Vì đâu Kazakhstan lâm vào tình trạng bất ổn?

07/01/2022 17:14 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Biểu tình bạo loạn đã leo thang ở nhiều khu vực của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Bất ổn an ninh buộc Tổng thống nước này Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan.

Vụ rơi máy bay tại Kazakhstan: Ít nhất 9 người thiệt mạng

Vụ rơi máy bay tại Kazakhstan: Ít nhất 9 người thiệt mạng

Ngày 27/12, một chiếc máy bay chở 100 người đã rơi chỉ ít phút sau khi cất cánh từ sân bay Almaty, Kazakhstan.

* Biểu tình bạo lực leo thang

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 5/1/2022 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Nur-Sultan trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực leo thang tại một số thành phố lớn của nước này. Hơn 1.000 người biểu tình đã tập trung tại quảng trường trước khi tràn vào các tòa nhà chính quyền tại thành phố Almaty, khiến lực lượng an ninh phải áp đặt các biện pháp cứng rắn để kiểm soát đám đông.

Biểu tình bạo loạn cũng leo thang ở tỉnh Mangistau cũng như tại thành phố Aktau và một số thành phố khác của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. An ninh bất ổn đã buộc Tổng thống Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Mangistau và thành phố Almaty.

Hiện Tổng thống Tokayev đã ra lệnh thành lập một nhóm đặc biệt để điều tra các cuộc bạo động ở nước này và đưa những người phải chịu trách nhiệm ra trước công lý.

Kazakhstan lâm vào tình trạng bất ổn, Kazakhstan, biểu tình bạo loạn leo thang, an ninh bất ổn, tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev chủ trì cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia ở thủ đô Nur-Sultan, ngày 6/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Tokayev đưa ra một số chỉ thị khẩn cho chính phủ và các lực lượng vũ trạng, trong đó có việc ổn định giao thông công cộng, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng khả năng sẵn sàng tác chiến. Tổng thống Tokayev nhấn mạnh cần khôi phục hoạt động ổn định của các ngân hàng và thể chế tài chính khác sau khi căng thẳn được giảm bớt. Ông cũng chỉ thị bảo vệ các phái bộ ngoại giao, các công ty và nhà đầu tư nước ngoài tại Kazakhstan.

Tình hình bạo lực leo thang trong nước mà nguyên nhân được cho là do các phần tử khủng bố đứng đằng sau đã buộc Tổng thống Tokayev tối 5/1 phải yêu cầu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO).

Đáp lại lời kêu gọi này, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan - người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng tối cao CSTO - ngày 6/1 đã quyết định cử các lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan để giúp ổn định tình hình ở quốc gia thành viên này.

Việc triển khai này có các đơn vị của các lực lượng vũ trang Nga, Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan, những nước thành viên còn lại trong CSTO. Tuyên bố của CSTO không nêu rõ số lượng binh sĩ được cử đến Kazakhstan, nhưng cho biết nhiệm vụ chính của các lực lượng này là bảo vệ các cơ sở quân sự và nhà nước quan trọng, đồng thời hỗ trợ các lực lượng thực thi pháp luật thiết lập trật tự nhằm ổn định tình hình tại Kazakhstan. Điều lệ của CSTO cho phép giải quyết tình trạng bất ổn nội bộ, nhưng phải được thực hiện trên cơ sở quyết định của một quốc gia có chủ quyền.

Kazakhstan lâm vào tình trạng bất ổn, Kazakhstan, biểu tình bạo loạn leo thang, an ninh bất ổn, tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev
Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev tại cuộc họp Hội đồng An ninh ở Nur-Sultan, Kazakhstan, ngày 6/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

 * Khủng hoảng nhiên liệu

Theo báo chí địa phương, kể từ ngày 1/1/2022, giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) ở Kazakhstan đã tăng gấp đôi, từ 60 tenge (0,14 USD) lên 120 tenge (0,28 USD) một lít. Ngay ngày hôm sau, ngày 2/1, một số cuộc biểu tình nhằm phản đối tăng giá khí đốt đã diễn ra ở tỉnh Mangistau của Kazakhstan.

Ngoài ra, các cuộc biểu tình tự phát phản đối tăng giá khí đốt cũng xảy ra tại Aktau và một số thành phố khác của Kazakhstan. Phần lớn người dân Kazakhstan, trong đó đa số làm nghề lái xe, sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng LPG. Họ bày tỏ phẫn nộ trước việc giá LPG tăng gấp đôi. Sau khi bùng nổ các cuộc biểu tình, các nhà chức trách đã hứa sẽ kiềm chế sự gia tăng của giá khí đốt, nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn việc tăng giá do chi phí sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Kazakhstan Magzum Mirzagaliyev giải thích giá bán LPG hiện nay được tính trên cơ sở giá mua buôn cộng chi phí vận chuyển và lưu kho. Tổng cộng các chi phí này vào khoảng 80 tenge/lít. Ông kêu gọi các doanh nghiệp phân phối LPG thể hiện trách nhiệm xã hội, cùng với chính phủ xem xét phương án hợp lý nhằm xoa dịu phản ứng của người dân.

Các chuyên gia kinh tế nêu ra nhiều lý do khiến giá khí đốt tăng mạnh tại Kazakhstan. Đầu tiên là tình trạng thiếu nhiên liệu và sự xuống cấp của cơ sở sản xuất, nhưng lý do khách quan rõ ràng nhất là do kể từ ngày 1/1/2022, 100% giao dịch mua bán khí đốt hóa lỏng được thực hiện thông qua các sở giao dịch hàng hóa.

Bộ Năng lượng Kazakhstan lý giải việc tăng giá là do các doanh nghiệp sản xuất khí đốt hóa lỏng chuyển sang bán nhiên liệu thông qua giao dịch điện tử, giá cả do thị trường hình thành phù hợp với cung cầu, đồng thời cam đoan rằng chính quyền địa phương không can thiệp vào việc điều tiết giá cả.

Đây không phải là lần đầu tiên giá nhiên liệu được nâng lên ở Kazakhstan trong năm vừa qua. Vào đầu tháng 11/2021, tại khu vực Petropavlovsk, giá khí đốt hóa lỏng đã tăng từ 75 tenge/lít lên 110 tenge/lít chỉ trong hơn một tháng, hiện người dân địa phương đang phải mua với giá 130 tenge/lít. Trước đó, vào tháng 1/2020, cư dân thành phố Zhanaozen cũng đã kêu gọi bình ổn giá khí đốt, sau khi giá đã tăng từ 55 tenge/lít lên 65 tenge/lít. Khoảng 10 năm trước, chi phí khí đốt ở tỉnh Mangistau là 30-35 tenge/lít. Theo cảnh báo của giới chuyên môn, tình hình giá cả nhảy vọt như trên có thể dễ dàng lặp lại trong tương lai gần khi mà khu vực Trung Á đang lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Minh Trà (Tổng hợp)/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm