IMF chao đảo vì bê bối tình dục, lạm quyền

20/10/2008 11:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 18/10, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), một trong những định chế tài chính uy tín nhất thế giới đã thừa nhận việc sẽ mở cuộc điều tra nhằm vào lãnh đạo tổ chức này, ông Dominique Strauss-Kahn. Ông này bị cho là đã lạm dụng để ban phát bổng lộc cho người tình, vốn là thuộc cấp tại IMF, và hiện đã rời khỏi tổ chức này.

Bê bối bị phanh phui

Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên cho hay IMF đã bắt đầu cuộc điều tra nhằm vào ông Dominique Strauss-Kahn từ hồi tháng 8 năm nay. Tổ chức này đã thuê công ty luật Morgan, Lewis, & Bockius để tiến hành điều tra. Trung tâm của cuộc điều tra là những cáo buộc có liên quan tới việc ông Strauss-Kahn quan hệ tình ái với nữ nhân viên Piroska Nagy và nhất là việc ông đã lạm quyền để dành cho cô này nhiều ân huệ.
 
Dominique Strauss-Kahn, vị giám đốc ở trung tâm vụ bê bối

Wall Street Journal cho biết Strauss-Kahn bắt đầu tiếp cận với Nagy, người đã có gia đình, từ tháng 12/2007 và cả hai trao đổi thư điện tử trước khi dẫn tới quan hệ tình ái hồi đầu năm nay. Chính chồng của Nagy, ông Mario Blejer, một chuyên gia kinh tế cao cấp và là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Argentina, đã phát hiện ra các bức thư tình của vợ. Nagy đã rời IMF hồi tháng 8 năm nay trong chương trình trả tiền bồi thường để nhân viên nghỉ việc do ông Strauss-Kahn đề xướng nhằm cắt giảm chi phí hoạt động. Cô này hiện đang làm việc tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.

Phát ngôn viên IMF William Murray đã từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về cuộc điều tra. Song ông cho biết Strauss-Kahn tỏ ra hợp tác với cuộc điều tra và muốn kết quả được công bố càng sớm càng tốt. Chính Strauss-Kahn cũng tuyên bố: “Tôi chưa từng lạm dụng vị trí của mình trong vai trò giám đốc quản lý IMF. Tôi trông chờ vào bản báo cáo của một cơ quan điều tra độc lập”.

Hồi mùa hè vừa qua, những cáo buộc đằng sau ông Strauss-Kahn đã gây sự chú ý của A.Shakour Shaalan, một thành viên người Ai Cập trong ban lãnh đạo IMF và đại diện cho phần lớn các quốc gia Trung Đông. Ông Shaalan đã yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập nhằm vào ông Strauss-Kahn .

Theo một quan chức cao cấp đề nghị giấu tên ở IMF, cuộc điều tra sẽ tập trung vào việc vì sao cô Nagy lại được chọn làm 1 trong số 600 người sẽ được trả tiền để thôi việc. Người ta cũng sẽ tìm hiểu xem cô này có được trả tiền vượt mức giới hạn mà một chuyên viên cao cấp ở bộ phận châu Phi như cô sẽ được nhận và liệu cô này có được chi trả qua các kênh nào khác ngoài những kênh chi trả bình thường và hợp pháp. Dự kiến kết quả cuộc điều tra sẽ được công bố vào cuối tháng này.

Người không lạ với các tai tiếng

Trước khi có bê bối nói trên, ông Dominique Strauss-Kahn vốn không lạ lẫm gì với những tranh cãi và điều tiếng xung quanh đời tư cũng như vai trò của ông trong các công việc chung. Strauss-Kahn, còn được biết tới với biệt danh "DSK", đã có thời là Bộ trưởng Tài chính tại chính phủ của đảng Xã hội trong thời gian từ năm 1997 – 1999. Ông Là kiến trúc sư tài ba đã giúp nền kinh tế Pháp khôi phục khi cắt giảm chi tiêu công và tiến hành các biện pháp giúp tư nhân hóa một số công ty nhà nước. Những nỗ lực đó đã khiến ông giành được nhiều sự ủng hộ.

Nhưng cũng chính ông là người đã triển khai chương trình làm việc 35 giờ/tuần tại Pháp. Chính sách này bị Tổng thống Nicolas Sarkozy đánh giá thấp vì cho rằng nó đã “chặt gân” nền kinh tế, làm giảm năng suất lao động và qua đó giảm tiền lương.

Năm 2006, sau khi không thể giành chiếc vé đề cử của đảng Xã hội để tham gia cuộc bầu cử Tổng thống, Strauss-Kahn đã tính tới việc kết thúc sự nghiệp trong vai trò một giáo sư kinh tế ở Paris. Nhưng ông không ngờ chính đối thủ một thời Nicolas Sarkozy đã vận động giúp ông ngồi vào cái ghế giám đốc quản lý của IMF. Tất nhiên Strauss-Kahn không bỏ lỡ cơ hội này dù trước đó từng tuyên bố ông ta sẽ có hành động “phản bội” nếu làm việc trong chính quyền của ông Sarkozy .

Bất chấp những chỉ trích của các chuyên gia châu Âu cho rằng bản thân không phù hợp với chiếc ghế lãnh đạo IMF, Strauss-Kahn vẫn tiếp nhận công việc.

Thời gian đầu ở IMF, Strauss-Kahn đã vấp phải nhiều câu hỏi hóc búa về việc IMF đã không bắt kịp với nền kinh tế thế giới biến đổi nhanh và sự trỗi dậy của các sức mạnh kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ. Kế hoạch cắt giảm chi phí của ông ở IMF cũng không thành công bởi khoản tiền dành cho việc chi trả để các nhân viên đồng ý nghỉ việc quá lớn, tới mức IMF buộc phải đề nghị một số nhân viên tiếp tục ở lại làm việc.

Thời gian gần đây Strauss-Kahn thường trở về Pháp và được coi là nhân vật kế tiếp lãnh đạo đảng Xã hội. Hồi tháng 5, vài tờ báo Pháp cho hay ông đã ăn trưa cùng các đồng minh ở đảng Xã hội, qua đó muốn chứng tỏ rằng bản thân vẫn quan tâm tới cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2012.

Vụ bê bối mới của ông Strauss-Kahn xảy ra đúng 15 tháng sau khi Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), ông Paul Wolfowitz phải mất ghế vì đã dành ưu đãi cho bạn gái, cũng là một nhân viên trong định chế tài chính này. Đây được xem là một tiến triển không có lợi, gây ảnh hưởng tới uy tín của IMF, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở giai đoạn căng thẳng như hiện nay.

Gia Bảo

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm