Caravaggio - Danh họa “hư đốn”

23/02/2011 10:59 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - 4 thế kỷ sau khi qua đời, danh họa Caravaggio người Italia hiện được coi là một trong số các họa sĩ bậc thầy của thế kỷ 21. Cách sử dụng ánh sáng đầy mạnh mẽ và ấn tượng của ông, những bức tranh thuộc trường phái chủ nghĩa siêu thực vẫn đánh trúng tình cảm của người xem. Tuy nhiên, hồ sơ tội phạm của ông lại gây sốc hơn bất cứ một ngôi sao rock hư đốn nào thời nay.

Cuộc triển lãm trưng bày các tư liệu tại Trung tâm Tư liệu Quốc gia ở Roma (Italia) đang đem đến cho khách tham quan một sự mô tả sinh động về cuộc đời đầy hỗn loạn của Caravaggio hồi cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17.

Cuộc sống đầy những cuộc ẩu đả và trốn chạy

Các mối quan hệ bạn bè, cuộc sống thường nhật và những cuộc ẩu đả thường xuyên của Caravaggio, trong đó có cả vụ khiến ông bị Giáo hoàng Paul V kết án tử hình, đều được mô tả trong các trang hồ sơ viết tay của cảnh sát và các biên bản của tòa án. Tất cả những tài liệu này đều được đóng lại thành quyển và lưu giữ cẩn thận ở Roma như những tài liệu lịch sử thời Phục hưng và sau này.

Những tài liệu đó vẽ lên một bức tranh về Caravaggio - một người đàn ông nóng nảy, hay cáu kỉnh, luôn mang theo vũ khí trong người, cây kiếm hay con dao, thậm chí cả súng lục, mà không hề có giấy phép và luôn kiêu hãnh tuyên bố rằng ông thích thú được nằm trong sự “bao bọc” của các nhà chức trách tôn giáo, những người đã đặt mua một số bức tranh nổi tiếng nhất của ông.

Caravaggio thường có những cuộc chạm trán với cảnh sát, có hành động rất “ngông nghênh” khi làm thủng trần nhà trong xưởng vẽ thuê để có thể đặt vừa những bức tranh khổ lớn của mình. Việc làm đó đã khiến bà chủ nhà đâm đơn kiện, song họa sĩ chẳng hề “nao núng” mà lại rủ một người bạn ném đá vào cửa sổ nhà bà.

Tất cả những vụ đó đều được ghi lại với những lời khai của các nhân chứng. Song bộ sưu tập các văn bản viết trên giấy da dê này đã ngả vàng, nên nếu không phải là chuyên gia thì rất khó giải mã được. Những vụ việc ẩu đả của họa sĩ đã được lưu lại trong hồ sơ cảnh sát:

- Ngày 4/5/1598: Bị bắt vào 2-3 giờ sáng ở Piazza Navona vì tội mang kiếm mà không có giấy phép.

- Ngày 19/11/1600: Bị kiện vì đánh một người đàn ông bằng gậy và làm rách chiếc áo choàng của ông ta bằng kiếm vào 3 giờ sáng ở Via della Scrofa.

- Ngày 2/10/1601: Một người đàn ông buộc tội Caravaggio và bạn bè họa sĩ vì đã xúc phạm và tấn công ông ta bằng kiếm ở gần Piazza Campo Marzio.

- Ngày 24/4/1604: Người hầu bàn trong một quán rượu ở Via Maddalena phàn nàn bị tấn công sau khi phục vụ atisô.

- Ngày 19/10/1604: Bị bắt giam vì ném đá vào cảnh sát ở gần Via dei Greci và Via del Babuino.

- Ngày 28/5/1605: Bị bắt giam ở Via del Corso vì mang kiếm và dao găm mà không có giấy phép.

- Ngày 29/7/1605: Công chứng viên ở Vatican buộc tội Caravaggio đánh ông ta đằng sau bằng một vũ khí.

- Ngày 28/5/1606: Caravaggio giết một người đàn ông trong một cuộc đánh nhau ở Campo Marzio.

Trong các vụ trên, nghiêm trọng nhất là vụ ẩu đả diễn ra vào tháng 5/1606 khi Caravaggio đã giết chết người đàn ông tên là Ranuccio Tommassoni. Vụ này - giống như sự va chạm giữa các băng đảng hiếu chiến hiện nay - được sắp xếp trước bởi 8 người tham gia. Caravaggio và 3 đồng phạm của mình, một là đại úy trong quân đội của Giáo hoàng, đã gặp các đối thủ tại một sân chơi bóng pallacorda (là một trò chơi ban sơ của môn quần vợt) ở khu vực Campo Marzio.

Nhiều nhà viết tiểu sử cho rằng vụ đánh nhau đó có thể xuất phát từ một cuộc tranh cãi liên quan đến một phụ nữ, song các tài liệu của tòa án cho rằng cuộc cãi vã nảy sinh từ một vụ nợ cờ bạc. Caravaggio đã giết Ranuccio rồi trốn khỏi thành phố. Một trong những người ủng hộ họa sĩ đã bị thương nặng.

Chết trên giường bệnh

Sau vụ đó, Caravaggio đã trốn tới Malta và Sicily ở miền Nam Italia. Ở đây, ông đã nhận được những đơn đặt hàng vẽ tranh mới quan trọng. Giáo hoàng Paul V đã công bố án tử hình vắng mặt với họa sĩ sau vụ giết người đó. Đây là thời điểm mà Caravaggio vừa vẽ chân dung Giáo hoàng.

Bộ tài liệu kể trên còn nêu về cái chết của Caravaggio ở Porto Ercole, phía Bắc thành Roma, vào hồi tháng 7/1610. Ông không chết một mình trên bãi biển sau khi trốn thoát khỏi những người chủ nợ và cảnh sát như một số nhà viết tiểu sử đã nêu, mà chết trong một bệnh viện khi mới 38 tuổi. Lúc đó, Caravaggio đang trên đường trở về Roma từ miền Nam với niềm tin rằng những người bạn đầy thế lực của mình đã xin được lệnh ân xá cho ông.

Các hồ sơ được phục chế này đã cung cấp bối cảnh lịch sử cho cuộc triển lãm bán hết vé ở Roma hồi năm ngoái. Gần 800.000 người đã xếp hàng nhiều giờ liền trong cái nóng oi bức của mùa Hè để được chiêm ngưỡng 50 bức tranh trong triển lãm của danh họa điên khùng và nguy hiểm này.

Những nơi mà Caravaggio thường lui tới, như quán rượu của người Ma-Rốc đã không còn, hay nhà thờ St Ambrose đã bị ghép vào với nhà thờ lớn hơn ở Via del Corso. Tuy nhiên, những con phố chật hẹp thì vẫn còn đó, song thường ách tắc với lượng xe cộ đi lại đông đúc và rải rác các tòa nhà thời trung cổ mà Caravaggio quen thuộc. Đi dọc trên những con phố này, sau khi xem triển lãm, những câu chuyện sinh động về cuộc đời huyên náo của họa sĩ lại hiện lên rõ nét trong tâm trí người thưởng ngoạn.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm