Tìm thấy mộ Alexander Đại đế ở Hy Lạp?

25/08/2013 09:17 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tại di chỉ gần thành phố Amphipolis cổ đại, cách thủ đô Athens của Hy Lạp 600km về phía Bắc, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một ngôi mộ lớn. Họ cho rằng, rất có thể đây là mộ của Alexander Đại đế.

Alexander Đại đế là vị vua chiến binh đã thống trị Hy Lạp vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Người ta vẫn cho rằng, thi hài ông được chôn ở Ai Cập. Nhưng giờ đây, trong quá trình khai quật một gò đất, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một bức tường lớn có bề mặt là đá cẩm thạch với niên đại vào cuối thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.

Quá sớm để đưa ra mọi suy đoán

Bức tường này dài tới 500m và cao 3m. Các nhà khảo cổ tin rằng phía trong bức tường có thể là một ngôi mộ vua chúa.

Sự kiện đã lập tức thu hút sự quan tâm của công chúng Hy Lạp. Nhiều người hy vọng, phát hiện sẽ giải mã được bí ẩn về nơi an nghỉ cuối cùng của Alexander Đại đế.


Các nhà khảo cổ đang đào một gò đất cổ đại được cho là có chứa di hài của Vua Alexander Đại đế

Các phương tiện thông tin đại chúng Hy Lạp cho rằng đây là mộ của hoàng hậu Roxane và con trai của Alexander Đại đế, hoặc cũng có thể chính là mộ của ông.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp Panos Panagiotopoulos tỏ ra thận trọng: “Phát hiện ở Amphipolis vô cùng quan trọng, song kết nối di chỉ này với một số nhân vật lịch sử mà không có chứng cứ khoa học thì quá táo bạo” - ông tuyên bố tại một cuộc họp báo.

Một chiến binh chưa hề thua trận

Alexander III, được biết rộng rãi với tên Alexander Đại đế, là vua của Macedon, một vương quốc ở miền Bắc Hy Lạp cổ đại. Ông sinh ra vào năm 356 trước Công nguyên ở Pella, và được triết gia Aristotle kèm cặp đến năm 16 tuổi.

Năm 30 tuổi, Alaxander đã gây dựng nên một trong những đế chế lớn nhất của thế giới cổ đại, trải dài từ vùng biển Ionia (thuộc Địa Trung Hải) tới dãy Himalaya. Trong tất cả các cuộc chinh phạt của mình, ông không hề thua trận và được coi là một trong những chiến lược gia quân sự thành công nhất trong lịch sử. Alexander đã chinh phục được toàn bộ đế chế Ba Tư, song là một chiến binh đầy tham vọng, ông tìm cách tới được những nơi “tận cùng của thế giới”. Ông từng xâm lược Ấn Độ vào năm 326 trước Công nguyên, nhưng sau đó đã quay lại.

Ông còn thực hiện một chính sách hòa hợp: đưa cả những người ngoại quốc (không phải người Hy Lạp hay người Macedonia) vào chính quyền và cả quân đội của mình. Ông khuyến khích hôn nhân giữa các tướng sĩ của mình với người nước ngoài và chính ông cũng lấy vợ ngoại quốc. Ông đã sáng lập 20 thành phố mang tên mình, trong đó có Alexandria ở Ai Cập thời cổ đại và truyền bá văn hóa của Hy Lạp.

Nơi chôn cất vẫn là bí ẩn

Người ta tin rằng, Alexander Đại đế qua đời ở Babylon vào năm 323 trước Công nguyên, trước khi ông thực hiện các kế hoạch xâm chiếm Arab.

Nơi chôn cất thi hài Alexander Đại đế hiện vẫn là một bí ẩn. Ông qua đời sau một cơn sốt, khi mới 32 tuổi. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng ông bị đầu độc. Tương truyền, thi hài ông được chôn trong một quan tài vàng đổ đầy mật, rồi được đưa tới Memphis, trước khi tới thành phố Alexandria ở Ai Cập. Ông vẫn được chôn ở đây cho tới cuối thời kỳ cổ đại (thế kỷ thứ 5).

Nhiều người La Mã nổi tiếng như Pompey, Augustus và Julius Caesar đều đã tới thăm mộ ông ở thành phố Alexandria và tương truyền Caligula còn lấy giáp che ngực của Alexander Đại đế làm kỷ niệm.

Việt Lâm (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm