Tiếng chuông Hạc Thành

26/02/2009 11:25 GMT+7 | Đánh thức không gian

Thanh Hóa – vùng đất địa linh nhân kiệt với những truyền thuyết nổi tiếng của nền văn minh Đông Sơn rực rỡ.


Thành phố Thanh Hóa còn có tên Hạc Thành. Tên Hạc Thành được xuất hiện theo điển tích: Có một đàn Hạc trên đường bay tới Thăng Long thì bốn con ở lại đất này… Thật là đất lành chim đậu.


Chính vì vậy mà nơi đây đã sinh ra biết bao anh hùng dân tộc cùng với những trang sử vẻ vang cho đất Việt suốt từ những ngày đầu dựng nước đến bây giờ. Người dân Thanh Hóa luôn tự hào về quê hương của mình. Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ về đất và con người xứ Thanh.


Hồ Thành là một công viên nhỏ ở trung tâm thành phố Thanh Hóa. Công viên có diện tích 112.785 m² với diện tích mặt nước là 32.180m²; giữa hồ có hòn đảo bị bỏ hoang, hình tròn có diện tích 412,7m². Đây là dấu tích còn sót lại của hào nước bao quanh Thành Hạc xưa.


ý tưởng xây dựng “Chuông Hạc Thành” trên đảo nhỏ trong công viên Hồ Thành nhằm Khơi dậy tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc của người dân Thanh Hóa nói riêng và con người Việt Nam nói chung.


- Tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo cho thành phố góp phần làm cho thành phố Thanh Hóa trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam.


- “Chuông Hạc Thành” sẽ là tiếng chuông vang vọng của Bà Triệu, của Dương Đình Nghệ, của Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Lai, Hồ Quý Ly… các vị vua anh minh, các nhân vật kiệt xuất, của chiến thắng Nam Ngạn - Hàm Rồng và với biết bao tấm gương hy sinh cao cả cho đất nước của những con người xứ Thanh.


- “Chuông Hạc Thành” được đặt trên đảo nhỏ giữa hồ với bốn con Hạc trắng đứng trên lưng bốn con Rùa được đặt trên mặt trống đồng Đông Sơn. Mặt trống quay vòng tròn đưa bốn con Hạc quay thuận chiều kim đồng hồ; Hạc có thể xoè đuôi, vỗ cánh và cứ một giờ lại bổ mỏ vào quả chuông một lần (Tiếng chuông theo giờ). Vào 5 giờ sáng, sau hồi chuông là bản nhạc hoành tráng “Tiếng chuông Hạc Thành”; lúc 21 giờ, sau hồi chuông là dàn nhạc nước màu phun lên trên quanh đảo nhờ nhạc “Tiếng Chuông Hạc Thành”.


- Hạc được tạo bằng thép inox cao 3,8m với hình dáng hiện đại nhưng vẫn mang dáng hình văn hóa Đông Sơn.


- Chuông được đúc bằng đồng có trọng lượng 1000kg được treo bằng dây xích trên dàn thép.


- Dàn thép treo chuông là hai nửa vòng tròn  có đường kính 7,8m đặt vuông góc với nhau. Dàn được cấu tạo bởi bốn thanh thép vuông và được trang trí bằng các hoa văn cổ truyền.


- Bốn chân dàn là bốn con cóc bằng đồng tạo thế ổn định cho dàn.


- Để làm phong phú thêm, công viên Hồ Thành (Hạc Viên) sẽ được xây dựng với những công trình sau:


+ Phía Tây công viên tạo một đàn Hạc khoảng 15-20 con bằng vật liệu tổng hợp compuzit với nhiều kiểu dáng khác nhau. Phun mù có hương thơm vào đàn Hạc gắn thêm loa nhỏ phát ra tiếng Hạc ríu rít hòa lẫn tiếng nhạc du dương. Du khách vào thăm như được đi trong chốn bồng lai.

+ Hạc lầu là công trình có thể tổ chức ăn uống phục vụ du khách.

+ Hạc quán nơi cho du khách nghỉ ngơi.


- Khán đài xây dựng bằng BTCT ốp gạch giếng đáy màu đỏ được bố trí trên hai bên bờ hồ. Khán đài có sức chứa 1200 người (900 người cho khán đài phía Đông, 300 người cho khán đài phía Tây). Hệ thống âm thanh đảm bảo cho du khách ngồi dự thưởng thức; chuông đồng hồ Hạc có thể đảm bảo cho cả thành phố nghe được. Quanh đảo xây dựng dàn phun nước nghệ thuật.

Trong công viên còn có cây xanh, thảm cỏ đẹp, xung quanh công viên có hàng rào và hai cổng vào chính từ đường Triệu Quốc Đạt và Lê Lợi.

Từ một hòn đảo nhỏ bỏ không, “Chuông Hạc Thành” được xây dựng sẽ “đánh thức không gian” cho một vùng đất địa linh – nhân kiệt và làm đẹp thêm cho khu trung tâm thành phố Thanh Hóa tạo ra điểm đến của Du lịch Việt Nam trên tuyến du lịch Quốc gia Bắc - Nam.

Tác giả: Nguyễn Thế Khải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm