho rằng nếu mở cửa thì Neverland còn đông khách hơn. “Neverland chỉ cách Los Angeles hai giờ xe chạy. Thời tiết nơi đây đẹp quanh năm nên có khả năng nơi này sẽ đón 1-2 triệu khách tham quan/năm”.

Nhưng lượng du khách đông như vậy sẽ đè nặng lên cơ sở hạ tầng của thung lũng với chỉ khoảng 20.000 dân. Để Neverland đón người hâm mộ thì phải xây dựng lại đường xá, hệ thống cống rãnh, lập các đồn cảnh sát, trạm y tế, cứu hỏa…

Nếu chủ sở hữu không thể biến Neverland thành một điểm thu hút khách du lịch thì họ không có tiền để đóng khoản thuế lên tới hơn 200.000 USD/năm. Nếu biến Neverland thành nơi ở cũng có những vấn đề phức tạp.

Ông William Etling, một đại lý bất động sản ở Santa Barbara, cho rằng nên biến Neverland thành trại trồng nho và xin giấy phép mở một nhà máy rượu vang mang tên Michael Jackson, tại đó thỉnh thoảng tổ chức cuộc triển lãm về Vua pop. Nhưng ông Field lại đưa ra một kế hoạch có tham vọng hơn: Tháo dỡ toàn bộ các công trình ở Neverland và chuyển tới Las Vegas. Theo ông, sân bay của thành phố có thể đón 44 triệu hành khách/năm và ngành du lịch thu hơn 40 tỷ USD/năm.

Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm